Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Món ăn đặc sản “độc lạ” có mùi “kinh dị” nhưng cực hút khách

  • Thùy Dung (t/h)
(DS&PL) -

Đến với Tây Bắc, du khách sẽ không khỏi tò mò khi được người dân địa phương giới thiệu về "nậm pịa", món đồ chấm độc đáo mang đậm hương vị núi rừng hoang sơ.

Theo VietNamNet, ẩm thực Tây Bắc nổi tiếng với những món ăn độc đáo, đậm bản sắc, nhưng cũng không ít món gây "ám ảnh" cho những người yếu bóng vía. Trong đó, gỏi cá nhảy và nậm pịa là hai cái tên thường được nhắc đến, không chỉ bởi cách chế biến cầu kỳ mà còn bởi nguyên liệu "có một không hai": món ăn sống hoặc sử dụng chất từ ruột non động vật ăn cỏ.

Điển hình là nậm pịa, món ăn được chế biến từ nội tạng động vật ăn cỏ như dạ dày, lòng, tim, gan, phèo, phổi, cùng với "pịa" - một loại chất dịch sền sệt lấy từ ruột non của bò, dê, trâu hoặc ngựa.

 Trong tiếng Thái, "nậm" nghĩa là canh, "pịa" nghĩa là chất sền sệt trong ruột non của bò hoặc phân non. Ảnh minh họa.

Để chế biến, người ta chọn đoạn ruột non ngon nhất để lấy pịa, sau đó ninh xương và nội tạng động vật để lấy nước dùng. Tiếp theo, pịa được đổ vào nồi nước dùng (ở một số nơi, người ta còn thêm một chút mật vào pịa).

Phần ruột non sau khi lấy pịa được buộc chặt hai đầu và cắt thành từng khúc vừa ăn. Tất cả được trộn đều với rau thơm, bột hạt sẻn (một loại gia vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc), tỏi, ớt và mùi tàu, tất cả đều được băm nhỏ.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người ta đặt nồi pịa lên bếp, đun lửa nhỏ đến khi nước sánh lại, tạo thành hỗn hợp sền sệt thì hoàn thành. Món nậm pịa khi múc ra bát có màu nâu đậm đặc trưng, nước sánh quyện. Hương vị ban đầu có thể hơi "gây sốc" với vị đắng nhẹ và mùi nồng đặc trưng, nhưng lại được đánh giá là an toàn cho hệ tiêu hóa, thậm chí có thể giúp "chữa" những người yếu bụng.

Khi thưởng thức kỹ, vị đắng ban đầu sẽ tan dần, để lại vị ngọt hậu cùng chút cay nồng của mắc khén (tiêu rừng), tạo nên một hương vị độc đáo, quyến rũ thực khách. Nậm pịa không chỉ là một món ăn riêng biệt, mà còn có thể dùng làm nước chấm cho các món thịt nướng. Người dân địa phương thường dùng kèm với thịt bò hoặc dê luộc, ăn cùng rau chuối và bạc hà, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Nậm pịa, với màu nâu sẫm, độ sánh đặc và mùi hương đặc trưng, có thể gây khó chịu cho nhiều người mới thử. Vị đắng ban đầu cũng là một rào cản. Tuy nhiên, một khi đã quen với hương vị này, không ít người phải thừa nhận rằng họ đã "phải lòng" cái vị ngai ngái ấy từ lúc nào không hay. Ảnh minh họa.

Khi miếng thịt luộc (hoặc hấp) được nhúng vào bát nậm pịa, hương vị đậm đà của các loại gia vị hòa quyện, lan tỏa trên đầu lưỡi, đánh thức mọi giác quan. Vị đắng ban đầu dần chuyển sang vị ngọt hậu, tạo nên một trải nghiệm khó quên. Ngoài ra, nậm pịa còn có thể dùng trực tiếp như một loại canh, đặc biệt có tác dụng giải rượu hiệu quả.

Đối với nhiều người, đặc biệt là những người từ miền xuôi, nậm pịa có thể là một thử thách khó vượt qua vì mùi vị đặc trưng của nó. Tuy nhiên, nếu bạn đủ can đảm để thử một vài miếng, vượt qua những ấn tượng ban đầu về mùi vị, bạn sẽ bị chinh phục bởi sự quyến rũ độc đáo của các nguyên liệu từ núi rừng Tây Bắc.

Nậm pịa đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng du khách phương xa, góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Thái Mường Lò, tỉnh Yên Bái nói riêng và người Thái Tây Bắc nói chung, theo Dân Việt.

Tin nổi bật