TTXVN đưa tin, trước đó, tại buổi họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM cho biết, so với cùng kỳ những năm trước, số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn thấp hơn nhưng đáng lo ngại là sự xuất hiện của chủng EV71 đã từng gây dịch bệnh chết người tại TP.HCM. Bên cạnh đó, tuy số ca bệnh thấp hơn nhưng tỷ lệ bệnh nặng lại tăng.
Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị, lập các tổ chuyên gia điều trị bệnh. Định kỳ, ngành y tế Thành phố sẽ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.
Từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 6, quận 8.
Chủng EV71 khiến số ca bệnh nặng do tay chân miệng tại TP.HCM tăng mạnh. Ảnh: TTXVN
Riêng trong tuần gần nhất, tuần 27, cả thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước là 716 ca.
Không chỉ bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, hiện các bệnh viện nhi đồng cũng cho biết số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng.
Theo HCDC, số liệu từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao bao gồm: quận 1, huyện Bình Chánh, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân.
Riêng trong tuần 27 cả thành phố ghi nhận 237 ca, tăng 32% so với trung bình 4 tuần trước là 180 ca.
Trước thực tế nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng nhập viện trong thời gian này, HCDC lưu ý thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh. Dấu hiệu chính là trẻ là bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.
Nếu nhẹ, khi thiu thiu ngủ, trẻ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường. Độ nặng hơn một chút là trẻ vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với.
Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, miệng thì loét hay không, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh.
Vi rút gây bệnh có nhiều trong nước bọt, vét loét, dịch bóng nước. Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật ở xung quanh trẻ bệnh.
Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể.
Do đó phòng bệnh quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà bàn tay hay sờ chạm tới.
Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ, thông tin từ báo Tuổi Trẻ.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, trong tuần qua, số ca bệnh cũng tăng lên 32% so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần 27, Thành phố ghi nhận 273 ca, tăng 180 ca so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện có số ca sốt xuất huyết tăng gồm Quận 1, huyện Bình Chánh, Quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân.
Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang tiếp tục tăng nhanh, ngành y tế khuyến cáo, để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến.
Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.
Thùy Dung (T/h)