Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 5/8/2024: Người đàn ông tử vong sau khi ăn tiết canh

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 5/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông tử vong sau khi ăn tiết canh

Báo Công An Nhân Dân đưa tin, bệnh nhân L.Đ.T (SN 1983, trú xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rất nặng do nhiễm liên cầu lợn.

Theo người nhà bệnh nhân, sáng 19/7, anh T. mua lòng lợn và tiết canh sống ở chợ về tự đánh tiết canh và một mình ăn 2 bát.

Khoảng 14h ngày 23/7, anh T. lên cơn sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím. Nghi ngờ nam bệnh nhân bị nhiễm trùng máu nên Trạm Y tế xã Quảng Hải đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm khuẩn liên cầu lợn nên được chuyển thẳng ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Dù được cấp cứu, điều trị, chăm sóc tích cực nhưng đến sáng 2/8, bệnh nhân đã tử vong. 

Người đàn ông nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Ảnh minh họa

Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gần đây, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên cầu khuẩn được chuyển đến.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ chân. 

Ngoài ăn tiết canh, nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn trong quá trình chế biến, giết mổ lợn. Gần đây nhất là nam bệnh nhân 57 tuổi ở Yên Bái, sau khi mổ lợn 3 giờ, bệnh nhân xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau bụng, nôn nhiều.

Khi bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã sốc nhiễm khuẩn theo dõi liên cầu lợn. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Bên cạnh đó, sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.

Điều trị cho bé gái 3 tuổi bị sốt mò

Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhi 3 tuổi bị sốt mò.

Trước đó, bệnh nhi 3 tuổi vào viện trong tình trạng sốt, ho… Gia đình chia sẻ khoảng 5 ngày nay cháu bé xuất hiện sốt nóng, ngày sốt nhiều cơn kèm ho, đã điều trị tại một cơ y tế nhưng tình trạng bệnh không đỡ với chẩn đoán viêm mũi họng…

Gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) để theo dõi và điều trị. Qua các kết quả cận lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt mò (hay sốt Rickettsia), chỉ số viêm tăng, hội chứng nhiễm trùng, số lượng tiểu cầu giảm, bệnh sốt kéo dài tổn thương nhiều cơ quan được chuyển vào Khoa Nhi để điều trị tích cực.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Sau 3 ngày điều trị theo phác đồ của bác sĩ, hiện tại tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, cắt sốt và tiếp tục theo dõi thêm tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm với đặc điểm nổi bật là sốt kéo dài, phát ban kèm nổi hạch. Bệnh do vi khuẩn gây ra và cần phải điều trị kháng sinh dài ngày. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, nhầm với bệnh khác và điều trị không đúng, độc tố vi khuẩn sẽ lan tràn gây suy yếu các cơ quan, cực kỳ nguy hiểm.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh sốt mò, người dân cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm.

Đặc biệt, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, không cắt sốt ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra, không tự ý điều trị và để tình trạng trẻ sốt cao kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 800 thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế

Báo Công Thương đưa tin ngày 4/8, TS. Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, ở đợt cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế mới nhất cuối tuần này, Cục Quản lý Dược đã gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 700 loại thuốc sản xuất trong nước; cấp mới giấy đăng ký lưu hành 41 thuốc và cấp mới, gia hạn 21 giấy đăng ký lưu hành vaccine, sinh phẩm y tế.

Như vậy, tổng số thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được Cục Quản lý Dược cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành là 762 loại.

Trong số 700 loại thuốc được gia hạn, có 479 loại gia hạn trong 5 năm, 193 loại gia hạn trong 3 năm và 28 loại thuốc còn lại được gia hạn đến ngày 31/12/2025.

Trong số 41 loại thuốc cấp mới giấy đăng ký lưu hành có 40 loại cấp mới trong 5 năm, 1 loại còn lại cấp mới trong 3 năm.

Trong số 27 vaccine, sinh phẩm được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành có 15 loại được gia hạn, cấp mới trong 5 năm; 12 loại được gia hạn, cấp mới trong 3 năm.

Cục Quản lý Dược vừa gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 700 loại thuốc sản xuất trong nước; cấp mới giấy đăng ký lưu hành 41 thuốc và cấp mới, gia hạn 21 giấy đăng ký lưu hành vaccine, sinh phẩm y tế. Ảnh minh họa: Công Thương

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Trước đó khoảng 10 ngày, Cục Quản lý Dược đã gia hạn giấy đăng lý lưu hành đối với 626 loại thuốc sản xuất trong nước. Như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn đã có liên tiếp các đợt cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế.

Tin nổi bật