Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường đại học lần lượt đưa ra mức điểm sàn riêng. Hiện Bộ GD&ĐT chỉ quy định điểm sàn một số lĩnh vực đặc thù như sức khỏe, sư phạm, bán dẫn. Điều này kéo theo nhiều thắc mắc về điểm sàn, điểm chuẩn và khả năng trúng tuyển.
Trao đổi với PV ĐS&PL, chuyên gia giáo dục, giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI Vũ Khắc Ngọc cho rằng thí sinh cần hiểu rõ rằng điểm sàn (ngưỡng xét tuyển đầu vào) chỉ là điều kiện cần, trong khi điểm chuẩn thực tế thường cao hơn đáng kể có thể chênh tới 3-4 điểm.
Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc phân tích, ví dụ, một trường có thể để điểm sàn là 23 điểm nhưng điểm chuẩn thực tế lên tới 27-28 điểm. Nếu thí sinh đạt dưới ngưỡng sàn thì chắc chắn không được xét tuyển, nhưng đạt trên sàn cũng chưa đồng nghĩa là đỗ. Điểm sàn chỉ mang tính gợi ý, phản ánh phần nào kỳ vọng về điểm chuẩn năm nay.
Điểm chuẩn thực tế có thể cao hơn 3-4 điểm, thí sinh cần tính toán nguyện vọng kỹ lưỡng. Ảnh minh họa
"Nếu một trường điều chỉnh điểm sàn thấp hơn 2 điểm so với năm ngoái, không có nghĩa điểm chuẩn cũng sẽ giảm tương ứng. Năng lực thí sinh mỗi năm nhìn chung ổn định, sự biến động chủ yếu đến từ độ khó của đề thi.
Năm 2025 có nhiều yếu tố trái chiều, chưa thể nói điểm chuẩn tăng hay giảm. Ở một số khoảng điểm, điểm chuẩn có thể nhích nhẹ, trong khi ở khoảng điểm khác, mức giảm có thể mạnh hơn. Thí sinh nên so sánh phổ điểm năm nay với năm trước và xem ngành mình quan tâm nằm ở vùng điểm nào để có chiến lược phù hợp”, ông Ngọc phân tích.
Ngoài ra, số lượng thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt IELTS, tăng nhanh và đạt mức điểm cao hơn. Nhiều trường ưu tiên hoặc quy đổi điểm với chứng chỉ này, khiến điểm chuẩn có thể bị “đẩy” lên chứ không giảm.
Năm 2025 là năm đầu áp dụng nhiều điều chỉnh quan trọng như bỏ xét tuyển sớm, bỏ giới hạn chỉ tiêu cho từng phương thức và quy đổi điểm về cùng một thang đo. Điều này dẫn tới mặt bằng điểm chuẩn mới, khó dự đoán hơn so với các năm trước.
“Ngay cả những chuyên gia kỳ cựu cũng không thể đoán chính xác điểm chuẩn năm nay. Thí sinh tốt nhất đừng quá lo lắng mà hãy chủ động sắp xếp nguyện vọng một cách khoa học”, ông Ngọc khuyến nghị.
Để đặt nguyện vọng thông minh để tránh rủi ro, theo ông Ngọc, thí sinh nên đặt nhiều nguyện vọng thay vì chỉ 1-2 nguyện vọng. Nguyện vọng đầu có thể “mơ mộng”, chọn trường yêu thích nhất dù khó đỗ. Nguyện vọng cuối phải vừa an toàn (khả năng trượt rất thấp) vừa đủ tốt để sẵn sàng nhập học nếu trúng tuyển.
Chuyên gia giáo dục, giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI Vũ Khắc Ngọc.
“Đừng để tình trạng tất cả nguyện vọng đều quá cao dẫn đến trượt hết, phải học lại một năm. Ngược lại, cũng tránh việc nguyện vọng cuối quá ‘cùi’ khiến trúng tuyển nhưng lại không muốn đi học. Chiến lược tốt là kết hợp giữa mơ ước và thực tế, đảm bảo an toàn nhưng vẫn có cơ hội vào trường yêu thích”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc nhấn mạnh, điểm sàn chỉ là điều kiện ban đầu, nhưng nếu thí sinh quá chủ quan hoặc quá mơ mộng, nguy cơ trượt hết là hoàn toàn có thật. Trong khi đó, việc đặt quá ít nguyện vọng, không tính toán “khoảng an toàn” sẽ làm mất đi nhiều cơ hội trúng tuyển.
“Điểm sàn có thể khiến nhiều em ảo tưởng rằng cơ hội cao, nhưng thực tế, điểm chuẩn luôn phản ánh cạnh tranh thực sự. Hãy cân nhắc kỹ, dựa trên phổ điểm năm nay, phương thức xét tuyển của trường và cả các yếu tố như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Một chiến lược khôn ngoan sẽ giúp tăng đáng kể khả năng thành công”, chuyên gia Vũ Khắc Ngọc cho hay.