Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 28/8/2024: Kinh hoàng phát hiện con vắt “tạm trú” trong mũi

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 28/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Kinh hoàng phát hiện con vắt “tạm trú” trong mũi

VietNamNet đưa tin, bé gái 3 tuổi ở Thanh Sơn (Phú Thọ) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy trong tình trạng ho, người xanh xao, sụt cân không rõ lý do.

Cách đây 2 tuần, bệnh nhi được gia đình cho đi cắm trại gần thác nước. Sau đó, bệnh nhi xuất hiện tình trạng ho và thường xuyên chảy máu mũi, gầy, sụt cân. 

Tại đây, bác sĩ chỉ định nội soi mũi họng để kiểm tra và gắp được con vắt đang sống trong mũi. Hiện tại, bệnh nhi không còn ho, không chảy máu mũi.

Vắt hút máu không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy cho biết, vắt chui vào mũi sẽ nằm ở các ngách khe gây phù nề, tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang hoặc có thể bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống thanh quản. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng và gây thiếu máu mạn tính.

Vắt hút máu không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi con vật chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa... 

Bác sĩ Thanh khuyến cáo, người dân không nên sử dụng nguồn nước ở các khe suối để uống, sinh hoạt. Mọi người ở vùng núi rừng ẩm ướt nơi có nhiều vắt cần cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày.

Những người tắm suối, thác, ao, hồ… khi có những triệu chứng như ngạt tắc mũi, vướng họng kèm theo chảy máu mũi, ho khạc ra máu, khàn tiếng cần đi khám để nội soi mũi, họng.

Người đàn ông bị biến dạng mũi nghiêm trọng do chó cắn

Theo TTXVN, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ vừa phẫu thuật tạo hình thành công cho một nạn nhân bị biến dạng mũi nghiêm trọng do chó cắn. Cụ thể, bệnh nhân là ông N.V.N (SN 1953, ngụ tại Cần Thơ), nhập viện khuya 23/8 trong tình trạng bị chó cắn mất toàn bộ cánh mũi phải.

Được biết, khuya 23/8, ông N. vừa mở cửa nhà mình thì bị chó hàng xóm tấn công. Ngay sau đó, người nhà đã chuyển ông N. đến bệnh viện cấp cứu. Ekip các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ đã sơ cứu vết thương, tiêm ngừa dại cho nạn nhân.

Sau khi khám lâm sàng kết hợp cận lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nhận định, nạn nhân bị mất hoàn toàn phần cánh mũi phải, vết thương hở phức tạp. Trường hợp này cần phải khắc phục lại cấu trúc dáng mũi, nếu để lâu sẽ dẫn đến co kéo biến dạng nặng, cũng như nhiễm trùng lan rộng gây mất thẩm mỹ vùng mặt và có thể biến chứng nặng.

Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình cho người bệnh. Ảnh: TTXVN

Sau khi hội chẩn, ekip phẫu thuật quyết định dùng sụn vách ngăn và sụn tai của nạn nhân để tái tạo sụn cánh mũi. Để tạo vạt phù hợp, các bác sĩ phải tính toán chi tiết kỹ độ dài, rộng cánh mũi mất; đồng thời, xoay vạt da mũi má tái tạo da 2 mặt cánh mũi, khâu tạo hình lại đường viền lỗ mũi.

Ca phẫu thuật tạo hình kéo dài 180 phút. Sau hậu phẫu 4 ngày, sức khỏe nạn nhân hiện đã ổn định, vạt da hồng hào, đảm bảo chức năng và tính thẩm mỹ.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, khi bản thân hoặc người thân bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh, sát trùng vết thương, sau đó chuyển ngay đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được sơ cấp cứu, đến các bệnh viện để được can thiệp kịp thời. Vết thương do chó cắn dễ bị nhiễm các loại tạp khuẩn, nhiễm virus bệnh dại từ nước bọt của chó và nhiễm uốn ván từ móng vuốt chó…

Việc điều trị vết thương do chó gây ra thường rất phức tạp, tốn kém, thường để lại những di chứng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng khuôn mặt. Vì vậy, khi rơi vào tình huống bị chó tấn công, người dân cần biết tự bảo vệ vùng đầu mặt của mình bằng động tác như: Cuộn tròn người lại như trái bóng, hai tay ôm chặt lấy đầu và mặt.

Cứu sống bé trai ngưng tim, ngưng thở 30 phút sau khi bị sét đánh

Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 27/8, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết vừa cứu sống bé trai D.T.V (13 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị ngưng tim, ngưng thở 30 phút sau khi bị sét đánh.

Trước đó, trong lúc đang chơi ngoài trời, bất ngờ bệnh nhi bị một luồng sét đánh trúng khiến trẻ ngưng thở, ngưng tim và được mọi người xung quanh cấp cứu. Ngay sau đó, Trung tâm cấp cứu 115 (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) có mặt thực hiện sơ cứu và đưa bệnh nhi vào bệnh viện.

Các bác sĩ liên tục sốc điện, dùng thuốc chống loạn nhịp. Khoảng 15 phút sau, bệnh nhi bắt đầu có nhịp tim và huyết áp trở lại. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đánh giá tình trạng bệnh nhi và quyết định chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục cấp cứu, điều trị.

Tại đây, dù được thở máy, dùng thuốc chống loạn nhịp trong thời gian khá dài nhưng bệnh nhi vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, song đồng tử co lại, huyết áp dần ổn định. Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp hạ thân nhiệt để tránh tổn thương cho bệnh nhi.

Hiện sức khỏe bệnh nhi phục hồi tốt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Khoảng 3 ngày sau, tình hình bệnh nhi cải thiện, chức năng của các cơ quan được bảo tồn, tri giác tốt nên ngưng hạ thân nhiệt, cai máy thở.

Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện sức khỏe bệnh nhi phục hồi tốt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Bệnh nhi cũng rất may mắn vì tia sét chỉ sượt qua từ vai xuống khiến ngưng tuần hoàn 30 phút và được cấp cứu kịp thời.

Tin nổi bật