Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân mắc Sarcoma mô bào - một thể ung thư cực kỳ hiếm gặp.
Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân N.T.L (48 tuổi, quê Thái Bình) đã trải qua hơn một năm điều trị ở nhiều cơ sở y tế khác nhau do liên tục bị đau bụng, sốt và các triệu chứng bất thường liên quan đến hệ tiết niệu.
Thời điểm đầu, chị được chẩn đoán bị ứ nước bể thận và theo dõi áp xe niệu quản. Sau đó, bệnh nhân đã trải qua nhiều lần phẫu thuật. Tưởng chừng đã hồi phục sau ca mổ vào tháng 9/2024, bệnh nhân bất ngờ tái phát với triệu chứng bí tiểu, sốt cao liên tục từ 40 - 41 độ C dù đã được điều trị bằng kháng sinh.
Không đáp ứng điều trị, chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt kéo dài, đau tăng dần vùng bụng dưới, nhiễm trùng tiết niệu nặng kèm nhiễm khuẩn huyết.
Người phụ nữ mắc Sarcoma mô bào - một thể ung thư cực kỳ hiếm gặp. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Kết quả siêu âm cho thấy đài bể thận và niệu quản trái giãn (đường kính khoảng 12mm), vùng tiểu khung lệch trái sát thành bàng quang có ổ tổn thương hỗn hợp âm kích thước 49x36mm.
Trên phim CT, vùng hố chậu trái xuất hiện khối tăng tỷ trọng có kích thước khoảng 51x60mm, xung quanh có dịch. Thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận định có khối u khá to nên đã tiến hành hội chẩn chuyên khoa và quyết định mổ mở cấp cứu.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng. Trong quá trình mổ, bác sĩ phát hiện có hai khối u: một khối nằm ở buồng trứng trái (khoảng 3cm), một khối khác nằm sau tử cung và xâm lấn cả vào thành bàng quang (khoảng 4cm).
Cả hai khối u cùng phần tử cung đã được cắt bỏ hoàn toàn. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, vết mổ khô, hồi phục tốt và được chỉ định tiếp tục hóa trị sau đó.
Các bác sĩ xác định, bệnh nhân mắc phải một dạng ung thư vô cùng hiếm gặp – Sarcoma mô bào. Theo bác sĩ Vũ Xuân Ngọc – Phụ trách khoa Giải phẫu bệnh học, Sarcoma mô bào là một rối loạn histiocytis cực kì hiếm gặp. Bệnh liên quan tới các bệnh lý ác tính về máu và có thể kèm theo các bệnh lý về u tế bào mầm.
Tỷ lệ mắc bệnh này chỉ khoảng 0,17 ca trên 1 triệu người. Đây là một bệnh lý hiếm gặp và có đặc điểm hình thái và miễn dịch khó phân biệt với các tổn thương u và viêm khác nên chẩn đoán gặp khá nhiều khó khăn.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 21/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bé trai mới 16 tháng tuổi (trú huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) hóc dị vật là 2 mảnh xương cá mắc vào vị trí đường thở khá hi hữu.
Gia đình chia sẻ, cách đó 4 ngày, sau khi trẻ ăn cá thì có nôn ra dịch đờm lẫn máu, sau đó xuất hiện khò khè, khàn tiếng. Gia đình đã cho trẻ đi khám ở phòng khám tư nhân nhưng không thấy có dấu hiệu đỡ nên đã nhập viện để khám và điều trị.
Ngay khi vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh nhi đã được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, phát hiện dị vật nằm trong đường thở. Ekip bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã nhanh chóng tiến hành nội soi và lấy ra hai mảnh xương cá mắc tại vị trí hạ thanh môn. Sau khi xử lý, sức khỏe của trẻ đã ổn định và tiếp tục được theo dõi.
Ekip bác sĩ khoa Tai Mũi Họng nhanh chóng tiến hành nội soi và lấy ra hai mảnh xương cá mắc tại vị trí hạ thanh môn. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
ThS.BS Hà Thanh Bình ở khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, hóc dị vật là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ, nhất là trong quá trình ăn uống.
