Theo báo Chính Phủ, trong 2 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca lấy, ghép đa tạng từ người hiến chết não, hồi sinh sự sống cho 3 người bệnh và chuẩn bị mang ánh sáng đến 2 người bệnh khác.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tất cả quá trình từ lúc phát hiện, chẩn đoán và hồi sức người hiến tạng tiềm năng đến lúc hoàn thiện các ca ghép diễn ra trong vòng 50 giờ đồng hồ, thể hiện tinh thần kỷ luật, tác phong quân đội của các bác sĩ Quân y 108.
Người hiến tạng là bệnh nhân nam (SN 1968), được chẩn đoán chết não do đột quỵ não, nhồi máu cầu não, phù não nặng. Nén nỗi đau thương, gia đình bệnh nhân đã tự nguyện đồng ý hiến tạng theo ý nguyện của bệnh nhân lúc còn sống.
Vợ của người hiến tạng chia sẻ, trước khi gặp biến cố về sức khoẻ, hai vợ từng nói với nhau sẽ đồng ý hiến tạng khi qua đời để cứu sống được nhiều người hơn.
"Giờ đây, gia đình đã thực hiện đúng tâm nguyện của anh khi còn sống. Tôi chỉ mong những người khác được cứu sống có thể sống tốt, cũng giống như chồng tôi đang sống", chị bộc bạch.
Các y bác sĩ tri ân hành động cao cả của người hiến tạng. Ảnh: Báo Chính Phủ
Trước đó, vào 16h ngày 29/4, Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận thông tin, có người chết não hiến tạng tiềm năng từ khoa Đột quỵ não. Ban Vận động hiến tạng ngay lập tức trao đổi tình hình với bác sĩ điều trị để nắm thông tin và tư vấn, vận động gia đình bệnh nhân.
Đến 3h ngày 30/4, bệnh nhân chuyển biến nặng. Đến 19h cùng ngày, bệnh nhân được chẩn đoán chết não lần 3.
Các đơn vị trong toàn Bệnh viện đã phối hợp cùng Trung tâm Ghép tạng, các tiểu ban làm việc xuyên đêm không kể thời gian, ngày nghỉ, để sàng lọc, kiểm tra, đánh giá người nhận trước phẫu thuật nhằm tối ưu hoá hiệu quả điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Thực hiện quán triệt của Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, yêu cầu các kíp trực của Bệnh viện luôn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, để kỳ nghỉ lễ trọn vẹn tới mọi người dân, các đơn vị đã khẩn trương chuẩn bị, bổ sung nhân lực, vật tư đầy đủ để tiến hành phẫu thuật lúc 10h30 ngày 1/5.
Vào 8h ngày 1/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức hội chẩn lấy - ghép đa tạng gồm: 1 ca ghép gan; 2 ca ghép thận; giác mạc được lấy, bảo quản để ghép sau.
Đại tá, TS.Nguyễn Việt Hải - Giám đốc Trung tâm Tiết niệu và nam khoa, kiêm Chủ nhiệm khoa Tiết niệu trên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, ngay sau khi nhận được thông báo có bệnh nhân chết não của Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện, kíp ghép thận nói riêng và kíp ghép gan, các phòng, khoa, ban trong Bệnh viện nói chung đã ngay lập tức tổ chức triển khai những công việc cần thiết để tiến hành phẫu thuật ngay sau khi có kết luận hội chẩn. Vì trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5, các bác sĩ đang đi nghỉ hoặc về thăm gia đình cách xa hàng trăm km cũng khẩn trương có mặt vào 9h ngày 1/5.
Người nhận gan là nam bệnh nhân (SN 1979), bị viêm gan B 10 năm nay. Bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan mất bù 5 năm nay. Khoảng 2 tháng gần đây, xuất hiện chướng bụng tăng dần, không phù, không sốt, đi khám và có dùng thuốc không rõ loại; bệnh không cải thiện, bệnh nhân thấy mệt tăng lên, ăn uống kém, vàng da tăng dần. Bệnh nhân có chỉ định ghép gan.
Đối với 2 ca ghép thận, hai bệnh nhân đều suy thận mạn giai đoạn cuối. Trong đó, có trường hợp bệnh nhân nam (SN1969) phát hiện suy thận mạn giai đoạn từ năm 2002, tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối, vô niệu và lọc máu chu kỳ 3 buổi/ tuần năm 2021.
Bệnh nhân chuẩn bị ghép trong tình trạng tiền mẫn cảm cao, không hoà hợp với bất kỳ alen nào của người hiến, DSA dương tính với MFI 8650, nguy cơ thải ghép thể dịch và thải ghép tối cấp. Ca ghép đã thành công tuyệt đối với lưu lượng dòng tiểu trong những giờ đầu là 250-300ml/giờ.
