Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, vào một ngày giữa tháng 6, nam bệnh nhân L.K.D. ở Việt Trì (Phú Thọ) có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, huyết áp tăng cao không rõ nguyên nhân, đã được gia đình đưa đi khám.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ đã chẩn đoán anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Ở tuổi 24, đây là cú sốc với D. và gia đình vì trước đó anh vẫn tự tin là chàng trai khỏe mạnh, đi làm bình thường, không có dấu hiệu sức khỏe bất thường nào.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Viên ở Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết sau khi xác định người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối, các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra một số phương pháp điều trị gồm: ghép thận, lọc máu thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Sau ca phẫu thuật ghép thận, tình trạng của bệnh nhân ổn định. Ảnh: Tri Thức
Sau quá trình tư vấn và căn cứ vào nguyện vọng của gia đình, người bệnh quyết định lựa chọn phương pháp ghép thận. Bà N.T.H.M. (49 tuổi, mẹ của D.) - người cho thận, tâm sự khi biết tin con bị bệnh, gia đình đã tìm hiểu mọi cách để chạy chữa.
"Thương con còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước, nếu phải chạy thận thì cả đời con sẽ phải gắn liền với bệnh viện. Vì vậy, vợ chồng tôi đã bàn nhau đi khám, thực hiện xét nghiệm với hy vọng có thể hiến được thận cho con.
Thật may mắn, kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy thận của tôi hoàn toàn tương thích với con, tình trạng sức khỏe cũng đảm bảo để có thể tham gia hiến thận", bà M. chia sẻ.
Ca phẫu thuật lấy thận từ bà M. và ghép thận cho bệnh nhân D. được các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công.
Phẫu thuật lấy thận ghép từ bà M. được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Bà được đưa về phòng hậu phẫu, hiện tại sức khoẻ ổn định.
Phẫu thuật ghép thận cho người bệnh D. được tiến hành ngay sau đó. Sau 3 giờ ghép thận, anh D. được chuyển về chăm sóc và điều trị tại phòng hậu phẫu trung tâm Thận - Lọc máu.
Theo thông tin ban đầu của bác sĩ điều trị, hiện kết quả sau ghép thận cho thấy nước tiểu ra tốt, tình trạng huyết áp, các chỉ số và tim mạch ổn định.
VietNamNet đưa tin, bệnh nhân là ông T.V.T. (58 tuổi, ở Phú Bình, Thái Nguyên). Ông vào khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng sốt cao, toàn thân nổi nhiều bọng nước rải rác, loét trợt niêm mạc vùng môi, miệng và sinh dục.
Ông T. cho biết có tiền sử mắc bệnh gout, bị sốc phản vệ do thuốc Allopurinol. Trước đó 10 ngày, người bệnh bị đau khớp, tự ra quầy mua thuốc điều trị gout, trong đó có Allopurinol.
Sau khi uống được 3 ngày, ông bị sốt. Đến ngày thứ 7, cơ thể của bệnh nhân nổi phỏng nước ngoài da, loét trợt niêm mạc môi miệng và vùng sinh dục. Bác sĩ chẩn đoán ông bị dị ứng thuốc thể nặng (hội chứng Lyell) do sử dụng thuốc Allopurinol.
Được biết, hội chứng Lyell (còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc) nằm trong nhóm dị ứng thuốc chậm, cũng là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhóm này, khiến tính mạng người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng hoại tử ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da), sau đó trợt loét vùng da này.
Các nhóm thuốc thường gây hội chứng Lyell là: nhóm thuốc điều trị gout (allopurinol), nhóm thuốc điều trị bệnh lý thần kinh (cacbamazebin-tegretol), các nhóm thuốc kháng sinh; thuốc giảm đau chống viêm không steroid và các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc.
Tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc, dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên có sổ theo dõi ghi lại các thuốc nghi ngờ hoặc đã biết chắc chắn là dị ứng. Khi vào bệnh viện điều trị những lần tiếp theo, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về tiền sử dị ứng và mức độ nghiêm trọng.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chiều 29/8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân nam N.V.T (47 tuổi ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), bị đa chấn thương do sập giàn giáo.
Anh T. nhập viện trong tình trạng mất nhiều máu, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau cổ, tê tay chân, đau khung chậu cử động hạn chế. Ngay khi tiếp nhận ca bệnh và làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy trật cột sống cổ, trật khớp háng, gãy xương bánh chè, gãy xương bàn tay, đa vết thương phần mềm, yếu hai tay. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Kíp phẫu thuật do bác sĩ CKII Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh và bác sĩ CKI Đàm Thị Lý ở khoa Ngoại thần kinh tiến hành. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân tỉnh táo, cử động 2 tay tốt, ăn uống được.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng, đây là trường hợp tai nạn lao động với chấn thương phức tạp. Bệnh nhân bị tổn thương nhiều vị trí, đòi hỏi các bác sĩ nhiều kinh nghiệm, phối hợp rất nhiều chuyên khoa tham gia cấp cứu.
"Những trường hợp tai nạn lao động nguy kịch đều chịu áp lực nặng nề về thời gian vì thế người thân cần sơ cứu đúng cách. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.
Ngã từ trên cao là tai nạn phổ biến. Để phòng ngừa tai nạn, biện pháp cơ bản nhất là phải trang bị dàn giáo, bảo hộ lao động (thang, giáo cao, giáo ghế, giáo treo, chòi nâng, sàn treo,…) tạo ra chỗ làm việc an toàn", bác sĩ Huỳnh Như Đồng nói.