Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 21/4: Đang bế cháu, người đàn ông đột ngột choáng váng rồi hôn mê

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Đang bế cháu, người đàn ông đột ngột choáng váng rồi hôn mê; Mẹ hiến thận cứu con gái bị bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối… là tin tức đời sống mới nóng ngày 21/4.

Đang bế cháu, người đàn ông đột ngột choáng váng rồi hôn mê

Theo Thời báo VTV, khi đang bế cháu, ông T.Q.B. (65 tuổi, Long An) đột ngột choáng váng rồi rơi vào hôn mê. Ông được người nhà phát hiện, nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM, qua thăm khám nhanh, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có các dấu hiệu điển hình của một cơn đột quỵ. Ngay lập tức, ekip đơn vị Đột quỵ đã nhanh chóng triển khai các hoạt động cấp cứu, chỉ định chụp CT khẩn, kết quả ghi nhận bệnh nhân bị nhồi máu não cấp.

Nhận định đây là tình trạng đột quỵ cấp còn trong "thời gian vàng", các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và đưa ra chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) qua đường tĩnh mạch, giúp làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.

Sau khi tiêm thuốc, theo quy trình cấp cứu đột quỵ, bệnh nhân được chụp lại phim CT mạch máu não có thuốc cản quang thì phát hiện có tắc động mạch thân nền. Trước tình trạng nguy hiểm này, ekip bác sĩ đã tư vấn cho gia đình và khẩn cấp can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ nhằm tái thông mạch máu đang bị tắc nghẽn.

Ekip bác sĩ can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ nhằm tái thông mạch máu đang bị tắc nghẽn. Ảnh: Thời báo VTV

Ngay sau khi can thiệp, bệnh nhân đã có thể tiếp xúc được, giọng nói cải thiện và cử động được tay chân, các chức năng vận động, ngôn ngữ trở lại bình thường, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn và có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Đặc biệt là trong trường hợp này, thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến lúc tiêm thuốc tiêu sợi huyết chỉ mất khoảng 25 phút và đến khi can thiệp nội mạch chỉ mất khoảng 2 tiếng.

Đây là khoảng thời gian tương đối ngắn và ekip đã nỗ lực tận dụng khoảng thời gian vàng, tạo điều kiện tốt nhất cho việc cấp cứu bệnh nhân, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế tối đa di chứng sau đột quỵ cho người bệnh.

Theo bác sĩ CKI. Đỗ Lê Tín - Phó Trưởng Khoa Nội thần kinh, trường hợp bệnh nhân này có bệnh lý tăng huyết áp, tuy nhiên điều trị không thường xuyên, bệnh nhân đã từng mắc đột quỵ một lần và có thói quen hút thuốc lá lâu năm.

Do đó, để hạn chế nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra, người dân cần duy trì các thói quen sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, các chất kích thích, hạn chế rượu, bia và điều trị tốt các bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… đặc biệt ở người cao tuổi.

Mẹ hiến thận cứu con gái bị bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối

Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, cách đây 5 năm, người bệnh H.T.Y (SN 1994, cư trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) phát hiện bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần bằng AVF tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Bệnh nhân được mẹ đẻ (cư trú tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) tình nguyện hiến thận.

Ngay sau khi nhận được thông tin có cặp ghép cho - nhận cùng huyết thống, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, hội chẩn đa chuyên khoa, nội và ngoại viện với sự tham gia của các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của bệnh viện trong lĩnh vực lấy, ghép thận bao gồm các kíp: lấy thận, rửa thận, ghép thận, gây mê, hồi sức và được sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Các bác sĩ tiến hành ca ghép thận. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Ca phẫu thuật lấy và ghép thận kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ, bước đầu cho kết quả thành công. Hiện tại người mẹ (người hiến thận) và con gái (người nhận thận) đã hoàn toàn tỉnh, toàn trạng ổn định, thận ghép tiết nước tiểu tốt, các xét nghiệm chức năng thận đang cải thiện tốt.

Ca ghép thận lần thứ 7, cặp ghép mẹ – con thành công lại một lần nữa khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trong việc đưa kỹ thuật Ghép thận trở thành kỹ thuật thường quy thực hiện tại bệnh viện, góp phần mang lại hy vọng cho những người bị suy thận giai đoạn cuối.

Phẫu thuật lấy thai cho sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm nguy hiểm

Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa phẫu thuật lấy thai cho sản phụ 37 tuổi, thai 36 tuần 5 ngày, có tình trạng rau tiền đạo trung tâm, tiền sử dị ứng paracetamol.

Trước đó, khi thai nhi được 35 tuần 3 ngày, sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo. Sau khi thăm khám lâm sàng, sản phụ được chẩn đoán mắc bệnh lý rau tiền đạo trung tâm.

Dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, sản phụ được giữ thai đến 36 tuần 5 ngày để đảm bảo an toàn tối đa cho em bé.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 2,9 kg. Ảnh: Thời báo VTV

Với tiền sử dị ứng paracetamol, kèm theo bệnh lý rau tiền đạo trung tâm, ekip phẫu thuật đã dự trù máu, lên phương án thắt động mạch tử cung hai bên để kiểm soát băng huyết. Sau 2 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 2,9 kg, sản phụ được kiểm soát tốt tình trạng chảy máu nhờ phẫu thuật kịp thời.

Sau phẫu thuật, sản phụ được theo dõi, chăm sóc hậu phẫu sau mổ tại khoa Sản. Sau 5 ngày chăm sóc và điều trị tích cực, sức khỏe sản phụ và bé trai đã ổn định và đủ điều kiện được xuất viện.

Rau tiền đạo trung tâm là một trong những bệnh lý sản khoa nguy hiểm nhất, nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

Tình trạng các sản phụ bị rau tiền đạo gần đây có xu hướng tăng cao, thường xảy ra ở những phụ nữ mang thai có yếu tố nguy cơ như sinh con nhiều lần, nạo hút thai nhiều lần, đặc biệt là có sẹo mổ lấy thai cũ. Rau tiền đạo có thể được chẩn đoán sớm thông qua siêu âm.

Do vậy, nếu bị chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ, thai phụ cần đến các cơ sở y tế, chuyên khoa uy tín thăm khám để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh sản.

Tin nổi bật