Vào cuối năm 2023, cộng đồng khoa học toàn cầu đã đón nhận một tin tức chấn động: loài thú lông nhím mỏ dài Attenborough, một trong những sinh vật quý hiếm bậc nhất hành tinh và từng bị coi là đã tuyệt chủng, đã được tìm thấy trở lại.
Người đưa tin dẫn thông tin từ tờ Reuters cho hay, khám phá ngoạn mục này diễn ra tại dãy núi Cyclops hiểm trở của Indonesia, đánh dấu lần đầu tiên con người nhìn thấy loài vật này trong hơn sáu thập kỷ.
Một sinh vật với lưng đầy gai nhím, là động vật có vú nhưng lại đẻ trứng, vừa được tìm thấy sau 60 năm bị tuyên bố tuyệt chủng. Ảnh: Sci.News
Công lao cho phát hiện vĩ đại này thuộc về một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Oxford (Anh). Sau một chuyến thám hiểm kéo dài ròng rã bốn tuần, vào đúng ngày cuối cùng của hành trình, hy vọng dường như đã cạn. Tuy nhiên, khi nhà sinh vật học James Kempton kiểm tra lại dữ liệu từ hơn 80 chiếc bẫy ảnh đặt trong rừng, một khoảnh khắc kỳ diệu đã đến.
Trên thẻ nhớ của một trong những chiếc máy ảnh, hình ảnh một sinh vật nhỏ bé với chiếc mỏ dài đặc trưng đang đi xuyên qua thảm rừng rậm rạp đã hiện ra. "Khi nhìn thấy hình ảnh đó, tôi đã hét lên và ôm chầm lấy các đồng nghiệp," Kempton xúc động chia sẻ. "Chúng tôi đã tìm thấy nó. Sau hơn 60 năm tưởng chừng như chúng đã biến mất vĩnh viễn, cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy loài vật này."
Thú lông nhím mỏ dài Attenborough sở hữu một ngoại hình hết sức độc đáo. Ảnh: Vajiram&Ravi
Thông tin trên Tri thức & Trực tuyến, thú lông nhím mỏ dài Attenborough (tên khoa học Zaglossus attenboroughi) được đặt theo tên của nhà tự nhiên học huyền thoại người Anh, Sir David Attenborough. Tên của chi Zaglossus cũng có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, phỏng theo tên Echidna - một sinh vật nửa phụ nữ, nửa rắn.
Đây là loài động vật có vú đẻ trứng (monotreme), một đặc điểm sinh học cực kỳ hiếm. Lịch sử khoa học chỉ chính thức ghi nhận loài này một lần duy nhất vào năm 1961 bởi một nhà khoa học người Hà Lan. Kể từ đó, không một mẫu vật nào khác được tìm thấy, khiến nhiều chuyên gia tin rằng chúng đã tuyệt chủng.
Loài vật này sở hữu một ngoại hình hết sức độc đáo, được mô tả là sự kết hợp của nhiều loài khác nhau nó có chiếc mõm dài và cong như của loài thú ăn kiến, bộ lông gai sắc nhọn trên lưng tựa như loài nhím và đôi chân với móng vuốt chắc khỏe giống như chuột chũi. Là loài nhỏ nhất trong chi thú lông nhím mỏ dài, chúng có cân nặng từ 5 đến 10kg, với con đực thường lớn hơn con cái. Thức ăn chủ yếu của chúng là giun đất, mối, kiến và ấu trùng côn trùng mà chúng tìm thấy bằng chiếc mõm nhạy bén của mình.
Thú lông nhím mỏ dài Attenborough có lối sống về đêm và rất nhút nhát. Chúng sống đơn độc trong các hang tự đào và chỉ tìm đến nhau vào mùa giao phối khoảng tháng 7 hàng năm. Chính bản tính ẩn dật này khiến việc theo dõi và nghiên cứu chúng trở nên vô cùng khó khăn.
Thú lông nhím mỏ dài Attenborough loài động vật có vú đẻ trứng. Ảnh: Species New to Science
Điểm đặc biệt nhất trong vòng đời của chúng là tập tính sinh sản dù là động vật có vú, chúng lại đẻ trứng. Trứng sau khi đẻ sẽ được mẹ giữ an toàn trong một chiếc túi ở bụng. Sau khi nở, con non sẽ tiếp tục ở trong túi mẹ khoảng 8 tuần cho đến khi gai của chúng đủ cứng cáp. Thay vì bú vú, con non sẽ liếm sữa tiết ra từ các lỗ chân lông đặc biệt trên bụng mẹ.
Tại New Guinea, những người cao tuổi ở làng Yongsu Sapari cho biết loài thú lông nhím này gắn bó sâu sắc với văn hóa địa phương. Có một truyền thống dùng để giải quyết xung đột một bên sẽ được cử vào rừng sâu để tìm kiếm thú lông nhím, trong khi bên còn lại phải ra biển để săn cá marlin.
Cả hai sinh vật này đều cực kỳ khó tìm, đôi khi phải mất hàng thập kỷ hoặc cả một thế hệ mới thấy được. Khi chúng được tìm thấy, điều đó tượng trưng cho sự chấm dứt xung đột và khôi phục lại mối quan hệ hòa hợp trong cộng đồng.