Đóng

Cuộc chiến chống hàng giả- Bài 4: Trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong cuộc chiến chống hàng giả

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

Các sàn TMĐT, với vai trò là cầu nối giữa người bán và người mua, đang đứng trước những thách thức lớn và chịu trách nhiệm quan trọng trong cuộc chiến. Vậy hành lang pháp lý cho lịn vực này thế nào, trách nhiệm của sàn TMĐT ra sao?

Tình trạng hàng giả đang diễn biến phức tạp và khó lường

Trước đó, vào ngày 16/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với Nguyễn Văn Khánh, (SN 1996), ở thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả" quy định tại Điều 192 - Bộ luật Hình sự. Việc khởi tố, tạm giam bị can đã được Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang phê chuẩn cùng ngày.

Công an làm việc với Nguyễn Văn Khánh. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang.

Bị can Nguyễn Văn Khánh là chủ cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Công an xã Đại Lâm và Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang triệt phá trước đó vào ngày 7/5 vừa qua.

Kết quả điều tra xác định: Từ khoảng cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh nhận thấy nhu cầu khách hàng tiêu dùng nhiều loại sản phẩm là mỹ phẩm nên đã nảy sinh ý định sản xuất mỹ phẩm giả để bán kiếm lời. Khánh đã lên mạng Internet để tìm hiểu một số loại mỹ phẩm khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da đang được thị trường tiêu thụ lớn, sau đó đặt in tem nhãn, bao bì giả của các sản phẩm này.

Bao bì giả được Nguyễn Văn Khánh sản xuất để tung ra thị trường. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang

Để thực hiện việc sản xuất, Khánh đã mua máy móc, nguyên liệu, công cụ, vỏ chai lọ… và thực hiện việc sản xuất tại nhà rồi bán ra thị trường toàn quốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Tiktok để kiếm lời. Nguyễn Văn Khánh đã bán trót lọt trên 100.000 đơn hàng cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và với doanh thu trên 6 tỷ đồng. 

Ngày 14/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa (Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Đại Phúc và Lê Văn Hải về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm” quy định tại khoản 1, Điều 193, Bộ luật hình sự năm 2015. Đồng thời tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Đại Phúc và Lê Văn Hải.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình công bố lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Văn Hải.

Trước đó, qua việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện chủ tài khoản mạng xã hội Tiktok “Gia đình Hải Sen” của Lê Văn Hải, sinh năm 1996,  ở thôn Thành Tây, xã Văn Phú, huyện Nho Quan, là thành viên sáng lập của Công ty TNHH Hải Bé, có địa chỉ ở thôn Thành Tây, xã Văn Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình thường xuyên đăng tải các Video bán các mặt hàng là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong đó thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Siro ăn ngon Hải Bé”…

Tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Hải Bé do Trần Đại Phúc, sinh năm 1990, ở thị trấn Giao Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là Giám đốc,  Lê Văn Hải là thành viên sáng lập, lực lượng Công an phát hiện, thu giữ nhiều mặt hàng là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Hải Sen.

Quá trình điều tra, bước đầu xác định: Trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến nay Công ty TNHH Hải Bé đã tổ chức bán hàng qua các kênh trên mạng xã hội như Tiktok shop, Facebook, Shopee “Gia đình Hải Sen”, “Hải Sen” với hơn 800.000 sản phẩm được bán ra, trong đó riêng mặt hàng “Siro ăn ngon Hải Bé” các đối tượng đã bán trên 100.000 hộp sản phẩm.

Kết quả giám định đối với các chỉ tiêu chất lượng của “Siro ăn ngon Hải Bé” xác định: Các chất gồm Vitamin A, Calci, Vitamin C (Chất chính tạo nên công dụng của sản phẩm) chỉ đạt dưới 70% so với công bố, theo quy định tại Nghị định số 98/2020 của Chính phủ thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Siro ăn ngon Hải Bé” là hàng giả…

Tại Tây Ninh, ngày 14/6, Công an tỉnh đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả do L.T.M.D (34 tuổi) cầm đầu, với sự tham gia của N.T.T (33 tuổi) và các đối tượng khác. Nhóm này chuyên livestream và rao bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội với giá rẻ, phân phối ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Qua điều tra, vào lúc 11h ngày 13/6, Công an Tây Ninh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chặn xe ô tô do L.V.T (31 tuổi) điều khiển, phát hiện 1.200kg kem trộn không rõ nguồn gốc. Từ lời khai của T., công an đã khám xét nhà và kho của D. tại TP Tây Ninh.

Các sản phẩm mỹ phẩm giả.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 2 người làm thuê đang sản xuất mỹ phẩm giả. Công an thu giữ 20 thùng hóa chất, 10 bao hóa chất rắn, 200kg kem thành phẩm, 100 lọ hóa chất lỏng, 8 máy pha chế, 3 ô tô cùng nhiều sổ sách và tem nhãn giả. D. khai nhận đã sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả từ năm 2020, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc như hương liệu, bột hóa chất, bột phèn chua, dung môi trôi nổi trên thị trường. Sau khi sản xuất, D. bán cho T. với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg, sau đó T. thuê người dán nhãn, rao bán trên các sàn thương mại điện tử và dịch vụ ship COD với giá từ 200.000 đến 650.000 đồng/kg.

