Taliban từng nổi lên là một phe trong cuộc nội chiến Afghanistan năm 1994 và giành quyền kiểm soát phần lớn đất nước vào năm 1996. Từ đó đến nay, đã 25 năm trôi qua, nhiều chuyện xảy ra bao gồm sự can thiệp của quân đội Mỹ và phương Tây vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban năm 2001 và cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm của nhóm vũ trang để giành lại quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8 vừa qua. Theo đó, Taliban 2.0 được cho là đã có nhiều thay đổi với 25 năm trước đây.
Giàu có và nắm giữ địa vị vững vàng hơn
Taliban của năm 2021 được đánh giá là có năng lực tài chính mạnh mẽ hơn nhiều so với khi lực lượng này nổi lên như một phe nhóm chiến đấu trong cuộc nội chiến Afghanistan vào năm 1994. Bên cạnh đó, hiện nay, Taliban đã cai trị toàn bộ Afghanistan chứ không phải phần lớn lãnh thổ đất nước như trong những năm 1990. Nhóm vũ trang này đã duy trì sự hiện diện tài chính của mình sâu rộng ở Afghanistan và được hưởng một số thắng lợi kinh tế, có thể tài trợ cho các hoạt động của nhóm trong tương lai.
Taliban đã theo đuổi cuộc chiến tại Afghanistan kể từ khi lực lượng này bị lật đổ vào năm 2001 với một mạng lưới tài chính phức tạp và hệ thống thuế để duy trì hoạt động, trong đó, việc chiếm giữ các đồn biên phòng quan trọng gần đây của Afghanistan đã giúp nhóm vũ trang đã thu về hàng triệu USD.
Taliban của năm 2021 có nguồn tài chính vững vàng hơn so với 25 năm trước. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, Afghanistan là một trong những đất nước giàu tài nguyên, trong đó, nhiều điểm khai thác khoáng sản nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Nhờ vậy, Taliban đã thông qua việc thu thuế khai thác để gia tăng nguồn tài chính của mình.
Ngoài ra, các hoạt động buôn bán, sản xuất và đánh thuế buôn bán ma tuý được xem là một trong những hoạt động mang về cho Taliban nhiều tiền nhất. Đồng thời, nhóm này còn nhận được nhiều khoản viện trợ đến từ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo người dẫn chương trình của hãng tin Sky News Ian King, Afghanistan hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và một số chính sách của Taliban (bao gồm ngăn cản phụ nữ bước làm việc), có thể sẽ chỉ khiến tình hình kinh tế của nước này trở nên tồi tệ hơn.
Tìm kiếm sự công nhận của quốc tế
Nền kinh tế của Afghanistan đang giảm sút so với thế giới do đó Taliban sẽ cần phải chú ý đến việc duy trì những chiến thắng đã đạt được kể từ năm 2001 mà chính phủ Afghanistan được hưởng từ sự hỗ trợ của quốc tế và sự ra đời của hiến pháp tự do hóa mới vào năm 2004.
Một liên minh hỗ trợ quốc tế đã giúp đỡ đất nước này phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng lại hệ thống giáo dục, cho phép hàng triệu trẻ em gái đến trường và phụ nữ trẻ tham gia các trường đại học.
Theo đó, Taliban vẫn muốn duy trì các khoản viện trợ từ phương Tây và các dịch vụ phi chính phủ quan trọng để tránh gây ra nỗi sợ hãi ở quê nhà. Một trong những điều kiện đảm bảo việc này là Taliban phải nhận được sự chấp thuận từ quốc tế.
Một tay súng Taliban đứng trên đường tại thành phố Ghazni của Afghanistan ngày 14/8. Ảnh: Reuters
Chuyên gia Raffaello Pantucci đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) chỉ ra Taliban đã nhận thấy tầm quan trọng của việc được quốc tế chấp thuận, bởi vậy ngay từ đầu, họ đã có cách tiếp cận mềm mỏng, khôn khéo hơn .Ông Pantucci phân tích: "Họ là một nhóm thông minh, họ sẽ nhận ra rằng họ muốn được quốc tế công nhận và họ sẽ phải đưa ra cam kết gì đó".
