Đóng

Điểm môn Toán tốt nghiệp THPT 2025 thấp: Cần cảnh báo cách dạy, học theo lối cũ

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025, môn Toán vẫn là môn bắt buộc đối với tất cả thí sinh. Mức điểm trung bình của môn Toán thấp kỷ lục, chỉ đạt 4,78 điểm.

Toán là một trong 2 môn bắt buộc của kỳ thi năm 2025 (môn còn lại là văn), vì thế có số lượng thí sinh (TS) thi rất đông, có 1.126.172 TS dự thi. Đây cũng là môn mà không ít TS và giáo viên (GV) đánh giá đề thi có những câu hỏi "quá khó" trong kỳ thi năm nay.

Theo phổ điểm 12 môn thi mà Bộ GD-ĐT cung cấp, môn toán có điểm trung bình và điểm trung vị thấp nhất (4,78 và 4,6).

Có 635.102 TS đạt điểm dưới 5, chiếm 56,4% số TS dự thi (năm ngoái con số này là 182.930, chiếm 17,5% số TS dự thi). Cả nước có 777 TS từ điểm 1 trở xuống, cao gấp 10 lần năm ngoái.

(Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Thanh niên thông tin, theo nhiều chuyên gia, một yếu tố góp phần làm nên việc có nhiều điểm thấp của môn toán năm nay là do thay đổi dạng thức đề thi nên hạn chế việc TS có điểm nhờ ăn may (đánh "lụi"). Bỏ qua việc so sánh với phổ điểm môn toán các năm trước, chỉ xét phổ điểm môn toán năm nay, chúng ta có thể thấy hoặc là đề thi môn toán quá khó so với yêu cầu của chương trình, hoặc mặt bằng chất lượng dạy học môn toán trên toàn quốc hiện nay ở mức dưới trung bình.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phạm vi kiến thức của đề thi môn toán là hoàn toàn nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có chăng là đề thi hơi dài và một số câu hỏi hơi khó về độ tư duy.

TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết trên Thanh niên, môn toán là môn bắt buộc, hầu hết TS dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đều phải dự thi môn này nên phổ điểm môn toán sẽ tác động rất lớn tới mặt bằng điểm chuẩn xét tuyển ĐH năm nay. Phổ điểm môn toán thấp, trung vị thấp hơn năm ngoái 2 điểm, phản ánh đúng ý kiến của TS và GV về độ khó của đề thi năm nay. "Với mặt bằng chung thì điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 1,5 - 3 điểm tùy từng ngành", TS Phạm Thanh Hà nói.

Năm 2025 là năm mức điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Toán thấp kỷ lục, chỉ đạt 4,78 điểm. (Ảnh: Tiền phong)

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội đánh giá trên Tiền phong, sau khi kết thúc kỳ thi, từ các phân tích, đánh giá về phổ điểm, sự tương quan giữa điểm trung bình học và thi cho thấy, việc cần làm sớm là chuẩn hóa kiểm tra, đánh giá trong nhà trường.

Các nhà trường cần tăng cường sử dụng đề chung, ma trận chuẩn, nhiều cấp độ tư duy, nhất là học kỳ 2 của lớp 12. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giáo dục cũng cần tăng cường khâu quản lí, giám sát, kiểm tra để giảm thiểu tình trạng “nới lỏng” điểm số, học sinh có thể ảo tưởng về năng lực và khi thi, điểm số thấp hơn kỳ vọng.

Thầy giáo cũng cảnh báo về phương pháp dạy và học, đó là dù bậc THPT đã thực hiện chương trình GDPT mới trọn vẹn 3 năm nhưng dường như, ở nhiều nơi, giáo viên vẫn còn dạy học theo lối cũ, học sinh chỉ làm được các bài quen dạng, không được rèn luyện năng lực tự học, tự xử lý tình huống và có logic toán học thực sự.

Điểm thấp với đề thi năm nay cho thấy các em không biết vận dụng kiến thức được học để giải quyết vấn đề. Khi gặp đề thi tốt nghiệp với dạng lạ, câu hỏi thực tiễn, phân hóa, học sinh dễ bị “rơi rụng”.

Giải pháp trong thời gian tới là các giáo viên, nhà trường cần chuyển từ dạy – học theo lối “luyện giải toán” sang phát triển năng lực tư duy toán học. Học sinh nắm được bản chất, đọc hiểu tốt, biết phân tích, tư duy giải quyết vấn đề, biết vận dụng.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, tính không hiệu quả của đề thi “hai trong một” đã thể hiện rõ. Ở thời điểm này, cần đánh giá và tách biệt 2 việc gồm: tốt nghiệp và đại học. Đã đến lúc cần thay đổi theo hướng giao việc thi hoặc xét tốt nghiệp cho các tỉnh, việc tuyển sinh đại học cho các trường đại học.

Tin nổi bật