Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), bệnh nhân (nam, 35 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) có tiền sử viêm tụy, rối loạn chuyển hóa lipid.
Bệnh nhân xuất hiện đau bụng, mức độ đau tăng dần, bụng chướng nên đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê điều trị lúc 23h ngày 26/8.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đau bụng, có phản ứng thành bụng vùng hạ sườn phải và thượng vị, hội chứng nhiễm trùng rõ, xét nghiệm chỉ số mỡ máu tăng trên 20 lần so với bình thường, chụp cắt lớp vi tính cho kết quả viêm tụy cấp Balthazar C. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp, chỉ định lọc máu thay huyết tương.
Sau hơn 2 giờ lọc máu và thay thế huyết tương bằng albumin, 5000ml huyết tương có màu trắng đục được đưa ra ngoài cơ thể.
Hiện tại, bệnh nhân đỡ mệt, đỡ đau bụng, các chỉ số xét nghiệm trở về gần với mức bình thường, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa cấp cứu.
Huyết tương của bệnh nhân được đưa ra ngoài có màu trắng đục như sữa. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung ở Trung tâm Y tế Cẩm Khê, viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân, trong đó khoảng 7% là do mỡ máu. Khi mỡ máu tăng cao dẫn đến tắc nghẽn ở các mao mạch tụy, gây thiếu máu nuôi dưỡng mô tụy. Hậu quả là gây ra hoại tử mô và toan hóa máu, đây chính là dấu hiệu viêm tụy cấp.
Đồng thời Triglyceride tác dụng nhanh với men lipase của tụy tạo thành các axit béo tự do với nồng độ cao. Khi đó, các tế bào tuyến tụy sẽ bị nhiễm độc và hình thành các tổn thương tại chỗ gây ra viêm tụy cấp.
Mỡ máu cao không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn gây nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc động mạch, gan nhiễm mỡ…
"Mọi người cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu), lòng động vật, tôm; Tăng cường thể dục thể thao giúp 'đốt cháy' mỡ thừa trong cơ thể và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh", bác sĩ Nhung khuyên.
Theo VTV Times, bệnh nhân L.T.T. (53 tuổi, trú tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam với lý do đau tức vùng bụng dưới, rong kinh. Điều đặc biệt ở bệnh nhân này là phát hiện khối u xơ tử cung đã hơn 5 năm nhưng lại lo sợ việc phẫu thuật nên cố gắng chịu đựng và không đi thăm khám.
Sau khi thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu (siêu âm, MRI), các bác sĩ khoa Phụ sản đã đưa ra chẩn đoán: Đa u xơ tử cung lớn/vòng tránh thai trong tử cung; biến chứng: chèn ép các tạng trong ổ bụng, rong kinh. Bệnh nhân được hội chẩn liên khoa và có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh lý.
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ khoa Phụ sản và khoa Gây mê phẫu thuật, được tiến hành gần 2 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã cắt tử cung toàn bộ (chứa đa nhân xơ) nặng gần 4 kg với số lượng khoảng 20 nhân xơ được bóc tách ra từ khối đa nhân xơ này kèm vòng tránh thai trong tử cung.
Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân nằm trong giới hạn bình thường, bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Qua trường hợp này, bác sĩ CKI Võ Thôi - Phó Giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Phụ sản khuyến cáo, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ tại các cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, trong đó có bệnh lý u xơ tử cung và khi đó các bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích, hướng dẫn kỹ hơn cho các chị em.
VOV đưa tin, tỉnh Quảng Bình vừa ghi nhân 1 trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với vi khuẩn ho gà. Bệnh nhân là trẻ 9 tháng tuổi, trú ở bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Gia đình bệnh nhân gồm 4 người (mẹ, bệnh nhân và 2 chị gái). Thời gian gần đây, bệnh nhân có tiếp xúc với người thân trong gia đình và người dân trong bản. Bệnh nhân đã được tiêm vắc xin BCG (phòng bệnh lao) vào ngày 18/2 và 1 mũi IPV (phòng chóng bệnh bại liệt) vào ngày 18/5.
Điều tra dịch tễ trường hợp người bệnh mắc ho gà. Ảnh: VOV
Theo điều tra dịch tễ, ngày 12/8, bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện khó thở, ho, quấy khóc, bú kém. Ngày 17/8, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Phòng khám Đa khoa Sơn Trạch và được chuyển xuống Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bố Trạch để điều trị.
Lúc nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng ho từng cơn, khò khè, được chẩn đoán viêm phổi, không đặc hiệu. Điều trị 4 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Bố Trạch không đỡ, ngày 22/8, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng và chuyển vào điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, các bác sĩ chẩn đoán ho gà.
Ngày 23/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang. Ngày 27/8, Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với ho gà. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang điều trị ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, đã bớt ho, sức khỏe đang có dấu hiệu hồi phục.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã cử đoàn công tác đến nhà của bệnh nhân tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và triển khai một số hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Cơ quan chức năng đang tiến hành giám sát, theo dõi sức khỏe các thành viên trong gia đình của bệnh nhân này, lấy mẫu xét nghiệm 4 trường hợp trẻ xung quanh nhà có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đặc biệt, 4 trường hợp này có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh ho gà.
Lực lượng y tế đã cấp thuốc điều trị, giám sát, cách ly trẻ tại nhà theo quy định. Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch cũng tổ chức tiêm vaccine lưu động, tiêm bù tiêm vét cho các trường hợp trẻ trên địa bàn 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Được biết, đây là trường hợp thứ 5 mắc bệnh ho gà kể từ đầu năm đến nay tại tỉnh Quảng Bình.