Tiếp tục điều tra, Công an Tây Ninh kiểm tra hộ kinh doanh của N.T.T, thu giữ hơn 550 sản phẩm mỹ phẩm giả cùng nhiều máy móc, thiết bị. Tại 2 kho chứa hàng của T., công an còn phát hiện 4 người đang đóng gói sản phẩm, cùng khoảng 10.000kg mỹ phẩm, 800kg mỹ phẩm không nhãn mác, 2 máy in tem và nhiều vỏ hộp đóng gói. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Công an Tây Ninh phân loại các sản phẩm mỹ phẩm giả.

Tính đến thời điểm bị triệt phá, hai đối tượng D. và T. đã bán ra thị trường hơn 100.000 đơn hàng, thu lợi bất chính khoảng 10 tỷ đồng. Tang vật tạm giữ ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng. Các đối tượng không công bố, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và không kê khai nộp thuế với cơ quan chức năng.

Sàn TMĐT xử lý vi phạm của shop như thế nào?

Trả lời với PV ĐS&PL, sàn TMĐT Shopee cho biết, Shopee cam kết mang đến cho người dùng những trải nghiệm mua sắm an toàn và đáng tin cậy. Là doanh nghiệp hoạt động trực tiếp tại Việt Nam, Shopee luôn nghiêm túc quản lý các loại hàng hóa lưu thông trên sàn, và nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như chính sách đăng bán của Sàn.

Theo quy định, tất cả sản phẩm đăng bán trên Shopee đều phải đáp ứng và tuân thủ đúng quy định đăng bán của sàn được đăng tải tại các trang thông tin chính thức của Shopee (Shopee Uni, Help Centre, Kênh Người Bán, …).

Theo đó, khi đăng bán sản phẩm, người bán có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, Quy định đăng bán sản phẩm trên Shopee, Chính sách cấm/hạn chế sản phẩm, cũng như các Điều khoản sử dụng và Chính sách của Shopee.

                                                  Sàn TMĐT Shopee.

Các sản phẩm khi đăng bán trên sàn sẽ được quản lý thông qua nhiều cơ chế kiểm soát để đảm bảo người bán không vi phạm chính sách. Hệ thống kiểm soát bằng từ khóa và hình ảnh sẽ được bộ phận kiểm duyệt của cập nhật thường xuyên thông qua công tác kiểm tra/giám sát hoặc ngay khi phát sinh/tiếp nhận thông tin về các vụ việc có liên quan.

Shopee cũng tăng cường rà soát, kiểm tra thường kỳ và xử lý các trường hợp vi phạm ngay khi phát hiện hoặc nhận được khiếu nại. Các trường hợp cố tình vi phạm, nhân sự kiểm duyệt của công ty sẽ cương quyết gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm.

Đối với Shop vi phạm, Shopee sẽ có những biện pháp xử lý tùy theo mức độ vi phạm từ tạm khóa đến khóa vĩnh viễn, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Shopee luôn chủ động theo dõi, cập nhật thông tin trên nhiều phương diện và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng khi cần thiết, nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm và hoạt động quảng cáo trên nền tảng. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Shopee đã tích cực hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh, làm rõ các trường hợp bị nghi ngờ vi phạm pháp luật trên Sàn thương mại điện tử Shopee.

Nền tảng cũng đã thiết lập chức năng “Tố cáo Sản Phẩm Vi Phạm” trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee để tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể báo cáo các sản phẩm vi phạm đến Shopee để Công ty có biện pháp xử lý theo quy định, hoặc người dùng có thể liên hệ bộ phận Chăm sóc Khách hàng khi cần hỗ trợ.

Bên cạnh đó, để giúp người dùng yên tâm mua sắm trên nền tảng, Shopee cũng áp dụng loạt chính sách bảo vệ quyền lợi người dùng như Shopee Đồng Kiểm, Trả Hàng Hoàn Tiền, … 

Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền tác giả và đảm bảo các thương hiệu giúp Người bán có môi trường mua bán lành mạnh và công bằng, Shopee đã thiết lập các quy trình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khiếu nại vi phạm Quyền Sở hữu trí tuệ.

Hành lang pháp lý bảo vệ  người tiêu dùng trên sàn TMĐT và chế tài xử phạt vi phạm

Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật được quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử, đó là: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 52/2013/NĐ-CP Về thương mại điện tử được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP; Luật Thương mại 2005; Bộ luật Dân sự 2015; Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Những văn bản quy phạm pháp luật này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, giảm thiểu rủi ro khi mua sắm trực tuyến, tạo hành lang pháp lý minh bạch, trong thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi tiếp cận các nền tảng số, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.

Ngoài ra, các quy định còn ràng buộc trách nhiệm pháp lý của cả người bán lẫn sàn giao dịch, từ đó hạn chế hành vi gian lận và nâng cao niềm tin của người dân khi mua sắm trực tuyến, thúc đẩy sự phát triển an toàn và bền vững của thương mại điện tử tại Việt Nam.

XEM THÊM:

Bài 1: Cuộc chiến chống hàng giả- Bài 1: Hàng giả len lỏi từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử

Bài 2: Cuộc chiến chống hàng giả - Bài 2: Hệ lụy từ hàng giả không chỉ là kinh tế mà là niềm tin, sinh mệnh người tiêu dùng

Bài 3: Cuộc chiến chống hàng giả- Bài 3: Từ thách thức nan giải đến kỳ vọng vào những "quả đấm thép"

 

Tin nổi bật