Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trường học ở TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Hiệu trưởng THPT Trường Chinh, cho biết nhà trường không cấm học sinh mang điện thoại nhưng các em không được sử dụng trong khuôn viên của trường, kể cả giờ ra chơi.

Báo Công lý cho biết, theo quy định hiện nay, học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Tuy nhiên, hình ảnh học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học vẫn phổ biến. Thực tế cho thấy, sau thời gian nghỉ hè và sử dụng điện thoại di động như một thói quen thì vào năm học mới, các thầy cô khá vất vả trong việc kiểm soát học sinh dùng thiết bị này.

Điều mà xã hội quan tâm là trường học và gia đình quản lý việc các em sử dụng như thế nào để không xao nhãng học tập hay rơi vào những tình huống mất an toàn trên thế giới mạng.

Vậy đâu là giải pháp để học sinh vừa có thể khai thác tiện ích của công nghệ trong học tập, vừa đảm bảo không lệ thuộc điện thoại?

Hiện nhiều trường đã áp dụng nhiều giải pháp khá hiệu quả, giúp các em học sinh không bị lệ thuộc điện thoại khi đến trường. Như Trường THPT Trường Chinh (quận 12, TP.HCM) không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong khuôn viên trường.

Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng THPT Trường Chinh, cho biết nhà trường không cấm học sinh mang điện thoại nhưng các em không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi.

Trường học ở TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường. Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ.

Trường THPT Trường Chinh có sân trong và sân trước. Học sinh được sử dụng điện thoại ở sân trước, là khu vực để xe trong lúc tan học. Còn khi đã bước vào sân bên trong là không được tùy tiện sử dụng điện thoại, chỉ trừ những tiết học giáo viên yêu cầu học sinh mới được sử dụng.

Quy định này được nhà trường áp dụng từ năm học 2023-2024. Theo vị hiệu trưởng, những ngày đầu đưa ra chính sách mới này, nhiều học sinh bày tỏ sự phản đối bởi các em đã quen sử dụng điện thoại và bị lôi cuốn bởi các ứng dụng trong đó. Ngược lại, cha mẹ học sinh lại vô cùng ủng hộ chủ trương này.

Cũng theo ông Trọng, từ chủ trương trên Trường THPT Trường Chinh truyền thông đến học sinh giờ ra chơi các em cần vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè để phát triển kỹ năng, tạo mối quan hệ...

"Lúc đầu, cũng nhiều em không đồng tình nhưng trong quá trình thực hiện bản thân học sinh đã thấy được những tích cực. Không sử dụng điện thoại, học sinh có thời gian tương tác, vui chơi với nhau, tham gia các hoạt động tập thể... Trong buổi đối thoại cùng học sinh trong năm học qua, các em đã bày tỏ những hiệu ứng tích cực", ông Trịnh Duy Trọng thông tin. 

Cùng chủ trương trên, Trường THPT Trường Chinh cũng tổ chức nhiều sân chơi, các hoạt động vận động, trò chuyện, giao lưu,... để các em phát triển kỹ năng, tương tác với bạn bè, thầy cô.

Vị hiệu trưởng chia sẻ từ khi thực hiện quy định trên, học sinh không còn cảnh "tụm năm tụm ba", cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi. Thay vào đó, sân trường đông học sinh hơn, các em chơi thể thao rất nhiều.

Trong khi đó, Trường tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM) cho học sinh sử dụng điện thoại có kiểm soát.

"Cấm tuyệt đối sẽ gây ức chế cho các em. Trong giai đoạn chuyển đổi số, nhiều tiết học yêu cầu học sinh phải sử dụng điện thoại để làm việc nhóm, ghi hình... Vì vậy trường chúng tôi cho phép học sinh mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho bảo vệ hoặc giáo viên chủ nhiệm", ông Tưởng Nguyên Sự, hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Mỗi lớp ở trường này có một tủ để điện thoại của học sinh. Những tiết học có sử dụng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát cho học sinh vào đầu tiết, hết tiết thu lại.

Theo ông Sự, mặc dù đã có quy định và khi thực hiện nhà trường cũng khá linh hoạt chứ không cứng nhắc. Ví dụ trong ngày có thể học sinh lấy điện thoại để gọi cho cha mẹ có việc cần thì giáo viên chủ nhiệm vẫn đáp ứng.

Sau khi học sinh gọi xong vẫn nộp lại điện thoại rồi cuối giờ mới nhận mang về. Quy định trên được đa số phụ huynh ủng hộ và đồng tình.

"Trường chúng tôi cũng đã thực hiện từ nhiều năm nay như thế. Tuy nhiên học sinh không phải em nào cũng làm theo. Có em mang theo hai cái điện thoại, một cái nộp cho giáo viên và giữ lại một cái để sử dụng. Do đó ngoài quy định thì các giáo viên vẫn phải để mắt, kiểm tra, nhắc nhở để các em tuân thủ", ông Sự nói thêm.

Có ý kiến cho rằng, không nên và không thể cấm học sinh đem điện thoại đến trường được, chúng ta không nên cấm khi không quản lý được nhưng cần có giải pháp, quy định hướng dẫn giáo dục học sinh sử dụng điện thoại sao cho đúng.

Vậy để giúp các em có kỹ năng sử dụng điện thoại khai thác kiến thức trong giờ học và giải tỏa băn khoăn của thầy cô, phụ huynh, học sinh, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn quy định thực hiện việc này một cách thống nhất chung trong cả nước.

Việc cho phép học sinh đem và sử dụng điện thoại trong giờ học là tiếp cận sự tiến bộ khoa học là xu thế chung, không nên cấm như trước đây. Tất nhiên với quy định của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép, ban đầu không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng vì những hệ lụy nói trên. Nhưng tin rằng khi thực hiện với những quy định chặt chẽ, khoa học thì việc sử dụng điện thoại trong giờ học nói riêng dần đi vào nền nếp, tiết học thêm sinh động hấp dẫn hiệu quả, giảm bớt nỗi lo lắng của phụ huynh và thầy cô khi cho học sinh đem điện thoại đến trường.

Tin nổi bật