Theo báo Công An Nhân Dân, bệnh nhân là anh T.Đ.D (SN 1995, quê tỉnh Tây Ninh). Trước khi nhập Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vài ngày, anh D. có biểu hiện đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, cơn đau ngày càng dồn dập và nghiêm trọng.
Người bệnh và gia đình chia sẻ, cách đây 3 tháng, anh D. đã vô tình nuốt một chiếc đũa. Tuy nhiên, anh D. không đi khám mà cho rằng, chiếc đũa sẽ tự ra ngoài bằng đường đại tiện. Gần đây, anh D. cảm thấy đau nhiều vùng bụng và được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã khẩn trương tiến hành chụp CT phát hiện có một dị vật giống như que gỗ tại tá tràng của người bệnh. Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa bao gồm khoa Nội soi, khoa Ngoại tổng quát đã được triển khai và các bác sĩ thống nhất cho bệnh nhân nội soi đường tiêu hóa trên bằng ống mềm để lấy dị vật.
Dị vật được lấy ra là đũa ăn loại dùng 1 lần, dài 18cm. Ảnh: Công An Nhân Dân
Khi tiếp cận vị trí của dị vật trong tá tràng, bác sĩ CKII Trương Ngọc Nhã - Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phát hiện dị vật là một chiếc đũa tre dài, một đầu tù cắm sâu vào đoạn D2 - D3 tá tràng gây thủng tá tràng.
Đây là một trường hợp mắc dị vật khá khó khi chiếc đũa quá dài, ekip nội soi bắt buộc phải tìm được một đầu của chiếc đũa thì mới rút được ra. Tuy nhiên, nguy cơ gây xâm lấn đến các vùng tạng xung quanh là rất lớn.
Một phương án khác được đưa ra là bệnh nhân sẽ được mổ mở để tiếp cận và lấy dị vật dễ dàng hơn. Nhưng với tinh thần cố gắng hết sức để giúp hạn chế tối đa tổn hại về sức khỏe cũng như tiết kiệm chi phí cho người bệnh, ekip các bác sĩ đã kiên nhẫn dịch chuyển nhẹ nhàng chiếc đũa để lộ ra một đầu đũa. Sau đó, thông qua ống nội soi, các bác sĩ đã đưa vào một đầu dây thòng lọng, thắt chiếc đũa và rút ra qua đường thực quản, miệng.
Chiếc đũa sau khi lấy ra ngoài, đo được chiều dài là 18cm, là loại đũa ăn dùng một lần. Kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ra một lỗ thủng lớn, sâu ở tá tràng của người bệnh. Ekip bác sĩ đã tiến hành đặt ống thông dạ dày nuôi ăn đường tĩnh mạch và chuyển bệnh nhân qua khoa Ngoại tổng quát để tiếp tục theo dõi điều trị vùng tá tràng thương tổn. Hiện tại, sức khỏe anh D. đã ổn định, tình trạng bụng mềm, không đề kháng, chỉ định xuất viện và theo dõi tái khám theo lịch.
Theo bác sĩ CKII Trương Ngọc Nhã, nếu không điều trị kịp thời, dị vật để lâu trong ổ bụng sẽ gây nhiễm trùng nặng do viêm phúc mạc, thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu không may nuốt dị vật thì cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho người bệnh.
Ngày 5/8, báo Hà Nội Mới dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, cụ bà 86 tuổi ở huyện Quốc Oai khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ... Sau đó, cụ được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh nặng nên cụ đã không qua khỏi.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có một trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 6 ca và số ca tử vong tương đương.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có 3 nhóm đối tượng dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, gồm: Những người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt lợn ốm, chết; người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung; những người ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn không được chế biến kỹ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lý nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị cứu chữa kịp thời. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp chăn nuôi, hay giết mổ, chế biến thịt lợn bệnh.
Liên cầu khuẩn lợn xuất hiện chủ yếu ở lợn nhà nhưng đôi khi vẫn tìm thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo, và chim. Ngoài ra, vi khuẩn này còn tồn tại ở trong rác, phân, nước. Liên cầu khuẩn lợn có 2 loại: loại I gây dịch bệnh lẻ tẻ ở những đàn lợn nhỏ đang bú sữa; loại II gây bệnh ở lợn mọi lứa tuổi và có thể lây nhiễm cho người.
Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh và lợn lành nhưng mang mầm mống bệnh. Vi khuẩn này sẽ lây sang người giết mổ, chế biến qua những vết thương hở trên da và sử dụng thịt lợn không chế biến kỹ.
Do vậy, nhiễm liên cầu khuẩn lợn không chỉ gặp ở người chăn nuôi mà còn gặp ở người giết mổ, người bán thịt, người nội trợ, chế biến thịt lợn hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.
Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có bằng chứng vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người. Khi nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời vì bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Theo VietNamNet, nam bệnh nhân H.V.I. (44 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn trong tình trạng bụng đau dữ dội, người mệt mỏi.
Bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả chụp ổ bụng cho thấy hình ảnh viêm tụy cấp phù nề, xét nghiệm men tụy tăng cao, mỡ máu có chỉ số triglyceride lên tới 106 mmol/l. Đây là chỉ số mỡ máu cực kỳ nguy hiểm, cao gấp hơn 50 lần so với bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp.
Hình ảnh máu được lấy ra ken đặc mỡ. Ảnh: VietNamNet
Ngay lập tức, các bác sĩ thiết lập đường truyền Catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền dịch tích cực, giảm đau và hạ mỡ máu bằng insulin tĩnh mạch liên tục. Sau 3 ngày điều trị, nam bệnh nhân đã hết đau bụng, mức độ mỡ máu về giới hạn cho phép, người bệnh bắt đầu ăn lại bằng đường miệng.
Bác sĩ CKI Mai Giang Nam - Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cho biết, viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30-35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện.
Với mức triglyceride >5.6 mmol/L, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm tụy cấp, nếu triglyceride >11.3 mmol/L, nguy cơ mắc viêm tụy cấp là 5%. Tỷ lệ này tăng lên 10-20% khi mức triglyceride > 22.6 mmol/l.
Nếu bệnh nhân không được điều trị nguy cơ viêm tụy cấp tái phát, dẫn đến viêm tụy mạn gây suy tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết.
Bác sĩ Nam khuyến cáo để phòng bệnh viêm tụy cấp, người dân không nên dùng thức uống có cồn (rượu, bia). Người dân nên ăn uống khoa học, vệ sinh, giảm tinh bột, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường nhiều rau xanh, trái cây, luyện tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Những người mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì, mỡ máu, sỏi mật nên khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tụy cấp.