Theo VTV Times, nam bệnh nhân 42 tuổi (trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid điều trị không đều, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia. Gần đây, bệnh nhân ho nhiều, chỉ số huyết áp 170/100mmHg, phải nhập viện điều trị vì tăng huyết áp thứ phát.
Quá trình điều trị, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn, ngay lập tức các bác sĩ khoa Tim mạch khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn, nỗ lực ép tim, bóp bóng. Sau 45 phút kiên trì cấp cứu, bệnh nhân có tuần hoàn tái lập. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, thở máy, duy trì thuốc vận mạch trợ tim liều cao.
Bệnh nhân lập tức được chuyển khoa Hồi sức tích cực tiếp tục theo dõi điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc tim, theo dõi do rối loạn nhịp tim có biến chứng ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhân được chuyển Khoa Tim mạch tiếp tục điều trị và đánh giá tiếp nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn. Ảnh: VTV Times
Bệnh nhân được phối hợp điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực, như: thở máy, lọc máu liên tục, thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO, sử dụng thuốc vận mạch, kiểm soát huyết động, kiểm soát các rối loạn đông máu… Sau khoảng 1 tuần, bệnh nhân chuyển biến tốt hơn, có ý thức, chức năng tim phổi dần phục hồi.
Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, nói chuyện tiếp xúc, ăn uống bình thường, phục hồi vận động và không để lại di chứng về thần kinh. Hiện, bệnh nhân được chuyển Khoa Tim mạch tiếp tục điều trị và đánh giá tiếp nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn.
Ngừng tuần hoàn là hiện tượng tim mất chức năng, không co bóp, mạch không đập, dẫn đến không thể cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, ngay sau đó gây ra các rối loạn hô hấp và ý thức.
Đây là tình trạng cấp cứu tối khẩn, có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong viện và ngoài bệnh viện với tiên lượng rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí kịp thời.
Theo thông tin trên VietnamPlus, việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc đã gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh và đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ từ việc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc được mua trên mạng, không được kiểm chứng.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm độc nặng liên quan đến việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân N. (44 tuổi, ở Hà Giang) là trường hợp nặng nhất trong số những người bệnh đã điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do xơ gan giai đoạn cuối trên nền viêm gan C và gút.
Người nhà cho biết bệnh nhân có thói quen uống rượu thường xuyên, điều này đã góp phần làm sức khỏe của anh ngày càng kém đi. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, bệnh nhân liên tục gặp các biến chứng xuất huyết dạ dày, một dấu hiệu điển hình của xơ gan tiến triển.
Đến tháng 10/2023, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện thêm các triệu chứng vàng da và chướng bụng, các biểu hiện điển hình của xơ gan giai đoạn cuối.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân Dân
Người nhà bệnh nhân chia sẻ trong nhiều năm qua, bệnh nhân đã đến gặp nhiều thầy lang để lấy thuốc điều trị gút và các vấn đề về sức khỏe khác. Sau khi gặp vấn đề về xuất huyết dạ dày, bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc đông y để điều trị dạ dày.
Đặc biệt, khi phát hiện tình trạng xơ gan, bệnh nhân đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị gan. Bắt đầu từ tháng 10/2023 với hy vọng cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc này đã làm bệnh tình trở nên nặng nề hơn.
Trong số các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà bệnh nhân sử dụng, có một loại thuốc viên được mua từ nước ngoài mà gia đình tin rằng có thể hỗ trợ giảm đau nhanh chóng.
Bệnh nhân đã uống loại thuốc này mỗi khi cảm thấy đau đớn, với hiệu quả giảm đau rõ rệt chỉ sau 2-3 giờ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng tự ý tiêm thêm một số loại thuốc giảm đau khác để kiểm soát các cơn đau.
Khi nhập viện tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã ở trong tình trạng rất nguy kịch, với các biểu hiện vàng da, vàng mắt, bụng chướng và không tỉnh táo. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân bị suy gan cấp trên nền xơ gan và viêm gan C.
Bác sĩ Đoàn Duy Thành ở khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp viêm gan B, C trong tình trạng nghiêm trọng, do bệnh nhân không điều trị đúng cách và tự ý dùng các thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi nhập viện, gan của họ thường đã tổn thương nặng, không thể chuyển hóa các chất độc trong cơ thể, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, la hét, hoặc không tỉnh táo.
“Đối với những bệnh nhân có tình trạng gan như trên, khả năng tự phục hồi của gan là vô cùng thấp. Vì vậy, bệnh nhân cần đặc biệt cẩn trọng với sức khỏe của mình, không nên lạm dụng thuốc giảm đau hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc, và hạn chế sử dụng bia, rượu,” bác sĩ Thành cảnh báo.
Bác sĩ Thành khuyến cáo đối với người dân, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý về gan, cần chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.
Việc tự ý điều trị hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tránh lạm dụng thuốc và rượu bia, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe gan và toàn bộ cơ thể.
Theo VOV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai vừa thông tin về một ca tử vong do bệnh dại tại huyện Xuân Lộc.
Cụ thể, ngày 22/5, bà N.T.N.B (44 tuổi, ngụ ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) bị chó cắn nhẹ ở tay trong khi cho chó ốm uống thuốc. Cũng trong ngày, con chó cắn tay ông N.V.T (chồng bà B.).
Do chủ quan vết thương nhẹ nên hai vợ chồng chỉ đi khám và xử lý vết thương ở phòng khám tư, dù được tư vấn nhưng không tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại.
Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai/ VOV
Ngày 29/8, bà N.T.N.B lên cơn sốt, đến phòng khám tư nhân truyền dịch nhưng không ngớt, tối cùng ngày có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu mệt mỏi nên đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc khám.
Sau đó, bà N.T.N.B. được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và được chẩn đoán dương tính với virus dại. Đến 19h ngày 30/8, bà N.T.N.B tử vong.
Hiện tại, sức khỏe ông N.V.T vẫn bình thường. Ngày 30/8, ông đã được hướng dẫn tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, trong phạm vị 200m, có tổng đàn chó 23 con và hầu hết chưa được tiêm vaccine phòng dại. Đây là ca tử vong thứ 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ đầu năm 2024.