Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 19/4: Cứu sống bé trai ngưng tim 4 lần trong một đêm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Cứu sống bé trai ngưng tim 4 lần trong một đêm; Bố mẹ đưa con vượt quãng đường gần 300km đến TP.HCM ghép gan… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 19/4.

Cứu sống bé trai ngưng tim 4 lần trong một đêm

Theo báo Đồng Nai, sau 12 ngày được các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị tích cực, chăm sóc tận tình, đến ngày 18/4, bé trai L.A.K. (4 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc được.

Bác sĩ CKI Ngô Thái Bình ở khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh nhi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng suy hô hấp tuần hoàn: sốc, tím tái, chân tay lạnh, huyết áp tụt. Một lúc sau thì bệnh nhân bị ngưng tim.

Kết quả siêu âm tim tại khoa Cấp cứu cho thấy chức năng tim của bệnh nhi đã bị suy giảm nghiêm trọng, chức năng co bóp rất kém. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp. Đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm, có khả năng tử vong cao và không thể chuyển lên tuyến trên vì tình trạng bệnh quá nặng.

Bệnh nhi hiện tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không để lại di chứng, đang được tiếp tục hỗ trợ thở oxy. Ảnh: Báo Đồng Nai

Bệnh nhi được đặt ống nội khí quản để ổn định hô hấp, sử dụng thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp và chuyển khẩn đến khoa Hồi sức tích cực - chống độc để được tiếp tục can thiệp như: thở máy, truyền kháng sinh, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter động mạch để thăm dò huyết động, truyền thuốc đặc hiệu, lọc máu.

Theo bác sĩ Ngô Thái Bình, tình trạng bệnh nhi những ngày đầu rất nặng, tưởng chừng không thể qua khỏi vì ngay trong đêm đầu nhập viện, bệnh nhi có đến 4 lần bị ngưng tim.

Bệnh nhi đã được sử dụng thuốc vận mạch liều cao nhưng huyết áp vẫn chưa nâng lên được đến mức mong muốn, chức năng tim còn suy giảm nhiều, các cơ quan khác như gan, thận bị tổn thương nhiều.

Sau 3 ngày được lọc máu, chức năng tim của bệnh nhi đã cải thiện dần, tình trạng tổn thương của các cơ quan khác chuyển biến tốt, giảm được liều các thuốc vận mạch. Bệnh nhi sau đó được cai máy thở và điều trị tích cực.

Hiện bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không để lại di chứng, đang được tiếp tục hỗ trợ thở oxy. Dự kiến, bệnh nhi sẽ được xuất viện trong 3 - 4 ngày tới.

Bố mẹ đưa con vượt quãng đường gần 300km đến TP.HCM ghép gan

Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 18/4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã cung cấp thông tin về ca ghép gan từ người chết não đầu tiên tại bệnh viện, cứu bé gái N.T.N (21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) bị suy gan giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó Khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan Bệnh viện Nhi Đồng 2, trước đó, chiều 6/4, bệnh viện nhận được thông báo khẩn từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến - ghép bộ phận cơ thể người.

Người hiến là bệnh nhân nam 50 tuổi, bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, được xác định chết não tại Bệnh viện Quân y 175. Theo nguyện vọng gia đình, các bộ phận trên cơ thể ông được hiến tặng, trong đó có một phần gan trái dự kiến dành cho bệnh nhi.

Ngay lập tức, hội đồng chuyên môn ghép gan của Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiến hành hội chẩn và xác định người nhận phù hợp là bé N. Bệnh nhi mắc xơ gan từ lúc mới vài tháng tuổi do ứ mật tiến triển trong gan vì di truyền, tiên lượng gan không hồi phục mà nặng dần.

Sau đó, 18h ngày 8/4, ca ghép gan từ người chết não đầu tiên cho bệnh nhi được bắt đầu. Ca phẫu thuật thành công và kéo dài 8 giờ. 3 ngày sau ghép, bệnh nhi có sinh hiệu ổn và tiếp tục được theo dõi. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.

Các bác sĩ tiến hành ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: Người Lao Động

Sau khi con gái được ghép gan thành công, chị T. (mẹ bệnh nhi) không giấu được niềm vui. "Tôi xin cảm ơn tấm lòng của gia đình anh N.T.T - người hiến, đã có nghĩa cử cao đẹp giúp con tôi được sống tiếp", chị T. xúc động bày tỏ.

Chị T. cho biết bé N. được phát hiện vàng da sau sinh. Ban đầu, gia đình nghĩ con bị vàng da sinh lý cho đến khi tình trạng càng ngày càng nặng. Khi được 2 tháng, mắt bé vàng nhiều hơn nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Tại đây, bé được kiểm tra, kết quả là mắc bệnh lý về gan mật, không thể điều trị bằng thuốc.

Sau khi được thông báo về tình trạng bệnh của con, gia đình chị T. đã đối mặt với nhiều lo lắng, bởi chỉ có thể ghép gan bé mới duy trì sự sống. Trong khi đó, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình chưa có ý định ghép gan cho con.

