VOV đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhi nam N.N.T. (15 tuổi, ngụ Long An) trong tình trạng hôn mê, tím tái do ngạt nước.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, co gồng từng cơn, người tím tái. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi từ quê lên nhà người thân ở TP.HCM chơi, tự đi bơi tại hồ bơi thiếu nhi của một quận trong thành phố. Lúc bệnh nhi bị ngạt, không có ai thấy nên chưa tìm ra lý do khiến bệnh nhi đuối nước.
Vụ việc xảy ra khoảng 14h22 cùng ngày, nhân viên cứu hộ bể bơi phát hiện bệnh nhi đang nằm dưới nước, liền vớt đưa lên hành lang cạnh hồ bơi. Bệnh nhi ngưng tim ngưng thở, được hồi sức thổi ngạt ấn tim khoảng 5-10 phút, đồng thời gọi trạm vệ tinh cấp cứu 115.
Ghi nhận bệnh nhi mê, co giật, thở ngáp cá, ekip cấp cứu đặt nội khí quản cấp cứu ngưng thở ngưng tim, tiêm adrenalin và đưa đến bệnh viện.
Tình trạng của bệnh nhi đã cải thiện sau gần 1 tuần điều trị. Ảnh: VOV
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chẩn đoán bệnh nhi ngạt nước, phù phổi cấp, thiếu oxy não, viêm phổi hít, được xử trí thở máy, chống co giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải và sử dụng kháng sinh.
Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi đã cải thiện, tiếp xúc được, hết gồng giật, được cai máy thở.
Các bác sĩ cảnh báo, khi trẻ đi bơi cần có người lớn theo trẻ để quan sát theo dõi, kịp thời báo cứu hộ viên hỗ trợ khi trẻ bị chìm dưới nước. Phụ huynh cho trẻ học bơi, cần biết cấp cứu ngưng thở ngưng tim tại hiện trường giúp cứu sống trẻ, không để lại di chứng não về sau.
Theo VTC News, khoảng 1 năm nay, nam thanh niên quê ở Sơn La có các triệu chứng mệt mỏi, ho nhiều, ho ra máu, đi khám ở nhiều nơi không ra bệnh.
Sau khi đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) bác sĩ chẩn đoán phát hiện nhiễm sán lá phổi. Bệnh nhân được điều trị thuốc theo phác đồ diệt sán, hiện sức khỏe đã ổn định.
Các bác sĩ cho hay, bệnh sán lá phổi thường xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An.
Nguyên nhân do thói quen ăn uống của người dân khi ăn tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống, nguy cơ bị ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng. Sau đó, chúng xuyên qua cơ hoành và màng phổi, vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
Hình ảnh phim chụp cắt lớp phổi của bệnh nhân nhiễm sán lá phổi. Ảnh: VTC News
Sán lá phổi có nhiều loài khác nhau (hơn 40 loài) nhưng có 2 loài thuộc nhóm sán lá phổi có mức độ gây hại nhất đó chính là Paragonimus heterotremus và Paragonimus westermani.
Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh cũng như các bệnh lý nền kèm theo mà mỗi người bệnh lại xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau. Điển hình như rối loạn tiêu hóa, đau bụng dẫn tới tiêu chảy, tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi, ho kéo dài, ho khạc đờm có kèm máu, đau tức ngực, sốt nhẹ, cơ thể dần yếu ớt, khả năng hô hấp bị hạn chế.
Để phòng tránh lây nhiễm sán lá phổi, cần phát hiện sớm các trường hợp người bệnh sán lá phổi, điều trị dứt điểm nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh.
Chú ý tới chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, không nên ăn các loại đồ ăn sống như tôm, cua nước ngọt. Đồng thời, vệ sinh tay và các dụng cụ chế biến thức ăn một cách sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các loại tôm, cua, cá sống.
Theo VTV Times, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân L.Đ.T. (62 tuổi) trong tình trạng chảy máu cổ chân phải do rắn cắn.
Trước đó, trong đêm 9/8, khi ra thăm ruộng, bệnh nhân bị rắn quấn vào cổ chân phải, sau đó thấy máu chảy ra ở cổ chân phải. Bệnh nhân được gia đình chuyển ngay vào Phòng khám Đa khoa Khu vực Quan Lạn.
Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân được xử trí cấp cứu truyền dịch, tiêm SAT, tiêm kháng viêm… Các bác sĩ nhận định bệnh nhân có thể diễn biến nặng, nguy cơ cao…, lập tức gọi đầu cầu Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn xin hội chẩn để chuyển bệnh nhân lên trung tâm điều trị ngay.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trong đêm, kíp cấp cứu thuộc khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn do bác sĩ Hoàng Thị Phân Thoa, điều dưỡng Trần Thị Tuyến, cùng anh Lê Văn Hân lập tức lái xuồng cứu thương đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Quan Lạn đón bệnh nhân về điều trị.
Bệnh nhân bị rắn cắn khi ra thăm ruộng. Ảnh: VTV Times
Sau khoảng hơn 2 giờ chạy xuồng liên tục trong đêm, khoảng 1h30 sáng 10/8, kíp cấp cứu đã đón được bệnh nhân về khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và Chống độc Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn điều trị.
Tại đây, bệnh nhân lập tức được các y bác sĩ khám và xử trí rửa vết thương, truyền dịch, giảm đau, chống viêm, và làm các xét nghiệm cơ bản để đánh giá toàn trạng cho bệnh nhân.
Sau một ngày theo dõi, chăm sóc và điều trị sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Dự kiến sang tuần bệnh nhân có thể được xuất viện.
Bác sĩ CKI Nguyễn Khắc Mạnh - Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và Chống độc cho biết, trường hợp bệnh nhân này may được đưa đến viện sớm để xử trí vết thương do rắn độc cắn kịp thời nên có thể hồi phục hoàn toàn, không ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngược lại, người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do não thiếu oxy kéo dài. Do đó, khi bị rắn cắn hoặc gặp trường hợp bị rắn cắn, người dân cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh tổn thất đến tính mạng.