Đến 17h cùng ngày, các ca ghép hoàn thiện, sức khoẻ của 3 người nhận tạng diễn biến ổn định và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.
Theo Thời báo VTV, sản phụ D.T.H. (26 tuổi) mang thai lần đầu nhờ phương pháp IVF. Từ tuần thai thứ 16, siêu âm đã phát hiện thai nhi bị tràn dịch màng phổi hai bên - một tình trạng hiếm gặp có thể gây xẹp phổi, suy hô hấp nặng và tử vong sau sinh. Dù đã được chọc hút dịch màng phổi một lần ở tuần thai 24, tình trạng vẫn tiếp tục tiến triển xấu.
Đến tuần 30, sản phụ xuất hiện đa ối kèm tràn dịch màng phổi nặng hai bên gây xẹp hoàn toàn phổi, chèn ép tim và tràn dịch màng bụng, đẩy thai phụ vào nguy cơ chu sinh cực kỳ cao. Trước tình huống khẩn cấp, sản phụ được chuyển đến Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Tại đây, ekip bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhanh và quyết định thực hiện kỹ thuật đặt shunt dẫn lưu màng phổi. Ca can thiệp do TS.BS Phan Thị Huyền Thương - Phụ trách Trung tâm Can thiệp bào thai và TS.BS Đỗ Tuấn Đạt - Trưởng Khoa Sản bệnh A4 thực hiện.
Ekip bác sĩ tiến hành hội chẩn nhanh và quyết định thực hiện kỹ thuật đặt shunt dẫn lưu màng phổi. Ảnh: Thời báo VTV
Dưới hướng dẫn siêu âm liên tục, các bác sĩ luồn kim dẫn đường qua thành bụng mẹ, xuyên qua buồng ối, tiếp cận khoang màng phổi của thai nhi - nơi dịch đang gây xẹp phổi nghiêm trọng.
Ống shunt sau đó được đặt để dẫn lưu dịch ra ngoài, giúp phổi thai nhi nở trở lại, tránh chèn ép tim và hạn chế nguy cơ suy hô hấp sau sinh. Ngoài ra, khoảng 50 ml dịch màng phổi cũng được hút từ phổi phải để tối ưu hiệu quả điều trị.
Sau can thiệp, thai nhi có phản ứng tích cực: nhịp tim và vận động trở lại bình thường, không còn dấu hiệu chèn ép. Sức khỏe sản phụ ổn định, cả hai mẹ con đang tiếp tục được theo dõi sát sao.
Đây là ca đầu tiên kỹ thuật đặt shunt màng phổi cho thai nhi được thực hiện tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội - đánh dấu bước tiến mới trong năng lực điều trị các bất thường trước sinh, giúp mở rộng thêm cơ hội sống cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
Theo VnExpress, người đàn ông 57 tuổi đau quặn bụng từng cơn, không thể đại tiện. ThS.BS Nguyễn Văn Định ở khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết bệnh nhân vào viện với các cơn đau dữ dội, huyết áp tụt, có dấu hiệu đề kháng thành bụng (phản ứng thành bụng co lại khi ấn mạnh) - một trong những biểu hiện nguy hiểm của tắc ruột.
Các chẩn đoán hình ảnh ghi nhận bệnh nhân tắc ruột non, nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương mô nghiêm trọng. Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ trong tình trạng sốc nhiễm trùng.
Ruột non bị xoắn và viêm dính nghiêm trọng, dẫn đến hoại tử một đoạn ruột dài 1,1 mét. Bác sĩ đã gỡ dính, tháo xoắn và cắt bỏ đoạn ruột non hoại tử, nối lại đoạn ruột còn lành để tái lập lưu thông tiêu hóa.
Sau mổ, bệnh nhân được hồi sức tích cực, tập vật lý trị liệu và dinh dưỡng hỗ trợ, giúp nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, do bị cắt bỏ một phần ruột non dài, người bệnh có nguy cơ gặp hội chứng ruột ngắn sau này, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng, cần được thiết lập chế độ ăn uống phù hợp.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân tại bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: VnExpress
Theo bác sĩ Định, tắc ruột do xoắn ruột là một tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến hoại tử ruột nếu không được xử lý kịp thời. Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, thậm chí tử vong. Nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, khả năng bảo tồn ruột non sẽ cao hơn, giúp giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu.
Cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan khi gặp các triệu chứng như đau bụng quặn từng cơn, buồn nôn, nôn ói, bụng chướng, đầy hơi, không trung tiện hoặc đại tiện được...