Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 1/9/2024: Tự ý uống thuốc an thần, thanh niên 22 tuổi nhập viện

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 1/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tự ý uống thuốc an thần, thanh niên 22 tuổi nhập viện

Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) mới đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thuốc an thần khi điều trị mất ngủ. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Đ. (22 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Bệnh nhân Đ. nhập viện trong tình trạng khó thở, buồn nôn, lơ mơ sau khi tự ý uống 10 viên thuốc an thần do gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài tại nhà.

Theo thông tin từ người nhà cung cấp, bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý đã nhiều ngày không ngủ được nên đã tự ý mua thuốc an thần và sử dụng mà không theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi sử dụng thuốc tình trạng bệnh không cải thiện mà còn gặp phải tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ của khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, đã nhanh chóng thăm khám, chỉ định các cận lâm sàng cần thiết và xử trí cấp cứu hồi tỉnh cho người bệnh. Hiện tại, sau khi điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt và đã được xuất viện.

Sau khi điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt và đã được xuất viện. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Bác sĩ CKI Mai Giang Nam - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cho biết, khi mất ngủ kéo dài một số người thường có thói quen tự ý sử dụng thuốc an thần và không đi khám tại các cơ sở y tế.

Việc sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ không chỉ dẫn đến nguy cơ nghiện thuốc mà còn gây ra các biến chứng xấu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc an thần có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ và gây ra những hậu quả không lường trước được cho sức khỏe. Đặc biệt, những người nhạy cảm với thuốc hoặc mắc các bệnh lý nền như tim mạch càng phải thận trọng khi sử dụng thuốc an thần.

Dùng vitamin A trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em

Báo Kinh Tế & Đô Thị đưa tin, Bộ Y tế đã có Công văn số 5189 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc sử dụng vitamin A trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc, số ca nhập viện bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng chống, bệnh sởi, trong đó việc bổ sung vitamin A cho việc điều trị hỗ trợ các bệnh liên quan đến mắt và suy dinh dưỡng là cần thiết.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phân bổ vitamin A viên nang 100.000 đơn vị và 200.000 đơn vị hiện còn tồn kho sau khi kết thúc Chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đợt 1 năm 2024 cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi trên địa bàn.

Trường hợp số lượng vitamin A còn tồn tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, đề nghị các tỉnh, thành phố liên hệ Viện Dinh dưỡng để được cấp bổ sung.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng vitamin A được phân bổ để điều trị cho trẻ em mắc sởi trên địa bàn theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi ban hành tại Quyết định số 1327/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch sởi cho người dân, trong đó có vai trò của vitamin A trong điều trị bệnh sởi và dự phòng biến chứng khô mắt của bệnh.

Lấy cục máu đông dài gần 10 cm ra khỏi mạch máu của bệnh nhân

Theo tạp chí Tri Thức, bệnh nhân L.V.C. (60 tuổi, trú tại Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng rất chậm, kích thích nhiều, đồng thời liệt hoàn toàn nửa người bên trái.

Gia đình kể lại khoảng 5h, khi ngủ dậy thì phát hiện người bệnh liệt nửa người bên trái, miệng nói không rõ tiếng. Người nhà đã nhanh chóng chuyển ông C. tới bệnh viện.

Sau khi vào viện, người đàn ông này được thăm khám ban đầu, chỉ định chụp CT có dựng mạch máu não cấp cứu. Kết quả cho thấy động mạch não giữa bên phải bị tắc.

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ chẩn đoán đây là trường hợp đột quỵ nhồi máu não không rõ thời điểm, tuy nhiên vẫn có thể cứu được vùng não tổn thương nếu can thiệp kịp thời.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau can thiệp. Ảnh: Tri Thức

Ngay lập tức, người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông) ra khỏi mạch não dựa trên hệ thống chụp DSA số hóa xóa nền. Sau khoảng 40 phút can thiệp, các bác sĩ lấy thành công cục máu đông dài gần 10 cm ra khỏi mạch máu, giúp tái thông lại mạch máu não cho người bệnh. Sau can thiệp, người bệnh hồi phục nhận thức, tiếp xúc tốt, tình trạng cơ lực từ liệt đã cải thiện nhiều.

Theo các bác sĩ, trường hợp đột quỵ không rõ thời điểm thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm. Do đó, bác sĩ không thể xác định được "giờ vàng" đột quỵ. Tuy nhiên, việc cần thiết vẫn là đưa người bệnh tới cơ sở điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khi người bệnh nhập viện, qua đánh giá lâm sàng và hình ảnh trên phim chụp, các bác sĩ sẽ có những quyết định phù hợp để đem lại kết quả điều trị tối ưu. Trường hợp người bệnh này có thể mới xảy ra trong những giờ đầu, được phát hiện và đưa vào bệnh viện sớm nên đã can thiệp lấy huyết khối thành công.

Tin nổi bật