Theo Thời báo VTV, H.H.S (25 tuổi) phải trải qua quãng thời gian dài nằm liệt giường vì lao cột sống - một bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
ThS.BS Trần Vũ Hoàng Dương - Trưởng Khoa Sọ não cột sống 2, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM chia sẻ, bệnh nhân được chẩn đoán bị hủy đốt sống L2-L3, gây chèn ép ống sống và mất vững cột sống. Tuy chưa gây chèn ép thần kinh, nhưng tình trạng đau lưng nặng và nguy cơ tiến triển buộc các bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật.
Ekip đã tiến hành bắt vít cố định từ đốt sống ngực D10 đến xương cùng S1, đồng thời cắt bỏ hai đốt sống bị tổn thương và thay thế bằng lồng xương nhân tạo để phục hồi trục cột sống.
"Phẫu thuật lao cột sống là một trong những ca mổ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự phối hợp đồng bộ giữa các bác sĩ ngoại khoa, gây mê và đội ngũ hậu phẫu. Lao có thể lan rộng và ăn sâu vào các mô xung quanh, dễ gây chảy máu và ảnh hưởng đến thần kinh, mạch máu quan trọng", bác sĩ Dương cho hay.
Bệnh nhân đang tiếp tục điều trị kháng lao và phục hồi chức năng theo đúng phác đồ. Ảnh: Thời báo VTV
Chỉ sau 4 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể tự đi lại và vận động nhẹ nhàng. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục điều trị kháng lao và phục hồi chức năng theo đúng phác đồ.
Bác sĩ Dương cũng nhấn mạnh, lao cột sống là một dạng lao ngoài phổi, gây tổn thương đốt sống, áp xe, gù cột sống và có thể dẫn tới liệt nếu chậm trễ điều trị. Lao cột sống có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ.
Người dân cần cảnh giác với những dấu hiệu như đau lưng kéo dài, yếu tay chân, gù cột sống… và đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 23/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, vừa cấp cứu, điều trị một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng do dị vật gây ra.
Trước đó, chị C.T.K. (SN 1977, trú tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có tiền sử thay van tim nhân tạo, bị xuất huyết tiêu hóa nhiều lần trong thời gian dài. Chị K. thăm khám tại nhiều cơ sở y nhưng chưa tìm được nguyên nhân.
Chị K. đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, phát hiện 2 dị vật kim loại trong lòng ruột non ở hố chậu trái và phải. Đây được xác định là tác nhân gây chảy máu đường tiêu hóa.
Kết quả kiểm tra lâm sàng và các xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân gặp tình trạng sốc mất máu nên được chỉ định mổ cấp cứu.
Với tình trạng xuất huyết kéo dài, sốc mất máu nếu không nhanh chóng thực hiện phẫu thuật loại bỏ dị vật, xử lý vết thương bệnh nhân có thể gặp các biến chứng, nguy hiểm hơn là nguy cơ tử vong.
Quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên không xác định được vị trí dị vật. Nhận được yêu cầu hỗ trợ, ekip nội soi của bệnh viện nhanh chóng cử nhân lực cùng trang thiết bị vào phòng mổ.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền ở khoa Thăm dò chức năng – Nội soi, lần nội soi này đặc biệt bởi vì nó được thực hiện trong ca phẫu thuật mở vùng bùng. Ruột non dài, có nhiều máu đông do xuất huyết nên việc xác định vị trí của dị vật nhỏ không dễ dàng.
Các y bác sĩ phối hợp thực hiện thăm dò và tìm được vị trí, loại bỏ dị vật là 2 mảnh kim loại dài khoảng 1cm, đường kính 1 - 2mm, có đầu nhọn găm sâu vào thành ruột non và xử lý vết thương. Sau phẫu thuật tình trạng bệnh nhân ổn định, đang điều trị phục hồi tại bệnh viện.
Theo VOV, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc hạ huyết áp có biểu hiện choáng nặng, suy đa tạng bằng kỹ thuật ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể).
Cụ thể, bệnh nhân nữ L.H.T.L. (46 tuổi, ở TP.Cần Thơ) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 22h59 ngày 30/3 với tình trạng mạch nhanh, huyết áp thấp.
Gia đình bệnh nhân cho biết, bà L. có tiền sử tăng huyết áp được chỉ định uống thuốc hàng ngày. Cách 24 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đã uống cùng lúc khoảng 140 viên thuốc Amlodipine 5mg (thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế kênh canxi), sau đó bệnh nhân chóng mặt nhiều, nôn ói được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang và được hồi sức tích cực. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần can thiệp chuyên khoa sâu về lĩnh vực hồi sức tích cực nên chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng huyết áp thấp, phải sử dụng vận mạch liều cao, toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng. Bệnh nhân được điều trị tích cực theo phác đồ chuyên sâu và lọc máu liên tục nhằm thăng bằng kiềm toan và ổn định huyết động.
Bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các xét nghiệm trở về giá trị bình thường, ra viện ngày 23/4. Ảnh: VOV
Dù được can thiệp kịp thời, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục diễn tiến nặng, xuất hiện suy hô hấp, rối loạn tri giác, có chỉ định đặt nội khí quản thở máy. Huyết áp tiếp tục giảm dù đã phối hợp thuốc liều vận mạch liều cao. Trước tình trạng sốc kháng trị, tiên lượng tử vong, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO, được xem là biện pháp hồi sức cuối cùng cứu sống bệnh nhân.
Đến ngày thứ 6 thực hiện kỹ thuật ECMO, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Ngoài thực hiện kỹ thuật ECMO, bệnh còn được thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền đạm, dinh dưỡng…
Ngày thứ 8, các chỉ số cận lâm sàng cùng tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân có chỉ định ngừng ECMO và tiếp tục quá trình hồi sức tích cực.
Ngày 17/4, bệnh nhân đã tỉnh táo, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chỉ định cai máy thở, rút nội khí quản và chuyển về khoa Nội Hô hấp để tiếp tục theo dõi, điều trị và chăm sóc. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các xét nghiệm trở về giá trị bình thường, ra viện ngày 23/4.