Khi bé N. được 7 tháng tuổi, tình trạng ngày càng xấu nên gia đình đã quyết định làm xét nghiệm ghép gan từ người nhà, song kết quả cho thấy người cha không đủ điều kiện vì mỡ trong máu cao.

"Tôi cứ ngỡ sự sống của con sẽ dừng lại. Nhưng ngay gần lễ giỗ Tổ Hùng Vương, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 gọi điện thông báo có một gan từ người hiến chết não phù hợp với bé.

Tôi rất mừng nhưng cũng lo lắng vì điều kiện tài chính. 2 vợ chồng cũng chỉ có vài triệu, để tiết kiệm nên chúng tôi đi xe máy từ Đắk Nông đến TP.HCM. Vượt quãng đường gần 300 km, chúng tôi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc gần 3h sáng để con kịp phẫu thuật", chị T. kể.

Trong suốt hành trình, chị T. luôn cầu nguyện và hy vọng con mình sẽ có cơ hội sống. Cho đến khi gặp được con sau vài ngày, nhìn thấy mẹ, bé khóc nức nở. "Lúc đó, tôi rất xúc động, cũng chỉ biết khóc trong hạnh phúc vì biết rằng con mình đã vượt qua được cửa tử", chị bày tỏ.

Bé gái 5 tuổi mắc viêm não hiếm gặp do virus cúm gia cầm H5N1

Theo TTXVN, chiều 18/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận một trường hợp bé gái L.B.A (5 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được chẩn đoán viêm não do nhiễm cúm gia cầm H5N1. Đây là trường hợp hiếm gặp bởi thông thường, virus cúm gia cầm H5N1 thường tấn công vào hệ hô hấp của con người.

Bệnh nhi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 13/4, với chẩn đoán viêm não, viêm màng não.

Trước đó hai ngày, bé gái khởi phát sốt, đau đầu, nôn ói nhiều lần và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trong tình trạng ngủ gà, nói lẫn, cổ gượng nhẹ và được chẩn đoán theo dõi viêm não. 

Ngay sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lấy mẫu bệnh phẩm dịch não tủy và hô hấp gửi khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ngày 17/4, kết quả xét nghiệm PCR dịch não tủy dương tính với cúm A/H5, xét nghiệm PCR bệnh phẩm hô hấp âm tính với cúm.

Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục gửi mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM để xác định lại chẩn đoán. Đến ngày 18/4, Viện Pasteur TP.HCM khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 trên mẫu dịch não tủy, âm tính virus cúm trên mẫu ngoáy mũi họng.

Bệnh nhi từng tiếp xúc với gà chết hàng loạt tại nhà bà ngoại. Ảnh minh họa

Bệnh nhi tiếp tục được cách ly điều trị tại khoa Hồi sức Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng thở đều theo máy thở, mở mắt tự nhiên, sốt, sinh hiệu tạm ổn định.

Ngay khi có kết quả xét nghiệm sơ bộ, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh điều tra dịch tễ học và xử lý ổ dịch theo quy định.

Thông tin ban đầu ghi nhận, bệnh nhi có tiếp xúc với gà chết hàng loạt tại nhà bà ngoại cách đây 2 tuần. Bệnh nhi cũng có có tiền sử tim bẩm sinh (thông liên thất) đã mổ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 lúc 2 tháng tuổi. 

Theo nhận định của các chuyên gia truyền nhiễm, đây là trường hợp hiếm gặp, trong đó virus cúm gia cầm A/H5N1 gây tổn thương hệ thần kinh trung ương và không tấn công vào đường hô hấp.

Thông thường, virus cúm gia cầm A/H5N1 gây dịch bệnh trên các gia cầm và thủy cầm, con người bị nhiễm virus khi tiếp xúc gần với gia cầm nhiễm bệnh chết. Biểu hiện chính khi nhiễm cúm gia cầm là viêm phổi rất nặng (hội chứng nguy ngập hô hấp cấp ARDS) với tỷ lệ tử vong lên đến trên 50%.

Trường hợp viêm não do cúm H5N1 đã từng được ghi nhận trong y văn thế giới. Tại Đồng Tháp, trong đợt bùng phát bệnh cúm gia cầm H5N1 trên người năm 2004, nhóm chuyên gia Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (Anh) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã từng phát hiện virus cúm A/H5N1 trong dịch não tủy của 2 trẻ có triệu chứng tiêu chảy nặng, co giật hôn mê rồi tử vong, không có biểu hiện bệnh ở đường hô hấp. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine năm 2005.

Sở Y tế TP.HCM đã có công văn báo cáo Bộ Y tế, đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 tích cực điều trị cho bệnh nhi, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống lây nhiễm và tiếp tục phối hợp với các chuyên gia truyền nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố và Đại học Oxford nghiên cứu sâu tìm hiểu về trường hợp đặc biệt này.

Tin nổi bật