Đối với trẻ mắc tay chân miệng, ngoài những dấu hiệu như loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối... thì hiện nay nhiều ca tay chân miệng rất nặng nhưng toàn thân không nổi nhiều nốt bỏng nước khiến cha mẹ khó nhận ra.
Trước vấn đề này, chia sẻ với Vietnamnet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết.
Trong mùa này, trẻ nhỏ đặc biệt là những bé dưới 3 tuổi và dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng. Cha mẹ cần để ý trẻ có thể đã mắc bệnh nếu 1-2 ngày đầu sốt nhẹ nhưng bỏ ăn, chảy nước miếng.
Việc bỏ ăn, chảy nước miếng là do các mụn nước ở trong họng. Khi đó, phụ huynh kiểm tra ngay lòng bàn tay, bàn chân của trẻ xem có các bóng nước hay không. Bóng nước của bệnh tay chân miệng có đặc điểm thường mọc ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, cổ họng… ít khi mọc toàn thân.
Bóng nước của bệnh tay chân miệng có đặc điểm thường mọc ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, cổ họng… ít khi mọc toàn thân.
Ngoài ra, khi nghe tin trong lớp, trong xóm hoặc gia đình có một trẻ bị tay chân miệng, phải kiểm tra các bé còn lại. Trẻ bị bệnh cần nghỉ học 10 ngày nhưng hàng ngày phải kiểm tra các bé trong lớp có nổi mụn nước miệng, lòng bàn tay chân hay không.
Một số biểu hiện nghiêm trọng cần đến viện như trẻ giật mình chới với (ảnh hưởng đến thần kinh trung ương); run tay run chân đi đứng loạng choạng; sốt cao khó hạ, không đáp ứng thuốc hạ sốt; thở rút lõm ngực hoặc hổn hển; trẻ vã mồ hôi lạnh, da xanh tái…
Báo Công an TP. HCM cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 12.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; trong đó chỉ tính từ 19/5 - 18/6/2023, cả nước có 5.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Riêng tại TP. HCM từ ngày 19/6 đến 25/6, ghi nhận 779 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó. Số liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương thống kê, từ đầu năm đến nay tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó, có 20-30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.
Theo Bộ Y tế, nếu như các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Như Quỳnh (T/h)