Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 25/4: Món đồ khiến 2 em bé phải nhập viện phẫu thuật

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Món đồ khiến 2 em bé phải nhập viện phẫu thuật; Bé 7 tháng tuổi biến chứng viêm phổi nặng do sởi… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 25/4

Món đồ khiến 2 em bé phải nhập viện phẫu thuật

Theo VietNamNet, bé gái D.T (15 tháng tuổi, trú tại tỉnh Bình Định) được bố mẹ đưa vào khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cấp cứu với triệu chứng ban đầu là nôn ói nhiều lần kèm đau bụng theo cơn suốt 3 ngày, không đại tiện.

Nghi ngờ bé tắc ruột, bác sĩ đã cho bệnh nhi chụp X-quang, phát hiện dị vật gồm 2 nam châm nhỏ kích thước khoảng 1cm. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật thám sát và kíp mổ ghi nhận hai dị vật nam châm nằm trên đoạn ruột non, cách nhau khoảng 50cm.

Tiến sĩ Lê Nguyễn Yên - Phó khoa Thận - Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, dị vật có thể là bộ phận đồ chơi rơi ra, bị bé nuốt phải. Các dị vật đã hút nhau khiến đoạn ruột dính lại, dẫn đến thủng và tắc ruột. Trong khoảng một giờ, kíp mổ đã lấy các dị vật, khâu lại lỗ thủng và rửa bụng, không cắt nối ruột.

Tiến sĩ Lê Nguyễn Yên - Phó khoa Thận - Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo người thân không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi có nhiều mảnh nhỏ, pin rời hoặc nam châm. Ảnh minh họa: Báo Xây Dựng

Trường hợp khác là bé trai N.T (4 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương) vào viện cấp cứu sau 3 ngày đau bụng, tiêu lỏng, sốt. Ở bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ thăm khám và chụp X-quang phát hiện chuỗi dị vật nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phúc mạc do dị vật, thủng ruột.

Bác sĩ Yên cho biết, ekip phẫu thuật ghi nhận 5 quai ruột dính vào nhau và chuỗi nam châm xuyên qua các quai này, gây thủng 8 vị trí. Do số lượng nam châm gồm 20 viên, kích thước nhỏ khoảng 5mm nên ảnh hưởng quá trình tìm kiếm.

Để xác định vị trí các dị vật, kíp mổ đã kết hợp chụp X-quang nhiều lần, đảm bảo không còn sót. Bác sĩ khâu những lỗ thủng nhỏ và cắt nối một đoạn ruột khoảng 15cm có nhiều lỗ thủng.

Sau mổ, các bệnh nhi được sử dụng kháng sinh, dịch truyền, sau vài ngày đã ăn uống bình thường. Khi xuất viện, 2 trẻ được theo dõi định kỳ. Riêng trường hợp cắt nối nhiều vị trí nhập viện trở lại, điều trị cho đến khi ổn định.

Theo bác sĩ Yên, việc phát hiện chậm dị vật có thể dẫn đến biến chứng tắc, hoại tử và gây viêm phúc mạc nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng huyết thậm chí có thể tử vong.

Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhi nuốt bi nam châm. Vì vậy, bác sĩ Yên khuyến cáo người thân không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi có nhiều mảnh nhỏ, pin rời hoặc nam châm. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ, cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa ngoại nhi gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Bé 7 tháng tuổi biến chứng viêm phổi nặng do sởi

Theo Thời báo VTV, một bé trai 7 tháng tuổi mắc sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp vừa được cứu sống thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, bệnh nhi P.N.H.L. (trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện với biểu hiện sốt cao liên tục, ho nhiều, phát ban, tiêu chảy kéo dài. 

Chỉ sau 6 giờ, bệnh nhi có dấu hiệu khó thở nặng dần và được chuyển sang thở máy không xâm nhập do suy hô hấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi nhiễm sởi và bội nhiễm viêm phổi nặng. Gia đình cho biết bệnh nhi chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi và từng có tiền sử viêm phổi.

