Những biến chứng nguy hiểm thường gặp
Trong những ngày đầu tháng 5 trở lại đây, bệnh tay chân miệng đang có nhiều diễn biến phức tạp, tăng nhanh và có nhiều ca biến chứng nặng, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Trước tình hình đó, Bộ Y tế luôn giám sát và yêu cầu các cơ sở y tế cần phân loại và chuyển tuyến phù hợp, để không chuyển nặng, tử vong.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM ghi nhận 2.407 ca mắc tay chân miệng. Trong các trẻ nhập viện điều trị, 14 ca nguy kịch phải thở máy, 1 ca lọc máu.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng).
Tuy nhiên, về biến chứng khi bệnh nhân mắc bệnh do từng nhóm tác nhân sẽ khác nhau. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trẻ bị tay chân miệng dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm. Ảnh:VTV
Chia sẻ trên VTV News, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị, trong đó 20-30% nhiễm virus EV71.
Thông tin chi tiết hơn về vấn đề này, ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Tuy nhiên, năm nay khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các trẻ vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng…
Biểu hiện sớm nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ
Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý những biểu hiện sức khỏe bất thường ở trẻ, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh.
Theo chuyên gia, xét về chẩn đoán lâm sàng, dấu hiệu của bệnh được chia thành 3 giai đoạn đặc trưng như sau:
1. Giai đoạn ủ bệnh: Trong giai đoạn ủ bệnh, trẻ không có nhiều biểu hiện về bệnh, bé vẫn sinh hoạt một cách bình thường. Thời gian của giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
2. Giai đoạn khởi phát của bệnh tay chân miệng: Giai đoạn khởi phát diễn ra trong vòng 1 đến 2 ngày với biểu hiện cụ thể của trẻ bao gồm đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy,...
3. Giai đoạn toàn phát: Toàn phát là giai đoạn mà những triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ trở nên rõ ràng hơn. Điển hình là những biểu hiện:
- Viêm loét miệng là dấu hiệu thường thấy của trẻ bị tay chân miệng. Loét miệng được phát hiện nhiều nhất tại hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc vùng má, môi, lưỡi. Số lượng bắt đầu từ 1 đến vài vết loét trong miệng, kích cỡ từ 2 - 3 mm. Viêm loét miệng làm cho trẻ khó ăn, bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt;
- Sốt: Đa số trẻ chỉ bị sốt nhẹ trong nhiệt độ từ 37,5 đến 38 độ C. Trường hợp trẻ sốt cao đến 39 - 40 độ C trong vòng 2 ngày trở lên, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để điều trị. Vì đây có thể là biểu hiện của biến chứng nghiêm trọng;
- Phát ban trên da dưới dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông. Ban thường tồn tại trong một khoảng thời gian khá ngắn (khoảng dưới 7 ngày). Sau đó những vết phỏng có thể để lại thâm, không để sẹo và hiếm khi bị loét hoặc bội nhiễm.
Liên quan đến vấn đề chăm sóc trẻ bị mắc tay chân miệng, trang Sức khỏe và đời sống cung cấp một số thông tin từ các chuyên gia. Cụ thể, theo BS.CK2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM mách rằng: "Khi trẻ mắc tay chân miệng và bị loét miệng quá nhiều thì bố mẹ cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Phụ huynh có thể dùng các dung dịch gel dạng nhũ tương chấm vào các vết loét trong khoang miệng cho trẻ để cho trẻ đỡ đau, giúp trẻ ăn uống dễ hơn. Nếu miệng loét nhiều thì cần phải đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng kháng sinh để tránh bội nhiễm.
Trong trường hợp trẻ đau hoặc sốt, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng giảm đau cho trẻ đỡ đau miệng. Nếu bé dị ứng với thuốc hạ sốt thì có thể chườm mát cho cơ thể bé bằng nước ấm, lau người và chườm khăm tại các vị trí có các mạch máu lớn đi qua như hai bên cổ, nách, bẹn, trán, ngực... cho trẻ uống nhiều nước, nới rộng quần áo... để giúp trẻ hạ sốt"
Trong thời gian trẻ mặc bệnh, khi chăm sóc, phụ huynh nên cho trẻ ăn những thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn, nên cho trẻ ăn những thức ăn nguội, mát, dễ ăn. Không nên cho trẻ ăn những thức ăn cay, nóng, chua gây ảnh hưởng tới các vết loét miệng.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, một số ít ở người trưởng thành. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng bùng phát cao điểm là khoảng tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Hiện nay bệnh có xu hướng bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam nước ta.
Bảo An (T/h)