Đóng

Cây ăn quả có đầy ở vườn nhà nay lên chậu thành bonsai vạn người mê, giá đắt đỏ không phải ai cũng mua được

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Những năm gần đây, cây xoài bonsai ngày càng được giới chơi cây cảnh ưa chuộng. Không chỉ mang vẻ đẹp độc đáo mà nó còn được xem là biểu tượng của sự đủ đầy.

Thị trường cây cảnh những năm gần đây chứng kiến sự đa dạng hóa đáng kể, không chỉ với các loại cây hoa cảnh mà còn với cả cây ăn quả. Đặc biệt, nhiều loại cây ăn quả quen thuộc đã được các nghệ nhân tạo hình thành bonsai độc đáo, trong đó nổi bật là xoài bonsai.

Xoài (tên khoa học: Mangifera Indica L) có nguồn gốc từ miền Đông Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Myanmar, Malaysia, và Việt Nam. Khi chín, quả xoài chuyển từ màu xanh sang vàng, có mùi thơm, vị ngọt và hơi chua nhẹ.

Nhiều loại cây ăn quả quen thuộc đã được các nghệ nhân tạo hình thành bonsai độc đáo, trong đó nổi bật là xoài bonsai.

Cây xoài có tán rộng, mang lại bóng mát, giúp giảm bớt sự oi bức. Ngoài ra, cây còn có khả năng nhả khí oxy, hấp thụ CO2, góp phần thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn, tạo cảnh quan trong lành và tươi mát.

Trong phong thủy, hình dáng cây xoài tượng trưng cho sự đủ đầy và sung túc. 

Trên thị trường cây cảnh và các hội nhóm yêu cây, xoài bonsai được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Những cây có dáng thế đẹp, độc đáo và tuổi đời lâu năm thậm chí có giá lên đến hàng chục triệu đồng.

Nhiều người chơi cây cảnh không chỉ tìm mua những cây xoài có phôi đẹp trong tự nhiên mà còn tự ươm phôi từ hạt xoài để tự tay chế tác theo ý muốn. Trung bình, một cây xoài phôi ươm từ hạt phải mất khoảng 3-5 năm mới có thể đưa lên chậu và tạo dáng thành bonsai.

Việc chế tác xoài bonsai không hề dễ dàng. Bản thân việc xử lý cây xoài ra trái bình thường đã khó, nhưng khi đưa vào chậu để tạo dáng bonsai và điều khiển ra trái đúng theo nhu cầu thị trường lại càng khó hơn rất nhiều. Thêm vào đó, tỷ lệ hao hụt khi đưa xoài vào chậu khá cao, đây là một trong những thách thức lớn đối với các nhà vườn. Chính vì những lý do này mà xoài bonsai có giá thành đắt nhưng vẫn rất được ưa chuộng.

Xoài bonsai có giá thành đắt nhưng vẫn rất được ưa chuộng.

Theo Lao Động, ông Lê Phước T.- một người con của "thủ phủ xoài" Đồng Tháp, với kỹ năng trồng xoài vượt trội cùng niềm đam mê cây cảnh, đã tiên phong thử nghiệm đưa cây xoài vào chậu kiểng.

Ông T. phát triển xoài cảnh theo hai dạng chính: xoài cảnh dáng thế và xoài cảnh cành nhánh.

Với xoài cảnh dáng thế, ông chọn những cây xoài có bộ rễ đẹp hoặc tiềm ẩn dáng đẹp để cắt tỉa thành các dáng bay, dáng hồi. Loại này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức chăm sóc, do đó giá thành cao hơn, dao động từ 5-7 triệu đồng/cây, với ít nhất 3 chùm trái.

Nhằm phục vụ thị trường phân khúc giá thấp hơn, ông T. nghiên cứu đưa xoài cành nhánh vào chậu. Ông mua xoài ghép từ các cơ sở cây giống về trồng, sau hai năm thì đưa vào chậu để uốn cành, tỉa nhánh và dưỡng trái. Mỗi chậu có giá từ 2,5-3 triệu đồng. Mỗi cây xoài cảnh của ông T. thường được ghép ít nhất ba giống xoài phổ biến như xoài Cát Chu, xoài Cát Hòa Lộc. Đặc biệt, tất cả các quả xoài đều được bọc bằng bao giấy để hạn chế côn trùng gây hại và giúp vỏ quả có màu vàng đẹp mắt.

Cùng với ông T., anh N., một người con khác của Đồng Tháp, cũng đang góp phần đưa tên tuổi của xoài bonsai đi xa. Anh đã mang những chậu xoài bonsai độc đáo của mình đến nhiều tỉnh thành, với mức giá dao động từ 5-10 triệu đồng mỗi chậu, tạo nên tiếng vang cho loại hình nghệ thuật cây cảnh đặc biệt này.

"Sự kết hợp giữa bonsai và trái cây đem đến sự mới lạ và đáp ứng yêu cầu của thị trường là thưởng thức bằng mắt và có thể ăn được. Những chậu xoài có dáng đẹp và quả càng nhiều thì giá càng cao. Nếu ươm hạt từ bé đến lúc ra sản phẩm khoảng 3 năm, nếu mua gốc cây đã trưởng thành thì thời gian ngắn hơn nhưng giá thành cũng cao hơn,…

Điều quan trọng nhất là xử lý làm sao cho cây ra trái đúng mùa theo ý muốn của mình. Tôi từng tìm được những gốc xoài rất đẹp, sau đó đem vào chậu nuôi dưỡng, tạo tác và cho ra quả. Những chậu như thế giá vài chục triệu đồng, khách đến tận nơi đặt mua chứ không cần phải rao bán", anh N. chia sẻ trên Tri Thức & Cuộc sống.

Tin nổi bật