VietNamNet đưa tin, anh N.V.B. (22 tuổi, trú tại Hà Nội) bị ngất khi đang làm việc, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cấp cứu. Bác sĩ CKII Lê Quang Hải ở khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, thiếu máu và suy thận giai đoạn cuối.
Bệnh nhân làm thợ sửa nhôm kính, trước có dấu hiệu mắt mờ nhưng không đi khám. Sau đó, anh có thêm các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và tiểu ít. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận anh bị suy thận giai đoạn cuối.
Theo bác sĩ Hải, thận có chức năng lọc các chất thải và điều chỉnh lượng nước, muối trong cơ thể. Thận bị suy yếu khiến chức năng này giảm đi, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như tăng huyết áp, thiếu máu và suy giảm các cơ quan khác.
Để phòng tránh bệnh suy thận mạn, người dân nên quan tâm đến việc đi khám sức khỏe định kỳ, có lối sống lành mạnh... Ảnh minh họa
Việt Nam hiện có hàng triệu người bị suy thận, trong đó hơn 26.000 người phải chạy thận nhân tạo. Số bệnh nhân mắc suy thận đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đáng lo ngại, bệnh thận diễn tiến âm thầm, nếu chủ quan rất dễ bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh, đến khi phát hiện thận suy thì đã ở giai đoạn cuối.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận là lối sống thiếu lành mạnh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Trong đó, thói quen ăn uống vô độ, lười tập thể dục đang ngày càng phổ biến.
Để phòng tránh bệnh suy thận mạn, người dân nên quan tâm đến việc đi khám sức khỏe định kỳ, có lối sống lành mạnh, không nên dùng các đồ ăn nhanh chứa chất bảo quản, uống đủ nước mỗi ngày.
Khi có dấu hiệu mệt mỏi thoáng qua, suy nhược cơ thể, chán ăn, khó ngủ, khó tập trung làm việc, hay buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, da khô…, người dân nên đến bệnh viện kiểm tra chức năng thận.
Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây cơ sở này đã tiếp nhận và điều trị một số ca bệnh viêm gan nhiễm độc cấp nặng liên quan đến việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân 66 tuổi, ở Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử sức khỏe bình thường, làm nghề nông, có thói quen tự điều trị bằng thuốc Đông y mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.
Tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện đáng kể sau 10 ngày điều trị tích cực với các thuốc nội khoa để nâng đỡ chức năng gan. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Khoảng hai tháng trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân tự cắt thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để uống với liều lượng rất cao: 50 viên mỗi lần, hai lần mỗi ngày, trong vòng 20 ngày liên tục. Sau khi sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe của bà ngày càng suy giảm, với các triệu chứng rõ rệt như mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu.
Mặc dù đã được chăm sóc và điều trị 3 tuần ở 2 cơ sở y tế tuyến trước nhưng tình trạng người bệnh vẫn tiến triển xấu đi, với dấu hiệu suy gan rõ rệt: chỉ số vàng da tăng lên gần 200 (gấp 15 lần bình thường), men gan cao gấp 20 lần so với bình thường.
Do vậy, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, bà được chỉ định làm các xét nghiệm viêm gan thông thường như viêm gan A, B, C, E và viêm gan tự miễn, kết quả đều âm tính. Các bác sĩ nghi ngờ bà bị ngộ độc thuốc Đông y, gây ra viêm gan nhiễm độc cấp.
Sau 10 ngày điều trị tích cực với các thuốc nội khoa để nâng đỡ chức năng gan, tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện đáng kể…
Bác sĩ Vũ Thị Hương Giang ở khoa Viêm gan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, bệnh nhân tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan trên mạng; nếu muốn điều trị bằng Đông y, cần phải đến các cơ sở uy tín để được tư vấn và điều trị.
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u mỡ 1,2kg ở bìu cho bệnh nhân H.V.K. (trú tại huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang).
Người bệnh nhập viện trong tình trạng vùng bìu 2 bên có khối kích thước khoảng (20x20)cm, ranh giới rõ, mật độ mềm… Bệnh nhân cho biết, cách đây vài năm có phát hiện khối u mỡ nhỏ ở vùng bìu nhưng do tâm lý e ngại nên chưa đi khám hay điều trị. Gần đây, khối u to nhanh, đau tức, gây khó khăn trong sinh hoạt. Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám và điều trị.
Bác sĩ CKI Hà Anh Tuấn ở khoa Ngoại Thận – Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, khác với những u mỡ nằm ngay dưới da, khối u của bệnh nhân nằm dưới màng tinh hoàn, bao bọc lấy tinh hoàn, bó mạch tinh và ống dẫn tinh. Do đó, trong quá trình phẫu thuật phải phẫu tích rất tỉ mỉ để bảo tồn hoàn toàn bộ mạch tinh, ống dẫn tinh và tinh hoàn.
Trong 1,5 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã thành công cắt bỏ khối u và tạo hình da vùng bìu thành công. Hiện tại, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ dần hồi phục và đã được xuất viện.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ, u mỡ thường không gây đau đớn và lành tính. Tuy nhiên, điều đó khiến nhiều bệnh nhân chủ quan, để khối u phát triển với kích thước lớn.
Đồng thời, có thể gây các hậu quả như mất thẩm mỹ và ảnh hưởng lớn đến đời sống. Hoặc khối u chèn ép vào tinh hoàn, ống dẫn tinh, bó mạch tinh gây teo tinh hoàn và xoắn vặn thừng tinh, đe dọa lớn đến khả năng sinh sản.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nếu thấy bất kỳ khối bất thường nào xuất hiện trên cơ thể nên lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.