Tại Việt Nam, cây đa mang biểu tượng của sự trường tồn, sức sống dẻo dai; đồng thời còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người; thường có mặt ở nhiều nơi khác nhau như đình chùa, cổng làng, dưới gốc đa được dựng miếu thờ.
Riêng tại Tây Nguyên, cây đa thường xuất hiện ở đầu ghềnh thác, bìa rừng, bìa rẫy hay nằm kề bên bến nước của buôn làng. Người M’nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường ví người già giống như “cây đa bến nước, cây sung đầu làng”.
Nhiều cây cổ thụ kết thành rừng, bà con gìn giữ như khu rừng thiêng. Đặc biệt, nơi nào có cây đa cổ thụ thì đồng bào xem là chốn linh thiêng, có thần linh ngự trị, chi phối cuộc sống của dân làng.
Cây đa di sản Việt Nam" tại xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). (Ảnh: Báo Công thương)
Nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 741 (ĐT741) cách trung tâm xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) khoảng 18km, giáp Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có cây đa di sản thân thẳng tắp, cáo vút lên trời, được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 5/2022.
Theo tin tức trên báo Công Thương, cây đa cổ thụ thuộc khoảnh 4 tiểu khu 1465, xã Quảng Trực, thuộc địa phận quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.
Cây có chiều cao trên 30m, chu vi gốc thân chính trên 10m, trở thành biểu tượng đẹp của tự nhiên và lịch sử văn hóa của vùng đất này.
Cây đa di sản không đơn thuần là cá thể thực vật mà còn phục vụ cho nghiên cứu khoa học của ngành chức năng và trở thành một địa điểm văn hóa tinh thần của người dân. Cùng với đó, cây đa di sản còn hứa hẹn mở ra hướng phát triển du lịch rừng đầy hấp dẫn cho vùng biên giới cho tỉnh Đắk Nông.
Ở bon B'Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) có một cây đa rất lớn, tỏa bóng mát ngay bên vườn rẫy của bà con dân tộc Mạ. (Ảnh: Lao động)
Cây đa di sản nằm trên một ngọn đồi cao ở bon B’Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Phía dưới chân núi là hồ Tà Đùng được ví như "Vịnh Hạ Long" của Tây Nguyên.
Ông Bùi Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong cho biết trên báo Lao động, cây đa cổ thụ này vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Các già làng ở bon B'Srê B không biết cây đa này chính xác bao nhiêu tuổi mà chỉ biết rằng qua mấy đời nay nó vẫn đứng đây sừng sững.
Cây đa di sản có tên khoa học là Ficus Championii Benth. Đây là cây đa lớn nhất tỉnh Đắk Nông với chu vi đường kính hàng chục mét, cao hơn 30m. Cành cây đa vườn dài hơn 20m.
Tuy nhiên vào khoảng 16h ngày 23/3/2023, trên địa bàn có cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy. Lúc này, phần thân chính của cây đa di sản bị gãy đổ, làm hư hỏng một căn nhà.
Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương cùng người dân thu dọn hiện trường. Để đảm bảo người dân địa phương có nơi sinh hoạt, du khách đến tham quan, địa phương tiếp tục quản lý, chăm sóc phần thân còn lại, đồng thời cải tạo cảnh quan khu vực cây di sản.