Thông thường, khi trẻ hóc dị vật, vật thể lạ có xu hướng mắc kẹt ở thực quản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, một chiếc xương cá nhỏ đã “đi lạc” vào đường thở của bé, nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những nguy cơ như gây viêm phù nề làm cho trẻ khó thở tăng dần; một số dị vật sắc nhọn (như trường hợp này) có thể gây thủng khí quản,... Có thể tử vong nếu dị vật bít tắc đường thở.
ThS.BS Hà Thanh Bình khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hóc dị vật, dù là rất nhỏ, phụ huynh cần giữ bình tĩnh và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xử trí kịp thời. Việc tự ý can thiệp hoặc cố gắng lấy dị vật tại nhà có thể khiến đường thở của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Từ thực tế này, bác sĩ cũng lưu ý các bậc cha mẹ cần đặc biệt thận trọng trong chế độ ăn uống của trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn cá còn xương, dù là mảnh rất nhỏ, bởi hệ hô hấp và chức năng nhai nuốt ở độ tuổi này còn non nớt. Chỉ một mẩu xương nhỏ cũng có thể dễ dàng lọt vào đường thở, gây tắc nghẽn nguy hiểm.
Cha mẹ cần kiểm tra kỹ từng thớ thịt cá trước khi cho trẻ ăn, đặc biệt với trẻ nhỏ. Cần đảm bảo loại bỏ hoàn toàn xương, kể cả những mảnh xương dăm nhỏ nhất. Tốt nhất, nên ưu tiên chế biến các món cá đã được lọc xương kỹ lưỡng hoặc chọn những loại thực phẩm thay thế an toàn hơn cho trẻ.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa, khóc lóc hay bị phân tâm bởi các thiết bị điện tử. Hãy tạo môi trường ăn uống yên tĩnh, để trẻ tập trung vào việc ăn, từ đó hạn chế nguy cơ hóc nghẹn. Phụ huynh cũng cần quan sát kỹ trong suốt bữa ăn để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như ho sặc dữ dội, khó thở, thở rít, tím tái…
Đặc biệt, bố mẹ nên chủ động tìm hiểu và trang bị kỹ năng sơ cứu ban đầu như vỗ lưng, ấn bụng (thủ thuật Heimlich) để có thể xử lý kịp thời trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sơ cứu chỉ mang tính tạm thời, việc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng chuyên môn là điều hết sức cần thiết và không thể chậm trễ.
Theo báo Đồng Nai, chiều 21/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận ca bệnh viêm màng não mô cầu đầu tiên trong năm 2025 tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.
Ngày 16/4, nữ bệnh nhân N.T.L., (37 tuổi, là công nhân làm việc tại xưởng gỗ ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), sốt 39 độ C, đau đầu, buồn nôn, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết nghi do vi khuẩn não mô cầu và được lấy mẫu máu gửi Viện Pasteur TP.HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Đến nay, bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
Qua điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng cho thấy, bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu, không tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự hoặc người bệnh não mô cầu.
Bệnh nhân sống cùng chồng và hai con tại ấp Lộ Đức (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Hiện tại, những người trong gia đình, 17 người hàng xóm có tiếp xúc gần và 6 công nhân làm cùng xưởng gỗ với bệnh nhân chưa ghi nhận triệu chứng bất thường.
Trạm y tế xã Hố Nai 3 cũng đã lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để hướng dẫn điều trị bằng kháng sinh dự phòng.
Tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai
Bác sĩ CKI Hồ Thị Hoa - Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh.
Bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến màng não, hệ thần kinh trung ương và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường xảy ra đột ngột với hàng loạt triệu chứng như đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn và nôn, cổ cứng, có nốt ban màu đỏ, tím hoặc nâu sẫm.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, Trạm y tế xã Hố Nai 3 và UBND xã Hố Nai 3 đã tuyên truyền cho người dân quanh khu vực bệnh nhân sinh sống và làm việc các biện pháp phòng, chống bệnh viêm màng não mô cầu.
Trong đó, chủ động tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu; ăn uống đủ chất dinh dưỡng; nếu có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay; hạn chế việc tụ tập đông người, không tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở…