Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 30/4: Giành lại sự sống cho người phụ nữ nguy kịch sau tai nạn giao thông

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Giành lại sự sống cho người phụ nữ nguy kịch sau tai nạn giao thông; Phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u máu “khủng”… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 30/4.

Giành lại sự sống cho người phụ nữ nguy kịch sau tai nạn giao thông

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, chị N.T.Q. (47 tuổi, ở Hà Nội) gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng và được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Cơ thể chị Q. mất nhiều máu, huyết áp tụt xuống 75 mmHg, mạch nhanh, người vật vã, vã mồ hôi. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sốc giảm thể tích, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ xác định đây là ca phẫu thuật khẩn cấp, phải tiến hành ngay lập tức, không chờ kết quả xét nghiệm hay hồi sức ổn định. Chậm trễ có thể khiến bệnh nhân mất chân hoặc thậm chí tử vong. Ca mổ do bác sĩ Hoàng Mạnh Hà - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình và Thần kinh cột sống (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trực tiếp chỉ đạo.

Ngay khi vào phòng mổ, chị Q. được truyền 5 đơn vị máu (2 lít) để bù lại lượng máu đã mất. Ca phẫu thuật diễn ra đồng thời. Trong 5 ngày đầu, chị được truyền gần 4 lít máu, tương đương toàn bộ lượng máu trong cơ thể người trưởng thành.

Các bác sĩ buộc phải hồi sức và mổ cùng lúc. Nếu máu tiếp tục chảy mà không cầm được, việc truyền máu sẽ vô ích. Ngược lại, nếu mô không được nuôi dưỡng kịp thời, sẽ dẫn đến hoại tử, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Hình ảnh trong phòng mổ cho thấy chân trái chị Q. bị tổn thương rất nghiêm trọng: hơn 90% phần mềm bị dập nát, bao gồm toàn bộ cơ cẳng chân và mặt trong đùi. Da bị lóc hoàn toàn từ đùi xuống gan bàn chân, tách rời khỏi lớp cơ.

Ngoài ra, nhiều gân quan trọng như gân Achilles, gân duỗi ngón cái, gân duỗi các ngón bị đứt hoặc bong khỏi cơ. Các khối cơ lớn ở đùi và cẳng chân bị dập nát nhiều. Xương cổ chân gãy cả hai bên, làm khớp mất vững. Các mạch máu nhỏ gần như đứt hết, may mắn là các mạch máu lớn không bị tổn thương. Đây là yếu tố quan trọng nhất để có thể giữ lại chân cho chị.

Các bác sĩ phẫu thuật cho người phụ nữ. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trong ca mổ, các bác sĩ cùng lúc thực hiện nhiều thao tác: cầm máu các mạch nhỏ, làm sạch mô dập nát, xử lý phần da bị lóc, nối lại các gân quan trọng và cố định tạm thời hai xương gãy. Tất cả các thao tác đều được thực hiện nhanh chóng và chính xác.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, chị Q. đã tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định, chân hồng ấm trở lại và không có dấu hiệu hoại tử lan rộng. Các gân nối hoạt động tốt, riêng gân Achilles sẽ được xử lý trong lần mổ sau. Phần da bị lóc có khả năng phục hồi tốt và có thể giữ được mà không cần ghép da diện rộng như dự kiến.

Sắp tới, chị Q. sẽ tiếp tục được theo dõi phục hồi phần mềm, sau đó sẽ đến giai đoạn chỉnh hình xương khớp và tập phục hồi chức năng. Hành trình giành lại sự sống cho đôi chân vẫn còn dài nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời và chính xác của các bác sĩ, hy vọng đã được thắp lên từ những giờ phút tưởng chừng tuyệt vọng nhất.

Cứu cụ ông bị tắc động mạch chậu thoát khỏi nguy cơ cắt cụt chi

Theo Thời báo VTV, bác sĩ CKII Hoàng Minh Quang – Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) chia sẻ, tắc hẹp động mạch chậu là tình trạng lòng động mạch bị chít hẹp hoặc tắc hoàn toàn, khiến máu không thể lưu thông đến chân. Tình trạng này gây đau, tê bì, loét ngón và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi.

Nam bệnh nhân 70 tuổi nhập viện trong tình trạng đau nhức, tê bì hai chân kéo dài gần hai tháng, đặc biệt đau nhiều khi vận động. Siêu âm và chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cho thấy động mạch chậu ngoài bên trái bị hẹp tới 90%.

Nhận định đây là ca bệnh nặng, phức tạp do xơ vữa động mạch gây chít hẹp nghiêm trọng, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thực hiện can thiệp nong bóng, đặt stent tái thông dòng chảy.

Ca can thiệp diễn ra trong hơn một giờ, sức khỏe bệnh nhân ổn định sau thủ thuật. Hậu can thiệp, bệnh nhân hết đau và tê bì chân trái, các vị trí hẹp được tái thông hoàn toàn.

Đặt stent động mạch chi dưới là kỹ thuật hiện đại, giúp ngăn chặn nguy cơ cắt cụt chi, đặc biệt ở người cao tuổi có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa tắc động mạch chi dưới, người dân - nhất là người cao tuổi cần kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu và thăm khám định kỳ nếu có biểu hiện tê bì, đau nhức chân khi đi lại.

Phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u máu “khủng”

Theo TTXVN, ngày 29/4, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các y, bác sĩ tại bệnh viện đã phẫu thuật thành công một khối u máu “khổng lồ” vùng má phải cho bệnh nhân L.T.Đ (67 tuổi, trú tại Phú Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình).

Trước đó, ngày 10/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chảy máu từ khối u vùng má phải. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân mắc u máu bẩm sinh ở vùng má thái dương phải từ năm 13 tuổi và đã từng điều trị bằng tiêm xơ và nhiều lần nút mạch nhưng khối u vẫn phát triển nhanh, gây hoại tử, chảy máu nặng.

Qua chẩn đoán hình ảnh và hội chẩn toàn viện với sự tham gia của nhiều chuyên khoa (Ung bướu, Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Ngoại thần kinh, Ngoại lồng ngực - mạch máu…), các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới xác định bệnh nhân có khối u AVM não - đầu mặt phải kích thước 15x9 cm, thâm nhiễm viêm rộng, chèn ép và bào mòn nhiều cấu trúc xương vùng mặt.

Bệnh nhân hiện đã hồi phục tốt, đi lại và sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: TTXVN

Trước tiên lượng nặng và nguy cơ mất máu cao, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu với ba thì: thắt mạch máu, cắt khối u và tạo hình vùng tổn thương. Cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ, sử dụng 49 đơn vị máu trước, trong và sau mổ. Hiện, bệnh nhân đã hồi phục tốt, đi lại và sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, trường hợp của bệnh nhân này rất đặc biệt và hiếm có cũng cực kỳ khó, tiên lượng rất nặng và bệnh nhân cũng từng đi rất nhiều bệnh viện tuyến lớn nhưng chưa chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân đã giải phóng được khối u, không còn nguy cơ vỡ khối u và tử vong.

Ca phẫu thuật không chỉ đánh dấu thành công về mặt chuyên môn mà còn thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, trình độ cao của tập thể y bác sĩ của bệnh viện.

Tin nổi bật