Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 13/4, bé gái 5,5 tháng tuổi (trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực Nhi Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng suy hô hấp nặng (SpO₂ chỉ 80%), tím tái, nhịp tim lên tới 200 chu kỳ/phút. Bé có tiền sử bệnh cơ tim giãn, suy tim mạn tính - yếu tố khiến diễn tiến bệnh lý càng trở nên phức tạp và nguy hiểm.
Kết quả chẩn đoán xác định bé nhiễm virus RSV, tổn thương phổi lan tỏa, sốc tim, suy thận cấp và toan chuyển hóa nặng (pH=7,1). Mặc dù đã được điều trị tích cực bằng thở máy, thuốc vận mạch và các biện pháp nội khoa hỗ trợ, tình trạng bệnh không cải thiện, toan chuyển hóa nặng kéo dài, đe dọa nghiêm trọng tính mạng.
Trước nguy cơ tử vong rất cao, kíp trực đã hội chẩn khẩn với lãnh đạo khoa và Ban Giám đốc bệnh viện, thống nhất quyết định can thiệp bằng kỹ thuật lọc máu liên tục (CRRT).
Bé gái hiện đã hồi phục tốt, sẵn sàng ra viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau 12 giờ được lọc máu liên tục, các chỉ số huyết động của bé cải thiện rõ rệt, chức năng thận phục hồi, tim tiến triển tích cực. Sau 48 giờ và 6 ngày điều trị tích cực, bé được rút ống nội khí quản và hiện đã hồi phục tốt, sẵn sàng ra viện.
ThS.BS. Lê Mạnh Trường - bác sĩ trực tiếp điều trị cho biết, trường hợp cháu bé là một trong những ca bệnh nguy kịch nhất mà các bác sĩ từng gặp. Nếu không can thiệp kịp thời, cơ hội sống của cháu bé sẽ gần như bằng không.
Trong khi đó, bác sĩ CKII. Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ: "Viêm tiểu phế quản do RSV là bệnh thường gặp, nhưng với trẻ có nền bệnh tim mạn tính, diễn tiến rất nhanh và khó lường. Thành công trong ca bệnh này là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của chiến lược hồi sức toàn diện, từ kỹ thuật cao đến sự phối hợp chuyên môn đồng bộ".
Theo báo Người Lao Động, ngày 29/4, bác sĩ CKII Lâm Kim Bảo - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độ Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết nơi đây vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân N.T.Đ (19 tuổi, ở TP.HCM) vì tình trạng nguy kịch hiếm gặp: Sốc đa nguyên nhân, suy tim, suy gan, suy thận cấp kèm toan chuyển hóa nặng.
Theo bệnh sử, khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân tham gia một chuyến dã ngoại ngoài trời và leo núi với cường độ cao. Ngay sau đó, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện mỏi hai chân, phù nhẹ, được khám và điều trị tại Bệnh viện An Bình với chẩn đoán giãn tĩnh mạch sâu chi dưới, tuy nhiên triệu chứng không cải thiện.
Chỉ trong vòng vài tuần sau, tình trạng phù diễn tiến nặng dần, lan toàn thân, kèm theo dấu hiệu khó thở khi vận động nhẹ như leo một tầng cầu thang.
Sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhân dần ổn định. Ảnh: Người Lao Động
Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở kịch phát về đêm, sau đó đột ngột đuối sức, tụt huyết áp, suy hô hấp nặng nên được đưa đến Bệnh viện Nguyễn Trãi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bác sĩ ghi nhận khí máu động mạch có toan chuyển hóa nặng, thất phải và tĩnh mạch chủ dưới giãn lớn, tay chân lạnh, da nổi bông – biểu hiện của sốc tắc nghẽn nghi do thuyên tắc phổi.
Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, thiết lập theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn và tiến hành lọc máu liên tục cấp cứu (CRRT). Bệnh nhân cũng được thay huyết tương, truyền vitamin B1 liều cao và sử dụng kháng sinh phổ rộng.
Chỉ trong vòng vài ngày, tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện, các thuốc vận mạch được ngưng hoàn toàn, bệnh nhân cai được máy thở và chuyển sang phòng bệnh thường.
Sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhân dần ổn định. Đặc biệt, chức năng gan, thận phục hồi tốt, tình trạng thiếu máu và suy dinh dưỡng được cải thiện đáng kể nhờ phối hợp dinh dưỡng điều trị và phục hồi chức năng sớm.
Theo bác sĩ Bảo, bệnh nhân Đ. bị sốc chưa rõ nguyên nhân, kèm suy đa tạng, cần được hồi sức tích cực kịp thời, đặc biệt là ứng dụng hệ thống lọc máu liên tục để giúp kiểm soát tổn thương các cơ quan.
Bác sĩ Bảo cũng khuyến cáo người trẻ không chủ quan với sức khoẻ của bản thân. Không nên quá lao lực và thiếu ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân.
Theo báo Chính Phủ, ngày 28/4, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho ca ghép tủy đồng loại Thalassemia thứ 7 và ca ghép u nguyên bào thần kinh thứ 45. Đây tiếp tục là minh chứng rõ nét trong tiên phong ứng dụng kỹ thuật cao, qua đó mang lại cơ hội sống tốt hơn cho bệnh nhân.
Ca ghép tủy đồng loại thứ bảy là bé D.Q.T. (29 tháng tuổi, quê Quảng Ninh), được phát hiện bệnh Thalassemia từ lúc 7 tháng tuổi, từ đó đến nay bệnh nhi đã phải truyền máu 12 lần.
Sau khi xét nghiệm HLA, bệnh nhi được xác nhận phù hợp hoàn toàn với chị ruột 10,5 tuổi nên được ghép tủy vào ngày 4/4/2025. Sau ghép, tiểu cầu phục hồi vào ngày thứ 23, bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 16.
Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho ca ghép tủy đồng loại Thalassemia thứ 7 và ca ghép u nguyên bào thần kinh thứ 45. Ảnh: Báo Chính Phủ
Đối với ca ghép tế bào gốc tự thân thứ 45, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết bé Đ.P.N. (32 tháng, quê Lâm Đồng), được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao cách đây 9 tháng. Sau khi được ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Trung ương Huế, đến nay, tiểu cầu và bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 30.
GSTS.BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh việc điều trị thành công ca ghép tủy đồng loại thứ 7 trên bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh, beta-thalassemia là bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại.
Các bệnh nhi không còn phải lệ thuộc vào truyền máu, thải sắt hằng ngày, trẻ phát triển bình thường như những đứa trẻ khỏe mạnh khác. Thành công trong việc ghép tủy đồng loại tại bệnh viện không chỉ mang lại hy vọng cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh mà còn mở ra triển vọng điều trị cho các bệnh lý khác cần ghép tủy đồng loại, như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, và ung thư tái phát.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, tan máu bẩm sinh là một bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Với các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, ứ sắt trong cơ thể, gây tích tụ sắt lên các tạng cơ thể, dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn cho trẻ, giúp trẻ có thể sống khỏe mạnh mà không cần truyền máu.