Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo nguy cơ các ca bệnh tay chân miệng nặng tăng cao tại TP. HCM

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Hiện nay số ca tay chân miệng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt những ca nặng tăng nhiều hơn. Thậm chí một tháng trở lại đây ngày nào cũng có bệnh nhân chuyển độ từ 2a sang 2b hoặc đến độ 3.

Báo Người Lao Động dẫn lời bác sĩ Lê Thị Kim Ngọc, Phó khoa Nhi C Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hiện số ca tay chân miệng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt những ca nặng tăng nhiều hơn.

Tại Khoa Nhi C có sức chưa 50 giường, nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a, trẻ có dấu hiệu giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Những trẻ bị tay chân miệng độ 2a cần nhập viện để theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, ngay khi có dấu hiệu của 2b sẽ chuyển xuống Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Nhi để gắn những thiết bị, truyền thuốc cần thiết.

Được biết những năm trước các ca bệnh nặng nhập viện thường chỉ đến độ 2a, nhưng một tháng nay ngày nào khoa cũng có bệnh nhân chuyển độ từ 2a sang 2b hoặc đến độ 3. Thêm nữa, năm nay những trẻ chuyển sang độ 2b hoặc 3 phết dịch họng đều ra chủng EV71, những năm trước rất ít thấy.

Số ca nhập viện do tay chân miệng nặng tăng cao. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là một trong 4 bệnh viện tuyến cuối của TP. HCM chống dịch tay chân miệng nên để hạn chế tình trạng quá tải, hoặc xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc, bệnh viện đã chủ động trao đổi chuyên môn với các bệnh viện tuyến quận, huyện và các tỉnh lân cận. May mắn, đến nay hầu hết các bệnh nhi nhập viện đều ở giai đoạn không muộn.

Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh tay chân miệng gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Bên cạnh đó, TP cũng thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến, hoặc ca khó với các đơn vị trong TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam để đảm bảo công tác chuyển viện an toàn.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời PGS Phạm Văn Quang khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý là bệnh tay chân miệng đang vào mùa và tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 - tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.

Khi bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán.

Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Biến chứng có thể xảy ra ở trẻ mắc tay chân miệng

Theo HCDC, trẻ mắc tay chân miệng ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.

Trẻ mắc tay chân miệng tự khỏi chiếm khoảng trên 90% trường hợp. Còn lại trẻ mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.

Do đó, khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng. Khi đó, chúng ta cần mang ngay trẻ đến bệnh viện vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não là khoảng 6-12 tiếng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh chuyển nặng

Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu chuyển nặng của bệnh tay chân miệng để đưa con đến cơ sở y tế kịp thời. Ảnh minh họa

Thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh. Dấu hiệu chính là trẻ là bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.

- Nếu nhẹ thì em bé khi vừa thiu thiu ngủ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường.

- Độ nặng hơn là em bé vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với.

- Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với.

Lúc này phụ huynh nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, miệng thì loét hay không, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.

Cần chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng thì chủ yếu liên quan đến chế độ ăn, bởi vì khi trẻ bị tay chân miệng sẽ rất khó ăn. Nên chú ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu miệng đau nhiều thì phải đi bác sĩ khám để cho thuốc giảm đau vùng miệng. Nếu chăm sóc tốt thì 5-7 ngày, trẻ sẽ khỏi bệnh.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm biến chứng với các dấu hiệu giật mình, thay đổi giấc ngủ. Nếu để trễ hơn trẻ có thể thở mệt, co giật, rồi mạch nhanh, không bắt được mạch.

Làm gì để phòng ngừa bệnh tay chân miệng?

Theo HCDC, bệnh tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Vi rút gây bệnh có nhiều trong nước bọt, vết loét, dịch bóng nước. Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật ở xung quanh trẻ bệnh. Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể.

Do đó, phòng bệnh quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà bàn tay hay sờ chạm tới. Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật