Ukraine gây bất ngờ ở Kursk
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ trở tại Mỹ, lực lượng Ukraine đã tiến vào quận Glushkovo thuộc tỉnh Kursk của Nga vào ngày 13/9. Đoạn phim định vị địa lý được công bố cùng ngày cho thấy lực lượng Ukraine đã tiến về phía nam Veseloye, nằm ở phía tây nam Glushkovo và cách biên giới quốc tế khoảng 3 km.
Các nguồn tin của Nga cũng thông tin rằng lực lượng Ukraine đã phát động các cuộc tấn công ở phía tây nam Glushkovo, gần Novy Put, Veseloye và Medvezhye (phía đông Veseloye).
Ukraine gây bất ngờ ở Kursk. Ảnh: Reuters
Theo ISW, quân đội Nga tiếp tục phản công qua vùng nhô ra của Ukraine ở vùng biên giới Kursk, nhưng có thể phải điều động thêm các đơn vị từ những mặt trận khác của chiến trường đến khu vực này để tạo thành một nhóm lực lượng có khả năng tiến hành phản công bền vững.
"ISW tiếp tục theo dõi các cuộc phản công đáng chú ý của Nga tại Kursk nhưng vẫn chưa quan sát thấy các hoạt động chiến đấu quy mô lớn, điều này cho thấy lực lượng Nga mới chỉ bắt đầu một hoạt động phản công phối hợp quy mô lớn nhằm mục đích trục xuất hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi lãnh thổ", ISW nêu rõ
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận rằng lực lượng Nga đã bắt đầu các hoạt động phản công ở Kursk. Ngày 12 /9, người phát ngôn Lầu Năm Góc Thiếu tướng Patrick Ryder cũng cho biết Mỹ đã quan sát thấy các đơn vị Nga đang cố gắng tiến hành một cuộc phản công nhưng không đáng kể".
Nhà quan sát quân sự Ukraine Kostiantyn Mashovets cho biết tính đến ngày 13/ 9, ước tính có khoảng 33.000 đến 35.000 quân Nga đồn trú tại Kursk. Tổng thống Zelensky cũng đề cập rằng giới lãnh đạo quân đội Nga có ý định tập trung từ 60.000 đến 70.000 binh sĩ ở khu vực này - cao hơn đáng kể so với con số 50.000 quân mà các quan chức Mỹ ước tính Nga sẽ cần để đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ.
Nga có thể sử dụng "vũ khí mạnh nhất"
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin mới đây cảnh báo rằng Nga đã chuẩn bị sử dụng "những vũ khí mạnh nhất và có sức hủy diệt nhất" trong trường hợp các lực lượng Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.
Trong một bài đăng trên kênh Telegram cá nhân, ông Volodin nhấn mạnh rằng việc cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa, cũng như thảo luận về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ biến các nước phương Tây thành những người tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Ông trực tiếp đề cập đến Mỹ, Anh, Pháp và Đức, tuyên bố rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến leo thang và buộc Nga phải sử dụng các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ hơn.
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Reuters
"Bằng cách chuyển hướng sang Mỹ, Đức, Pháp và Anh với yêu cầu cung cấp vũ khí tầm xa, tên lửa và các thiết bị khác đồng thời thảo luận với họ về vấn đề tấn công lãnh thổ Nga, ông Zelensky đã biến những quốc gia này trở thành những bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Tất cả những điều này sẽ khiến đất nước chúng tôi buộc phải đáp trả bằng những vũ khí mạnh hơn và có sức hủy diệt hơn để bảo vệ công dân của mình", ông Volodin cho biết.
Bất chấp việc Ukraine nhiều lần lên tiếng kêu gọi, hầu hết các nước phương Tây hiện nay vẫn dè dặt trước đề nghị cung cấp vũ khí tầm xa và cho phép Kiev sử dụng để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Ngày 13/9, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ không có kế hoạch công bố bất kỳ chính sách mới nào về Ukraine và việc sử dụng tên lửa tầm xa.
Ông cho biết Mỹ đang nghiêm túc xem xét lời cảnh báo của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ xem xét phương Tây trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột nếu Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất vào lãnh thổ Nga nhưng đó không phải là lập trường mới của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo Pravda và Avia-pro