Các bác sĩ khoa Nhi đã nhanh chóng chuyển bệnh nhi vào khu hồi sức, triển khai phác đồ điều trị tích cực với kháng sinh, vitamin A, truyền dịch và globulin miễn dịch (IVIG), đồng thời hỗ trợ thở oxy.

Nhờ can thiệp kịp thời và điều trị sát sao, sau 8 ngày, bệnh nhi ổn định, hết sốt, không còn cần thở oxy và có thể ăn uống bình thường. Bệnh nhi đang phục hồi tốt và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Bệnh nhi đang phục hồi tốt và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Thời báo VTV

Theo bác sĩ CKII. Trần Nhị Hà - Trưởng khoa Nhi, bệnh sởi tuy là bệnh truyền nhiễm thường gặp nhưng rất dễ biến chứng nặng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là viêm phổi - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Từ tháng 3 đến nay, khoa đã điều trị gần 40 ca mắc sởi, nhiều trường hợp diễn tiến nặng, phải hồi sức tích cực.

Bác sĩ Hà nhấn mạnh: "Sởi không thể chủ quan. Trẻ chưa tiêm phòng là đối tượng nguy cơ cao nhất. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng hướng có thể cứu sống trẻ, nhưng phòng bệnh bằng tiêm chủng vẫn là biện pháp hiệu quả nhất".

Nam thanh niên mắc bệnh hiếm, nhiều năm mới phát hiện

Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho hay vừa tiếp nhận và điều trị một nam bệnh nhân 26 tuổi mắc bệnh hiếm sau nhiều năm mới phát hiện. Bệnh nhận mắc bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT) – một bệnh lý thần kinh di truyền mạn tính.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê yếu hai chân, khó nhấc bàn chân, đi lại loạng choạng và dễ vấp ngã. Ngoài ra, còn gặp khó khăn trong thực hiện các động tác tinh vi ở tay như cài nút áo. Tình trạng tiến triển dần trong suốt hai năm gần đây. 

Bác sĩ CKII Lâm Nguyễn Thùy An ở khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết qua thăm khám ghi nhận chân bệnh nhân bị biến dạng (vòm cao, ngón hình búa), teo cơ vùng cẳng chân và mô cái bàn tay, mất phản xạ gân xương tứ chi. Kết quả kiểm tra điện cơ cho thấy người bệnh bị tổn thương lan tỏa hệ thần kinh ngoại biên kiểu vận động – cảm giác, đặc trưng của bệnh CMT.

Bệnh nhân được điều trị nội với phác đồ Đông – Tây y kết hợp, bao gồm tập vận động phục hồi chức năng chuyên sâu, dùng thuốc y học cổ truyền để lưu thông khí huyết, nuôi dưỡng cân cơ, châm cứu, thủy châm và xoa bóp bấm huyệt. Sau thời gian điều trị, người bệnh cải thiện rõ rệt: Giảm tê bì, tăng sức cơ, đi lại linh hoạt hơn, có thể tự sinh hoạt và thực hiện được các động tác tay tinh vi.

Bệnh nhận mắc bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT) – một bệnh lý thần kinh di truyền mạn tính. Ảnh: Người Lao Động

Theo bác sĩ An, CMT là bệnh lý thần kinh ngoại biên có tính di truyền, ảnh hưởng chủ yếu đến khả năng vận động và cảm giác của tay, chân. Bệnh thường khởi phát sớm từ tuổi thiếu niên hoặc giai đoạn trưởng thành. Triệu chứng bao gồm: Teo cơ, yếu cơ chi dưới, biến dạng bàn chân hoặc bàn tay, mất cảm giác ở ngón tay, ngón chân, đi lại khó khăn.

Hiện chưa có thuốc đặc trị song việc phát hiện sớm kết hợp với điều trị phục hồi chức năng đúng cách có thể giúp người bệnh duy trì vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại như chẩn đoán phôi (PGD), xét nghiệm gen trước sinh (NIPT, chọc ối)… đã mở ra nhiều hy vọng cho các gia đình có nguy cơ mang gen bệnh.

Tin nổi bật