Tuy nhiên, phóng viên Alistair Bunkall của Sky News tại Trung Đông nhận định phương Tây hiện vẫn hoài nghi về những cam kết của Taliban và kỳ vọng lớn nhất của nhóm này chỉ là một sự chấp nhận miễn cưỡng đến từ Washington và London. Sự công nhận của nước ngoài đối với Taliban cũng có khả năng đến từ nhưng nơi khác, với việc Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng làm việc với chính phủ mới của Afghanistan và Nga cũng có thể đưa ra động thái tương tại.
Quyền con người
Cộng đồng quốc tế hiện đang theo sát tình hình và sự thể hiện của Taliban về vấn đề quyền con người, bao gồm cả cách họ đối xử với nhóm người thiểu số ở Afghanistan. Được biết, Taliban vốn là phong trào tập trung chủ yếu những người Pashtun, trong khi Afghanistan là một quốc gia có nhiều nhóm sắc tộc.
Trong những năm 1990, nhiều nhóm người đã bị đàn áp, thậm chí bị sát hại dưới tay Taliban, đặc biệt là người Shiite Hazaras và người Uzbek. Tuy nhiên, hồi năm 2020, một vài báo cáo cho biết Taliban đang nỗ lực thay đổi hình ảnh của mình bằng cách chiêu mộ thêm một thủ lĩnh từ cộng đồng Hazara.
Ông Pantucci phân tích: "Trong hơn 20 năm, chính phủ đã cố gắng cai trị, cho mọi người cơ hội bình đẳng. Suốt hơn 20 năm qua, chúng ta đã có một thế hệ người Afghanistan đưa các cơ hội bình đẳng này lên bàn đàm phán, và đó là điều khác biệt giữa hiện tại và thời điểm những năm 1990".
Quyền phụ nữ
Khi Taliban lên nắm quyền vào năm 1996, phụ nữ bị trục xuất khỏi lực lượng lao động, tất cả các cơ sở giáo dục, và buộc phải đeo burqa - loại khăn của Hồi giáo, che mặt và cơ thể. Phụ nữ cũng không được phép ra khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng và việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị hạn chế nghiêm trọng. Không những thế, những người phụ nữ còn bị xỉa xói, ném đá, đánh đập và thường xuyên bị giết vì vi phạm quy định dưới sự cai trị của Taliban những năm 1990.
Trong khi đó, các tuyên bố gần đây của Taliban về quyền phụ nữ cho thấy họ muốn chứng minh các nhà lãnh đạo của mình đã sẵn sàng thực hiện một số thay đổi, ít nhất là ở bên ngoài. Cụ thể, ngày 15/8, người phát ngôn của Taliban, ông Suhail Shaheen đã chia sẻ với BBC: "Các cô gái đang tiếp tục việc học của mình. Họ đang được đi học. Chính sách của chúng tôi cho phép phụ nữ tiếp cận giáo dục và đi làm, tất nhiên họ sẽ sử dụng khăn trùm đầu hijab khi ra ngoài".
Bất chấp những lời hứa hẹn, nhiều phụ nữ tại Afghanistan vẫn đang sống trong lo sợ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát. Ảnh: Sky News
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều báo cáo cho biết những người phụ nữ tại Afghanistan đã được đưa trở về nhà từ nơi học, làm việc sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul. Bên cạnh đó, nhiều hãng truyền thông cũng chia sẻ hình ảnh đường phố Kabul sau ngày 15/8 không có bóng dáng phụ nữ khiến thế giới hoài nghi về những lời hứa của nhóm này.
Taliban được điều khiển bởi một nhóm các tín ngưỡng chính thống và tôn giáo cực đoan, gắn liền với sự tàn bạo và áp bức. Với việc giành được quyền lực tuyệt đối ở Afghanistan, nhóm này đã nói đến một "chương mới của hòa bình" và những cải cách để giải quyết "bất bình" đối với người dân Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban trong hiện tại. Nhưng những đặc tính của Taliban cách đây 25 năm sẽ vẫn là nền tảng đối với tương lai gần của Afghanistan.
Minh Hạnh (Theo Sky News)