Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 8/8/2024: Nam sinh mất ý thức sau khi bị ong vò vẽ đốt

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 8/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nam sinh mất ý thức sau khi bị ong vò vẽ đốt

VietNamNet đưa tin, tai nạn sinh hoạt xảy ra với bệnh nhi H.T. (11 tuổi, ở Hà Nội) ngày 25/7. Ngay sau khi bị 2 con ong vò vẽ đốt, bệnh nhi xuất hiện đỏ da toàn thân, ngứa, sau khoảng 10 phút trẻ vã mồ hôi, ngất và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cấp cứu.

Lúc này, bệnh nhi đã trong tình trạng mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, tim đập nhanh. Sau khi được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, trẻ tỉnh hơn và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhi tiếp tục được dùng adrenalin, thở oxy hỗ trợ, dùng các loại thuốc theo phác đồ xử trí sốc phản vệ và phòng các biến chứng do bị ong đốt. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định và đã được ra viện.

Hình ảnh ong vò vẽ và ong mật. Ảnh: VietNamNet

Một bé gái 2 tuổi ở Ninh Bình cũng bị ong vò vẽ đốt khi đang chơi trong vườn nhà. Sau khi bị đốt, bé được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, chẩn đoán tăng men gan, tiêu cơ vân cấp sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định và đã xuất viện.

Bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết họ ong vò vẽ gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Nọc của ong vò vẽ là hỗn hợp với khoảng 40 thành phần có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân, suy thận cấp,…

Mức độ nặng của liều độc phụ thuộc vào loại ong, số nốt và vị trí đốt. Đối với người lớn được coi là nặng nếu bị ong đốt trên 30 nốt, còn với trẻ em là trên 10 nốt. Nếu không được xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Ăn sâu ban miêu, thanh niên 27 tuổi tử vong

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc khi ăn sâu ban miêu và đã tử vong. Cụ thể, người tử vong là anh Đ.S (27 tuổi, ngụ xã An Thành, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai).

Theo người nhà anh S., trưa 6/8, anh ăn 10 con sâu ban miêu. Khoảng 30 phút sau, anh có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Ngay sau đó, gia đình đưa anh S. đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Pơ và được chuyển lên khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trong tình trạng mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân yếu, nước tiểu màu đỏ.

Tại đây, bác sĩ xác định anh S. bị ngộ độc sâu ban miêu nặng dẫn đến suy thận, suy gan, nguy cơ tử vong cao và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện. Tuy nhiên, anh S. không qua khỏi.

Sâu ban miêu được người nhà bệnh nhân cung cấp cho bác sĩ. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Theo bác sĩ Dương Thái Thuấn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, sâu ban miêu là loại côn trùng có hình giống bọ xít, độc tính rất cao, chứa chất độc Cantharidin. Bác sĩ Thuấn khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ tránh trường hợp đáng tiếc như ở trên.

Tiến hành truyền ối cứu sống thai nhi từ trong bụng mẹ

Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa thực hiện thành công ca truyền ối cho thai phụ N.T.H. (31 tuổi, đến từ Nam Định). Chị H. mang thai ở tuần thứ 25, thai nhi có tim 4 buồng không cân đối, thiểu ối nghiêm trọng với chỉ số nước ối chỉ 24mm.

Tình trạng thiểu ối khiến thai nhi bị bó chặt trong tử cung, hạn chế vận động, một số trường hợp có thể dẫn đến tuần hoàn của em bé đảo ngược, thai bị suy tim,...

Các bác sĩ tiến hành thủ thuật truyền ối truyền ối cho thai phụ. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Nhận định được tình hình nguy cấp, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm của Trung tâm Can thiệp Bào thai gồm TS. BS Phan Thị Huyền Thương - Phó giám đốc Trung tâm, bác sĩ CKII Ngô Thị Hương cùng ekip đã tiến hành kỹ thuật truyền ối.

Thủ thuật này nhằm mục đích tăng lượng nước ối, tạo môi trường thuận lợi cho thai nhi phát triển, giảm nguy cơ biến chứng và tăng khả năng sống sót.

Khi truyền ối, người mẹ hoàn toàn có thể theo dõi trực tiếp các cử động của con thông qua máy siêu âm. Khi vấn đề ít nước ối được giải quyết, thai nhi có thể cử động, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa hoạt động trở lại.

Ca truyền ối diễn ra thành công tốt đẹp, mang đến nhiều hy vọng cho gia đình thai phụ. Đây là một trong rất nhiều ca truyền ối mà Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thực hiện thành công, cứu sống nhiều em bé bị thiểu ối.

Tin nổi bật