Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 1/5: Gần 100 ngày nỗ lực cứu bé trai sinh non ở Đồng Nai

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Gần 100 ngày nỗ lực cứu bé trai sinh non ở Đồng Nai; Đu võng đập bụng vào thành giường, bé gái bị chấn thương lách… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 1/5.

Gần 100 ngày nỗ lực cứu bé trai sinh non ở Đồng Nai

Báo Đồng Nai đưa tin, sau gần 100 ngày ròng rã được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tập trung cứu chữa, đến ngày 30/4, con trai chị S.T.D. (tạm trú tại xã Bình An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), bị uốn ván rốn nghiêm trọng, đã bình phục tốt.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thanh - Phụ trách khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, bé trai sinh non khi mới được 7 tháng tuổi thai, nặng chỉ 1,6kg. Bé được sinh tại nhà, người nhà lấy chiếc kéo để cắt rốn nên 4 ngày sau sinh, bé không bú mẹ, cứng cơ hàm, sốt cao.

Sau hơn 3 tháng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại bệnh viện, bé trai đã tăng thêm 2,4kg, lên hơn 4kg. Ảnh: Báo Đồng Nai

Ngày 22/1, gia đình đưa bé trai nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt, cứng cơ hàm, khóc nhỏ, thở yếu, thở khó, vàng da. Qua thăm khám và tìm hiểu dịch tễ, bác sĩ chẩn đoán bé bị uốn ván rốn. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%.

Ngay lập tức, bệnh nhi được cho thở máy, dùng thuốc giãn cơ, thuốc an thần chống co giật, nuôi ăn tĩnh mạch. Sau một tuần, tình trạng của bé tạm ổn định, bé được ăn sữa qua ống xông dạ dày. Sau 75 ngày thở máy, bé được cai máy thở, được chuyển qua thở cypap, thở oxy.

Do phải nằm viện và thở máy lâu nên bệnh nhi có biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết, loét vùng chẫm. Đến ngày 30/4, bé trai đã tự thở, bú tốt, ngưng sử dụng các loại thuốc, tình trạng cứng cơ đã giảm được 90%. Sau hơn 3 tháng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại bệnh viện, bé trai đã tăng thêm 2,4kg, lên hơn 4kg.

Bác sĩ Thanh cho biết, đây là ca bệnh sinh non tháng nhất, nhẹ ký nhất, bệnh nặng nhất và nằm viện lâu nhất. Bác sĩ Thanh cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ, chích ngừa vaccine uốn ván. Đến khi sinh nở, nên đến bệnh viện, các cơ sở y tế để sinh đẻ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho cả mẹ và bé.

Nếu sinh rớt tại nhà cũng nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Việc cắt rốn trẻ sơ sinh không thể thực hiện tùy tiện, phải có bộ dụng cụ cắt rốn chuyên dụng, đảm bảo vô khuẩn.

Đu võng đập bụng vào thành giường, bé gái bị chấn thương lách

Theo báo Dân Trí, ngày 30/4, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về hai trường hợp bị chấn thương lách do tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông. Trường hợp đầu tiên là bé gái 11 tuổi (ở Hà Nội) bị chấn thương lách sau tai nạn sinh hoạt.

Trước đó, khi đang đu võng cùng các em trong gia đình, bệnh nhi không may đập mạnh bụng vào thành giường. Sau cú va chạm, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng đau bụng và da tái nhợt. Bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Trường hợp thứ hai là bé trai 9 tuổi (ở Hà Nội), bị chấn thương lách sau tai nạn giao thông. Mẹ bệnh nhi cho biết, chị đang chở ba con nhỏ trên xe máy từ trường về nhà thì xảy ra va chạm với một ô tô đi cùng chiều, khiến bé trai ngồi phía trước bị đập bụng mạnh vào xe máy và nền đường.

Ngay sau đó, bệnh nhi cũng xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, da nhợt nhạt. Bệnh nhi được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

ThS.BS Nguyễn Minh Khôi - khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Ngoại Tổng hợp. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm nhập viện, cả hai trẻ đều có dấu hiệu của chấn thương bụng kín tại vị trí tổn thương ở mạn sườn bên trái, đau bụng, màu sắc da nhợt nhạt.

Dù các chỉ số sinh tồn của hai trẻ đều trong giới hạn bình thường, tuy nhiên, trên hình ảnh siêu âm cho thấy có nhiều dịch tự do ổ bụng. Kết quả chụp CT ổ bụng xác định bé gái bị chấn thương lách độ II, bé trai chấn thương lách độ III.

"Rất may mắn trẻ không có thêm biến chứng, sau hội chẩn chúng tôi thống nhất điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) cho hai trẻ. Hiện, tình trạng sức khỏe của hai trẻ ổn định, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới", bác sĩ điều trị cho biết.

ThS.BS Nguyễn Minh Khôi ở khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, lách là cơ quan chứa nhiều máu, nằm dưới cơ hoành bên trái, có mật độ mềm và dễ tổn thương khi chịu ngoại lực.

Ở trẻ em, do thành bụng còn mỏng, cơ bụng chưa phát triển đầy đủ, các tạng như gan, lách lại nằm nông nên nguy cơ bị tổn thương tạng đặc khi xảy ra va chạm rất cao.

Trung tâm Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tiếp nhận khoảng 25-30 trường hợp trẻ bị chấn thương lách.

Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh lý nền như lách to ứ máu (ví dụ bệnh nhân mắc hemophilia, thalassemia...), nguy cơ vỡ lách do sang chấn càng cao hơn.

Trong số các ca nhập viện, nhiều trường hợp chấn thương lách đã được điều trị thành công bằng phương pháp bảo tồn, giúp trẻ phục hồi mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Điều trị thành công ca viêm màng não mô cầu đầu tiên tại Đồng Nai năm 2025

Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã điều trị thành công ca viêm màng não mô cầu đầu tiên tại Đồng Nai năm 2025. Bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.

Cụ thể, theo Bệnh viện Đa khoa Thống nhất, sau hơn 10 ngày chăm sóc và điều trị tích cực, nữ bệnh nhân N.T.L. (37 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị viêm màng não mô cầu đã bình phục tốt và được xuất viện.

Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe trước khi xuất viện. Ảnh: CDC Đồng Nai

Trước đó, ngày 16/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, đau đầu, buồn nôn, môi khô, lưỡi bẩn và mệt nhiều. Tiền sử bệnh nhân có viêm gan B mạn tính và đái tháo đường, chưa từng tiêm vaccine phòng não mô cầu. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn não mô cầu nhóm B.

Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, tiến triển nhanh chóng, gây tổn thương nghiêm trọng đến màng não và hệ thần kinh trung ương, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, buồn nôn, cổ cứng, xuất hiện nốt ban đỏ, tím hoặc nâu sẫm.

Bệnh nhân L. là ca viêm màng não mô cầu đầu tiên ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai trong năm 2025.

Tin nổi bật