Tính từ 17/7 đến 23/7 (tuần 29), số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP.HCM, với 2.356 ca, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca. Ngành Y tế dự báo, số ca mắc và ca nặng sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%, theo VTC News.
Hầu hết tất cả các quận, huyện ở TP.HCM đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc/100.000 dân cao, gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Trước tình hình ca bệnh tăng cao, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 đã triển khai nhiều phương án ứng phó. Trong đó, bệnh viện đã tăng thêm 1 lầu với quy mô 150 giường bệnh để đáp ứng điều trị các bệnh truyền nhiễm nói chung và giảm áp lực đối với bệnh tay chân miệng.
Số ca tay chân miệng ở TP.HCM tăng cao. Ảnh minh họa
Báo Người Lao Động dẫn lời BS chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết hằng ngày khu ngoại trú tại BV có 7-8 phòng khám tay chân miệng và tiếp nhận 200-300 ca/ngày. Nếu trẻ có dấu hiệu chuyển độ nặng thì cho nhập viện. BV đang điều trị 138 ca tay chân miệng, trong đó 22 ca nặng.
Theo BS Quy, dự báo tình hình ca mắc tay chân miệng tăng, khoa đã mở rộng thêm 1 lầu ngay từ đầu tháng 6/2023. Hiện có 2 lầu điều trị với công suất 300 giường. Bệnh nhi ngày càng tăng nên 17 bác sĩ, 42 điều dưỡng phải tăng ca liên tục.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm BV Nhi Đồng 1 - nơi điều trị trẻ mắc tay chân miệng nặng, cho biết khoa có 15 giường bệnh hồi sức, hiện có 8 trẻ mắc tay chân miệng nặng (7 ca thở máy, 1 ca lọc máu). "Trẻ mắc tay chân miệng nặng phải can thiệp vì tổn thương thần kinh khiến không thở đều, thậm chí ngưng thở. Nếu để lâu hơn sẽ rơi vào sốc khiến trẻ nặng hơn", BS Nguyên giải thích.
Theo BS Nguyên, BV Nhi Đồng 1 có khoảng 30-60 ca tay chân miệng nhập viện mỗi ngày. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng từ độ 2 sang độ 3 trung bình khoảng 5 bệnh nhi/ngày. "Hiện chưa quá tải nhưng bệnh nhi mỗi ngày nhập viện vẫn đông nên những ngày tới sẽ khá căng. Đặc biệt, trẻ thở máy thường kích thích nhiều, chỉ cần trẻ động đậy thì có nguy cơ ống thở sẽ tuột nên nhân viên y tế rất vất vả khi chăm sóc", BS Nguyên cho biết.
Không chỉ tại Khoa Hồi sức Nhiễm mà Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của BV Nhi Đồng 1 cũng tập trung sức lực điều trị trẻ mắc tay chân miệng. PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, trưởng khoa, cho biết khoa có 20 giường bệnh hồi sức thì nay đang có 11 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó 5 bé thở máy.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: Báo Người Lao Động
Tương tự tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS.CKI Trần Ngọc Lưu cho biết, hiện khoa Nhiễm bệnh viện có hơn 150 ca, trong đó hơn 130 ca mắc tay chân miệng. Bệnh viện bố trí giường xếp, tận dụng khoảng trống hành lang khoa Nhiễm để các ca bệnh nằm, cố gắng đảm bảo mỗi bé một giường, tránh việc các bé nằm giường đôi, giường ba.
Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. Ngành Y tế dự báo, số ca mắc tay chân miệng và ca nặng sẽ tiếp tục tăng.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho 76 ca tay chân miệng. Trong đó 12 ca nặng cần theo dõi và 1 ca ở tỉnh Kiên Giang chuyển lên, ở độ 3, đang phải thở máy.
BS.CKI Lê Thị Kim Ngọc, Phó khoa Nhiễm C - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết: "Số ca tay chân miệng vẫn tăng, đa số ở các tỉnh chuyển về. Những ca điều trị ở khoa có chuyển biến nặng sẽ được đưa xuống hồi sức để theo dõi sát hơn".
Để phòng bệnh tay chân miệng, BS Trần Ngọc Lưu cho biết: "Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc".
Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Theo cơ quan này, tuy đã có chuẩn bị nhưng cơ số thuốc dự trữ của thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh. Bởi thành phố luôn tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến (chiếm 80%).
Cụ thể, số lượng thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) điều trị tay chân miệng thông thường sử dụng từ 80-150 lọ/ngày, nay tăng xấp xỉ 200 lọ/ngày. Trong khi đó, lượng tồn IVIG tại các BV hiện khoảng 2.400 lọ. Dự kiến đến cuối tháng 8/2023 mới có thuốc IVIG nhập khẩu (số lượng hạn chế).
BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết khi điều trị tay chân miệng sẽ dựa vào từng bệnh cảnh mỗi trẻ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Đối với Phenobarbital có 2 dạng tiêm tĩnh mạch và uống. Trong đó, dạng uống hấp thu sẽ lâu hơn. Mục tiêu của thuốc này giúp trẻ không phải thở máy, ức chế thần kinh giúp trẻ không quấy, co giật. Còn Immunoglobulin sử dụng cho trẻ mắc tay chân miệng nặng.
Hiện BV Nhi Đồng 1 chưa có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên sử dụng dạng uống. "Phenobarbital dạng uống tại BV vẫn còn nhưng dạng tĩnh mạch đã hết từ lâu. Còn Immunoglobulin hiện tại có đủ để dùng. Dự báo cuối tháng 7-2023, cơ số thuốc dự trù hết nhưng BV cố gắng tìm nguồn mua phù hợp. Hiện nay, bác sĩ cũng rất thận trọng trong chỉ định. Ví dụ những cháu đang diễn tiến nặng sẽ chỉ định 2 liều, đa phần trẻ nhẹ hơn thì chỉ định 1 liều, sau đó theo dõi chặt nếu có chuyển biến nặng hơn thì cân nhắc liều 2", BS Nguyên cho hay.
Thùy Dung (T/h)