Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 3/9/2024: Mẹ xúc động kể lại thời khắc con “trở về từ cửa tử”

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 3/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Mẹ xúc động kể lại thời khắc con “trở về từ cửa tử”

Báo Lao Động đưa tin, khoa Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trung tuần tháng 8 đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân đột quỵ ở độ 36 tuổi. Đó là chị N.T.H.P (ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Sau nhiều ngày điều trị và can thiệp, đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục. Bà Nguyễn Thị Tới (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) - mẹ bệnh nhân xúc động kể lại thời khắc con mình "trở về từ cửa tử"

"Con tôi có bệnh tim và gia đình đã đi chữa trị nhiều nơi, sức khỏe cũng ổn. Khoảng 10 ngày trước, tự nhiên con đang đi trong phòng thì đột nhiên ngã quỵ xuống. Cả nhà hoảng hốt nghĩ con bị tim và đưa đi cấp cứu, nào ngờ khi đưa vào đây, bác sĩ lại chẩn đoán là đột quỵ", bà Tới kể.

Người mẹ chia sẻ tình hình bệnh của con gái cho bác sĩ. Ảnh: Lao Động

Theo bà Tới, thời điểm trước khi đột quỵ, con không có biểu hiện bất thường gì, thậm chí, rất khỏe mạnh và vui vẻ. Cả nhà không đoán được con mắc bệnh ở độ tuổi trẻ như vậy.

"Giờ nhớ lại tôi còn sợ, cơn đột quỵ đến rất nhanh và thậm chí có thể lấy đi mạng sống của con tôi. Nhờ các bác sĩ điều trị, sức khỏe của con tôi đã hồi phục. Tôi mong con gái tôi sớm khỏe để xuất viện về với cháu", bà Tới hy vọng.

Bác sĩ Nguyễn Chí Lành ở khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh nhân vào viện với tình trạng liệt nửa người, lơ mơ. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã phối hợp nhịp nhàng giữa các ekip cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, đột quỵ.

"Chúng tôi tiến hành chụp mạch máu não bệnh nhân, khảo sát thấy có tắc mạch máu. Bệnh nhân được tiến hành lấy huyết khối động mạch ngay trong đêm. Hôm sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục và có thể cử động tay chân.

Hiện tại tình trạng có thể ngồi dậy, tuy nhiên vẫn còn yếu nửa người, chưa nói chuyện được. Bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị cho đến khi khỏe hẳn", bác sĩ Lành chia sẻ.

Được biết, trước đó, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng nhiều lần tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi khá trẻ, thậm chí có người sinh năm 2000.

"Ở nước ta, mỗi năm có gần 200.000 ca đột quỵ mắc mới và bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ, giữ lối sống lành mạnh nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do đột quỵ", bác sĩ Lành đưa lời khuyên.

Đồng Nai ghi nhận trường hợp nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai cho hay, bệnh nhân tên T.T.D.M. (14 tuổi, trú tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sau khi phát hiện có nổi hạch vùng cổ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em M. bị viêm hạch và được cho điều trị tại nhà.

Ngày 22/8, bác sĩ sĩ chỉ định bệnh nhân nhập viện mổ lấy hạch. Mẫu bệnh phẩm được gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để xét nghiệm. Sau 7 ngày, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore).

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của em M. vẫn bình thường. Bệnh nhân đang được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Gia đình và những người có tiếp xúc với bệnh nhân hiện chưa ghi nhận triệu chứng tương tự.

Hình ảnh vết loét đặc trưng của bệnh Whitmore. Ảnh: Science Direct

Whitmore là bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh thường xâm nhập vào cơ thể người qua da bị trầy xước.

Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm khuẩn là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Ngoài ra, một số người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi hay uống nước, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Việc lây truyền từ người sang người hay truyền từ động vật sang người rất hiếm gặp.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều triệu chứng khác nhau, xuất hiện cùng lúc hoặc lẻ tẻ như viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn da mô mềm: áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào; áp xe đa cơ quan như gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da... Những tổn thương này có dạng loét, gây hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể.

Bệnh có khả năng tái phát cao nếu không điều trị đúng cách và theo dõi sát. Cho đến nay, Whitmore vẫn chưa có vaccine dự phòng.

Đi khám vì chán ăn, mệt mỏi, phát hiện gan nhiễm mỡ nặng

VietNamNet đưa tin, anh N.D.H. (22 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) đến Bệnh viện Quân y 103 khám vì chán ăn, mệt mỏi. Anh luôn có cảm giác cơ thể nặng nề, đi lại khó khăn. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện gan của bệnh nhân nhiễm mỡ nặng. Toàn bộ gan vàng, xuất hiện các điểm xơ gan. Sau đó, nam thanh niên tiếp tục tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra lại lần nữa.

Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa cho biết, toàn bộ lá gan của nam bệnh nhân đều bị mỡ bao phủ kèm theo xơ gan do béo phì. Chức năng gan của anh giảm, già nua như người cao tuổi. 

Từ khi còn nhỏ, anh H. đã bụ bẫm và thích ăn đồ ăn chế biến sẵn, chiên rán, nước ngọt. Một ngày, nam thanh niên có thể uống hết chai nước ngọt 1,5 lít thay nước lọc.

Với trường hợp của bệnh nhân này, bác sĩ khuyến cáo giảm cân, thay đổi chế độ ăn và điều trị nội khoa. Nếu không đáp ứng nội khoa, bác sĩ định hướng giảm béo bằng phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Gan nhiễm mỡ và xơ nếu không điều trị tích cực có nguy cơ dẫn đến ung thư gan.

Thời gian ung thư hóa tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tỷ lệ cân nặng, chế độ ăn uống, tình trạng sức khỏe toàn thân. Việc giảm cân giúp giảm lượng mỡ tích tụ trong gan nhưng không thể phục hồi xơ gan hoàn toàn. 

Một ca phẫu thuật ung thư gan. Ảnh: VietNamNet

Theo thống kê, có tới 10-25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và khoảng 4% sẽ bị ung thư gan. Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khoảng 75% người béo phì và tiểu đường type 2 mắc bệnh lý gan nhiễm mỡ. Trước đây, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi thì nay, độ tuổi mắc bệnh trẻ hơn nhiều, đặc biệt là nhiều trẻ em mới 10 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ.

Để phòng bệnh, Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo mọi người nên xây dựng chế độ ăn hợp lý, hạn chế các món chiên rán, bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ trong rau củ quả, giảm đạm từ thịt và thay thế bằng tôm, cua, cá, ăn uống điều độ, đúng giờ là vô cùng quan trọng.

Người bị gan nhiễm mỡ của thể ưu tiên chọn các thực phẩm tốt như nghệ, chanh, nước giấm táo, trà xanh, đu đủ rất tốt cho gan.

Hàng tháng, mọi người cần có thói quen kiểm tra trọng lượng, theo dõi cân nặng và tình trạng tăng cân. Thói quen này giúp bạn điều chỉnh lượng chất béo tích tụ trong gan. Thực hiện các bước để giảm cân nếu bạn đang béo phì hoặc thừa cân.

Tin nổi bật