Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiêm ngừa vaccine sởi ở TP.HCM theo phương án phù hợp, có thể không tuân thủ hướng dẫn chung

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Theo đại diện Bộ Y tế, việc tiêm vaccine sởi có thể thực hiện theo các phương án phù hợp với tình hình tại TP.HCM hiện nay thay vì tuân thủ hướng dẫn chung của Bộ.

Ngày 29/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Đề xuất TP.HCM cân nhắc tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Trình bày ý quan điểm về công tác phòng chống dịch sởi ở TP.HCM tại buổi làm việc, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, vaccine sởi được Bộ Y tế hướng dẫn tiêm ngừa mũi thứ nhất cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp mắc sởi ở TP.HCM là trẻ dưới 9 tháng - nhóm chưa đủ tuổi chủng ngừa.

Quang cảnh buổi làm việc.Ảnh hcmcpv.org.vn

Đại diện Bộ Y tế cho hay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng ở vùng nguy cơ cao, vùng có dịch bệnh. Vaccine sởi của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất đã cung ứng hơn 15 năm qua. Cách đây 4 năm, đơn vị này đã nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính an toàn và tạo miễn dịch ở nhóm trẻ 6-8 tháng tuổi, được Cục quản lý Dược cho phép chỉ định tiêm chủng.

"TP.HCM xem lại các ổ dịch sởi ở các địa phương, cân nhắc chỉ định tiêm ngừa vaccine sởi đơn cho nhóm trẻ 6-8 tháng, đặc biệt trẻ mắc bệnh nền điều trị trong các bệnh viện, có nguy cơ phơi nhiễm với sởi, dễ trở nặng khi nhiễm sởi", báo VnExpress dẫn lời bà Hồng nói, thêm rằng khi TP.HCM đã công bố dịch, việc tiêm ngừa có thể thực hiện theo các phương án phù hợp tình hình địa phương, thay vì tuân thủ hướng dẫn chung của Bộ Y tế.

Khi đó, trẻ 6-8 tháng tuổi tiêm vaccine sởi sẽ được tính là mũi 0. Tiếp theo, trẻ lần lượt tiêm tiếp mũi một, mũi hai lúc 9 và 18 tháng tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất

TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Y tế cho hay, số ca sởi ở thành phố đang tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của thành phố.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, ngay sau khi UBND TP.HCM công bố dịch sởi trên toàn địa bàn thành phố, ngành Y tế TP.HCM đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch; Triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trong cộng đồng từ ngày 31/8/2024 và tiêm xuyên kỳ nghỉ Lễ 2/9; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên; Kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học, trong các cơ sở bảo trợ xã hội; Triển khai kịch bản xử lý các tình huống dịch, bệnh sởi trong cộng đồng…

Trẻ mắc bệnh sởi khi chưa đủ tuổi tiêm ngừa, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: VnExpress

Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành khác tăng cường công tác điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến lên TP.HCM vì hiện nay việc chuyển tuyến sẽ dễ lây lan bệnh sởi và quá tải các bệnh viện.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao TP.HCM đã chủ động sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó với dịch sởi. Đồng thời, triển khai đồng bộ và cơ bản các giải pháp về công tác phòng, chống dịch, phân luồng, cách ly để giảm khả năng lây nhiễm của bệnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhận thấy TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch như biến động dân cư; số lượng dân đông với nhiều khu công nghiệp, nhà trọ; tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng còn thấp trong khi đó thời gian ủ bệnh của bệnh sởi kéo dài. Qua đó, nếu không giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ thì sẽ dẫn đến không kiểm soát được dịch bệnh một cách triệt để.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng, chống dịch sởi, tạo miễn dịch cộng đồng;

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới, TP.HCM tập trung thực hiện biện pháp phòng chống dịch sởi, tiếp tục nghiên cứu triển khai Luật Phòng thủ dân sự; chỉ đạo chính quyền các địa phương về công tác phòng, chống dịch để kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất.

UBND TP.HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 430 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Trong hai ngày tới, khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về tới thành phố để triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.

Tin nổi bật