Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 10/8/2024: Bỏng nặng vì bị nồi nước sôi đổ vào người

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 10/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 10/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bỏng nặng vì bị nồi nước sôi đổ vào người

VietnamNet đưa tin, nam bệnh nhân 30 tuổi ở Lâm Thao (Phú Thọ) được đưa vào trung tâm y tế gần nhà với tình trạng tổn thương do bỏng toàn bộ thân trước, vùng cổ, ngực, bụng, hai cánh tay, đùi, gối.

Gia đình cho biết trước đó, anh bị trượt chân ngã khi bê nồi nước sôi, khoảng 20 lít nước nóng dội vào người. Sau tai nạn, bệnh nhân đã tự dội nước mát lên toàn bộ vùng tổn thương.

Tại Trung tâm Y tế Lâm Thao, bệnh nhân được áp dụng các biện pháp hồi sức, cấp cứu, tạo đường truyền bù dịch, giảm đau an thần, chống sốc, xử trí băng vết bỏng cho người bệnh.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc bỏng/bỏng nước sôi độ II diện tích thương tổn 32% cơ thể. Sau gần nửa tháng điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định, các vết bỏng đã khô và được ra viện.

Người đàn ông bị trượt chân ngã khi bê nồi nước sôi. Ảnh minh họa

Bác sĩ CKI Trần Ngọc Lương - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế Lâm Thao, khuyến cáo bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống và trong công việc, có thể đe dọa đến tính mạng, để lại nhiều di chứng.

Dưới đây là các bước sơ cứu tại chỗ với bỏng nhiệt:

- Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người nạn nhân, cởi bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi,… Đồng thời tiến hành cấp cứu toàn thân khi có ngừng tuần hoàn, đa chấn thương kèm theo, suy hô hấp do bỏng đường thở.

- Bước 2: Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát sạch, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng. Không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân. Không dùng nước ấm, có nhiệt độ cao hơn.

Có thể ngâm rửa phần bị bỏng dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong chậu nước mát hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt dội rửa liên tục nước sạch lên vùng bỏng. Thời gian ngâm rửa từ 15 - 30 - 45 phút (thường tới khi hết đau rát). Không làm trợt vỡ vòm nốt bỏng. 

- Bước 3: Che phủ tạm thời vết bỏng bằng vật liệu sạch: gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn,… sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Với vùng mặt và sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc. Tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng.

- Bước 4: Bù nước, điện giải sau bỏng bằng cách cho uống nước Oresol nếu nạn nhân không nôn, không chướng bụng, vẫn tỉnh táo. Có thể cho uống nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả, cho trẻ bú bình thường.

- Bước 5: Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, nếu bệnh nhân bỏng nặng cần vận chuyển bằng cáng, ô tô.

Nội soi gắp mảnh lego mắc kẹt trong đường thở của bé trai

Theo VTC News, bé trai được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng khò khè, khó thở, tím tái. Gia đình cho biết, bệnh nhi nuốt phải mảnh ghép lego trong lúc chơi.

Các bác sĩ tại khoa Hô hấp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thăm khám, hội chẩn nhanh, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả chụp CT Scanner cho thấy dị vật không cản quang nằm ở phế quản gốc bên trái.

Hai kíp bác sĩ nội soi phế quản, gây mê phối hợp sử dụng máy nội soi phế quản ống mềm hiện đại gắp thành công mảnh ghép lego có đường kính khoảng 1cm không gây tổn thương cho đường thở của bệnh nhi. Bệnh nhi sau đó thở lại bình thường.

Dị vật gắp ra là mảnh ghép lego có đường kính khoảng 1cm. Ảnh: VTC News

Dị vật đường thở là cấp cứu trong y khoa, có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. 

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng khi cho trẻ chơi với những vật nhỏ như Lego để tránh nguy cơ sặc dị vật. Nếu phát hiện trẻ ngậm dị vật, phụ huynh nên bình tĩnh, dỗ dành trẻ nhè dị vật ra, tuyệt đối không dùng tay móc dị vật hoặc làm trẻ hoảng sợ vì có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp trẻ bị sặc, hãy thực hiện sơ cứu ngay lập tức bằng cách đặt trẻ nằm nghiêng, đầu thấp và vỗ lưng. Nếu tình trạng không cải thiện, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Bé trai 11 tuổi mang khối u tuyến ức lớn

VTV Times đưa tin, khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch lồng ngực Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiến hành phẫu thuật cho bé trai 11 tuổi có khối u tuyến ức lớn.

Theo gia đình chia sẻ, ban đầu bệnh nhi có biểu hiện đau tức ngực, khó thở vào buổi tối khi nằm. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn ăn ngủ bình thường, không gầy sút cân nên gia đình cũng không cho đi khám.

Chỉ đến khi bệnh nhi kêu đau tức ngực nhiều và cảm giác khó thở tăng lên, gia đình mới đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để tiến hành kiểm tra. Tại bệnh viện, sau khi tiến hành thăm khám, trên kết quả chụp CTScanner phát hiện u tuyến ức lớn. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật u tuyến ức cho bệnh nhi.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hoành - Trưởng Khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch lồng ngực Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, đối với một ca phẫu thuật cắt u tuyến ức lớn cho bệnh nhi gặp rất nhiều khó khăn từ gây mê đến phẫu trường nhỏ do cấu trúc cơ thể của trẻ nhỏ…

Các bác sĩ đã hạn chế tối đa việc mở ngực bên, kèm theo cắt nhiều khớp ức sườn vì như vậy có thể để lại nhiều di chứng cho trẻ sau phẫu thuật. Thay vào đó, các bác sĩ đã lựa chọn đường mổ giữa ngực chẻ xương ức giúp tạo thuận lợi cho việc phẫu tích cắt và lấy trọn u, tránh nguy cơ tái phát về sau.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: VTV Times

Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã kết thúc, khối u kích thước gần 5x4cm đã được các bác sĩ bóc tách và cắt bỏ thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc và điều trị tại đơn vị Hồi sức tích cực Nhi. Hiện, sức khỏe bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện.

Theo các bác sĩ, u tuyến ức là u biểu mô hiếm gặp của tuyến ức. Ở giai đoạn sớm, u có kích thước nhỏ, thường không có triệu chứng. Đến giai đoạn muộn, u có kích thước lớn và ác tính hóa, gây tình trạng chèn ép và thâm nhiễm các tổ chức xung quanh như màng tim, màng phổi, khí quản và các động mạch lớn đi ra từ tim, phổi (quai động mạch chủ, động mạch phổi…) gây ra các triệu chứng lâm sàng như đau ngực, khó thở, ho, nấc, khàn giọng… Nếu thấy các triệu chứng tương tự như trên, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.

Tin nổi bật