Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 9/8/2024: Liên tiếp 3 người đàn ông nhập viện trong đêm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 9/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Liên tiếp 3 người đàn ông nhập viện trong đêm

Theo thông tin trên VietNamNet, kíp trực đêm của Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận 3 người đàn ông vào viện liên tiếp với tình trạng đau bụng dữ dội, xuyên sang sau lưng.

Trường hợp thứ nhất là ông V.T.D. (49 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vào cấp cứu ngay trong đêm vì đau bụng dữ dội vùng mạn sườn phải. Trước đó 1 giờ, bệnh nhân xuất hiện đau bụng vùng mạn sườn phải, đau quặn từng cơn tăng dần, đau xuyên ra sau lưng.

Bác sĩ phát hiện người bệnh có hình ảnh ứ nước thận phải do sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên bên phải, sỏi thận hai bên và chỉ định phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng ống mềm.

Người bệnh cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: VietNamNet

Trường hợp thứ 2 là ông N.M.Đ. (45 tuổi, ở thị trấn Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu trái, đau quặn từng cơn tăng dần, trong cơn đau xuyên ra sau lưng.

Qua thăm khám, kiểm tra nhận thấy người bệnh có hình ảnh ứ nước thận trái do sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên, sỏi thận hai bên và được chỉ định phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng ống mềm. Sau ca phẫu thuật thành công, sức khỏe người bệnh đã hồi phục.

Bệnh nhân thứ 3 là ông L.K.T. (52 tuổi, ở Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ). Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu, đau quặn từng cơn và xuyên ra sau lưng. Người bệnh được chẩn đoán ứ nước thận trái do sỏi bể thận, sỏi thận hai bên và được thực hiện phẫu thuật tán sỏi thận qua da. 

Theo các bác sĩ, sỏi thận là bệnh phổ biến ở Việt Nam, tỷ lệ mắc rất cao. Trong đó, việc sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ là một trong số nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. 

Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn khiến các chất khoáng được lọc qua thận nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Ngoài ra, một số thói quen khác cũng gây sỏi thận như uống ít nước, mất ngủ kéo dài, nhịn ăn sáng hay nhịn tiểu. 

Thanh Hóa ghi nhận thêm 2 ca mắc bệnh bạch hầu

Báo Công Thương đưa tin chiều 8/8, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 3 ca mắc bạch hầu đã được phát hiện tại ổ dịch ở khu phố Đoàn Kết (thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa).

Trước đó, ngày 5/8, chị P.L.M. (SN 2007) đang mang thai tháng thứ 8, trú tại khu phố Đoàn Kết (thị trấn Mường Lát) nhập viện trong tình trạng đau rát họng, vùng lưỡi gà và thành sau họng có nhiều giả mạc màu trắng ngà, bóng, dai, dính chặt.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Thai phụ được chuyển tới khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cách ly, điều trị.

Qua điều tra dịch tễ, lực lượng chức năng xác định có 23 F1 là người thân và sinh sống gần nơi ở của bệnh nhân. Ngay sau đó, các ca F1 đã được lấy mẫu dịch mang đi xét nghiệm, cách ly tại nhà, tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe trong vòng 14 ngày.

Ngành y tế lấy mẫu những người từng tiếp xúc với người bệnh. Ảnh: Báo Công Thương

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, sáng 8/8, kết quả xét nghiệm mẫu do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện xác định thêm 2 ca bạch hầu trong ổ dịch. Đó là một em bé 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, đều là người thân của thai phụ mắc bạch hầu trước đó.

Sau khi có thêm 2 ca mắc bạch hầu, lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn chuẩn bị thuốc điều trị dự phòng cho tất cả đối tượng có nguy cơ trong gia đình người bệnh và các hộ dân xung quanh, những người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc có nguy cơ mắc bệnh.

3 người ở Đồng Nai bị chó dại cắn

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết, ổ dịch dại trên chó được ghi nhận tại ấp 3 (xã Phước Bình, huyện Long Thành). Đây cũng là ổ dịch dại thứ 2 trên địa bàn từ đầu năm đến nay.

Anh N.Đ.H. (ngụ xã Phước Bình) nuôi 1 con chó và 1 con mèo, chưa được tiêm vaccine phòng dại. Chiều 3/8, con chó nhà anh H. có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại.

Trước đó, từ ngày 30/7 - 31/7, con chó này đã cắn 3 người gồm M.T.D. (11 tuổi) bị cắn vào mu bàn chân phải, vết thương nông chảy máu ít; ông N.B.T. (55 tuổi) bị cắn vào bàn chân phải, vết thương sâu và chảy máu nhiều; chị D.T.N.H. (41 tuổi) bị chó liếm vào vết thương hở.

Cả 3 trường hợp đều đã vệ sinh vết cắn, tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.

Đồng Nai ghi nhận 3 trường hợp bị chó dại cắn. Ảnh minh họa:  Cronicaglobal.elespanol

Theo kết quả điều tra dịch tễ cho thấy địa phương có nuôi nhiều chó thả rông và không rọ mõm, đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại trên chó.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 22 ổ dịch dại trên chó, 1 ca không qua khỏi, tăng 17 ổ so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình này, ngành y tế đã tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng bệnh dại, hướng dẫn cách xử trí khi bị chó, mèo cào, cắn.

Cách xử trí cụ thể như sau:

- Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch 5-10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Không nặn máu từ vết thương.

- Không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương và khiến virus xâm nhập sâu hơn.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi ngờ dại (chó dễ kích động, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng; cắn, gặm bừa bãi, bỏ ăn, chảy nhiều nước dãi…), phải báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Tin nổi bật