Ôm tiền tiết kiệm đổ sang chứng khoán
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, chị Nguyên Minh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đang có ý định sẽ rút một phần lớn tiền tiết kiệm để đem đầu tư do Lãi suất huy động thấp kỷ lục.
Chỉ mới hơn một năm trước, 3 cuốn sổ tiết kiệm với các kỳ hạn khác nhau với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng đem về cho chị mức lãi suất bình quân hơn 10%/năm. Tính sơ qua, chị nhận về được hơn 100 triệu đồng tiền lãi với kỳ hạn 6 tháng.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm sâu.
Nhưng mọi thứ bắt đầu khác, khi thời hoàng kim của tiền gửi ngày càng xa cách. Trái với cảm giác hưng phấn khi gửi tiền năm ngoái, giờ đây chị Minh cảm giác hụt hẫng. Cũng với số tiền 2 tỷ đồng, nếu gửi Vietcombank kỳ hạn 6 tháng, lãi lúc đáo hạn chỉ nhận về khoảng 30 triệu đồng.
Do lãi suất tiền gửi quá thấp, chị Nguyên Minh dự định dùng nửa phần tiền đang có đầu tư chứng khoán.
Chị Minh quyết tâm đầu tư một cách căn bản nhất bằng cách đọc các báo cáo chiến lược đầu tư. Từng là cử nhân kinh tế, đang làm kế toán công ty xây dựng, nhưng chị vẫn thấy "cực" vì mệt mỏi.
"Đọc xong thấy ngành nào cũng tiềm năng, nhưng vẫn không biết nên mua con gì", chị Minh tâm sự.
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người đang có tiền nhàn rỗi nằm trong ngân hàng. "Đồng tiền đứng yên là đồng tiền "chết", nhưng không biết phải làm sao cho nó "sống". Thời buổi này đầu tư khó quá", anh Minh Tiến (32 tuổi) than thở.
Hiện làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp diễn. Nhiều ngân hàng đồng loạt công bố điều chỉnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trong đó có cả những "ông lớn" như MB và Techcombank.
Theo chuyên trang Đầu tư tài chính báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 21/2, MBBank đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi đối với khách hàng cá nhân, điều chỉnh giảm 0,2% đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1-11 tháng, giảm 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,3% đối với kỳ hạn 18-60 tháng. Mức lãi suất cao nhất đã về dưới 6%/năm.
Theo đó, ngân hàng này đang huy động kỳ hạn 1 tháng với mức lãi suất 2,3%/năm, 2 tháng là 2,5%/năm, 3 tháng là 2,6%/năm, 4 tháng là 2,9%/ năm, 5 tháng là 3%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn 6-8 tháng còn 3,6%/năm và 9-10 tháng còn 3,8%/năm, 11 tháng là 3,9%/năm. Kỳ hạn tiền gửi từ 12-15 tháng hiện ở mức 4,6%/năm và 18 tháng là 4,8%/năm. Các kỳ hạn từ 18 tháng đến 60 tháng chỉ còn 5,7%/năm.
Các khách hàng cá nhân gửi tiền tại các chi nhánh thuộc miền Trung và miền Nam được áp dụng lãi suất cao hơn 0,1% so với các mức lãi suất trên.
Cùng ngày, Techcombank cũng niêm yết biểu lãi suất tiết kiệm mới. Đối với khách hàng thường, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng xuống 2,35%/năm và 3-5 tháng xuống mức 2,95%/năm. Kỳ hạn 6-8 tháng áp dụng lãi suất xuống mức 3,55%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng áp dụng lãi suất 3,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 4,55%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm từ 1-9 tháng cao hơn 0,2%, kỳ hạn từ 12 tháng trở đi cao hơn 0,1% so với gửi tại quầy.
Đây là nhà băng này có số lần điều chỉnh lãi suất nhiều nhất trong tháng 2. Trước đó vào ngày 16-2, Techcombank bất ngờ tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng từ 0,4-0,5%. Đến ngày 19-2, ngân hàng này lại điều chỉnh lãi suất giảm 0,2% đối với các kỳ hạn 12-36 tháng.
Bac A Bank cũng giảm lãi suất lần thứ hai trong tháng 2. Mức giảm 0,2% áp dụng cho kỳ hạn 1-5 tháng và 18-36 tháng; mức giảm 0,3% áp dụng kỳ hạn 6-12 tháng. Theo đó, khi gửi dưới 1 tỷ đồng, nhà băng này áp dụng lãi suất 2,8%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng, 3%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, 3,2%/năm kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng là 3,4%/năm. Các kỳ hạn từ 6-8 tháng xuống 4,2%/năm, 9-11 tháng xuống 4,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng xuống 4,6%/năm, 15 tháng 4,9%/năm.
Tương tự, SeABank cũng đã có lần giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu tháng 2. Đợt này, ngân hàng giảm 0,3% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-5 tháng, giảm 0,2% kỳ hạn 6-11 tháng và 13-36 tháng. Riêng kỳ hạn 12 tháng giảm đến 0,5%. Đặc biệt, nhà băng này giảm tới 0,5 điểm phần trăm kỳ hạn 12 tháng. Hiện tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ có mức lãi suất 1-2 tháng là 2,9%/năm, 3-5 tháng là 3,1%/năm, 6 tháng là 3,5%/năm, 9 tháng 3,7%/năm, 11 tháng 3,8%/năm, 12 tháng 4,05%/năm, từ 15-36 tháng là 4,8%/năm.
Ngày 22-2, thị trường ghi nhận thêm Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giảm lãi suất huy động, mức giảm cao nhất lên đến 0,6%. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của CBBank đã xuống 4,7%/năm. Như vậy ở thời điểm hiện nay, các ngân hàng đều huy động kỳ hạn 6 tháng dưới mức 5%/năm.
Sự góp mặt của CBBank nâng số ngân hàng tham gia vào đường đua giảm lãi suất trong tháng 2 lên 19 ngân hàng. Lãi suất huy động đang giảm sâu trong bối cảnh tín dụng chưa tìm thấy đầu ra. Đầu năm nay, NHNN đã phát đi Công văn số 1088/NHNN-CSTT yêu cầu các các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024.
Không nên vội vàng
Theo báo Tuổi trẻ, do lãi suất rẻ, nhiều người chọn kênh chứng khoán. Theo dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tháng đầu năm 2024 ghi nhận gần 125.200 tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ của năm trước.
Sau nhiều phiên tăng điểm, khép lại phiên giao dịch cuối tuần này, chỉ số VN-Index chìm trong sắc đỏ, rớt hơn 15 điểm (-1,25%), mức giảm mạnh nhất so với các thị trường khác ở châu Á trong cùng ngày, lùi về mốc 1.212 điểm khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - cho biết thị trường sẽ không tăng mãi; khi đà hưng phấn kéo dài, áp lực cung gia tăng và nhịp điều chỉnh giảm là không tránh khỏi.
Nếu nhà đầu tư vội vã "ôm tiền" từ tiết kiệm đổ sang chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp mà không hiểu được vị thế tài chính và điều kiện đầu tư của mình thì sẽ tổn thất.
Ở thị trường trái phiếu, nỗi lo doanh nghiệp không đủ sức trả nợ đúng hẹn cũng đè lên nhà đầu tư - chủ nợ.
Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta chia sẻ, muốn ở lại lâu dài và kiếm lợi nhuận bền vững từ thị trường, nhà đầu tư cần xác định lối đầu tư, cách phân bổ tài sản.
Vân Anh (T/h)