Dịp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao đột biến, khiến các shipper giao hàng phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ, thu nhập cũng nhờ đó mà tăng lên đáng kể.
Chia sẻ trên VTC News, tối muộn 21 Tết, vừa trở về nhà sau chuyến giao hàng cuối cùng lúc 22h, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (shipper khu vực quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay anh liên tục phải làm việc vất vả từ sáng đến tối vì số lượng đơn hàng phải giao tăng gấp 3, 4 lần ngày thường.
"Tôi phải bắt đầu công việc lúc 7h và kết thúc lúc 21h. Nhưng càng gần Tết, lượng đơn càng nhiều, trong khi đường phố chật chội, ách tắc nên tôi đi làm sớm hơn và về muộn hơn 1 tiếng để tránh giờ cao điểm và cũng để hoàn thành công việc. Nhà kho nơi tôi làm mới thông báo rằng nếu vài ngày tới, lượng đơn vẫn tiếp tục tăng thì toàn nhân lực sẽ phải tăng ca, thậm chí giao hàng vào ban đêm nếu khách đồng ý nhận", anh nói.
Các shipper giao hàng phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ. Ảnh: VTC News.
"Thường ngày tôi giao khoảng 150 đơn hàng, thế nhưng những ngày gần Tết lượng đơn hàng cần giao lên tới 400 - 500. Tất cả đều phải giao trong ngày nên tôi thường xuyên phải giao đến tối muộn mới hết. Tôi phải tiện đâu ăn đấy, nhiều khi bỏ cả bữa", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Với mỗi đơn hàng được giao thành công, shipper sẽ được trả mức phí 3.000 đồng. Như vậy, với khoảng 500 đơn hàng mỗi ngày dịp cận Tết, anh Tuấn có thể thu nhập tới 1,5 triệu đồng, đây là mức thu nhập cao gấp 3 lần ngày thường.
Tại TP.HCM, không khí làm việc khẩn trương dễ dàng nhận thấy ở các đơn vị vận chuyển như Viettel Post, Giao Hàng Nhanh, Best Express hay trong các siêu thị lớn như Co.opMart, Emart, Go.
Tại bưu cục Viettel Post trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), hàng hóa chất đầy lối đi, shipper liên tục kiểm tra đơn và giao hàng không ngừng nghỉ. Anh Hoàng, một shipper dày dạn kinh nghiệm, chia sẻ có hôm giao gần 100 đơn. Vừa mệt vừa vui khi thấy khách nhận hàng, ai cũng hớn hở chuẩn bị Tết.
Không chỉ các bưu cục, những siêu thị lớn như Co.opMart, Emart hay Go cũng đang "nóng máy" với nhu cầu giao hàng tận nhà tăng vọt. Anh Nguyễn Nhu, một shipper tại siêu thị Go, cho hay khách mua hàng rồi đặt giao tại nhà khá nhiều. "Những đơn hàng trong phạm vi 5km, đặc biệt ở khu vực Gò Vấp, nhiều vô kể.
Khách chủ yếu mua sắm bánh kẹo, đồ ăn, nước uống cho Tết. Cuối tuần, lượng đơn tăng vọt, giao mãi không hết việc", anh Nhu nói. Công việc của shipper thời điểm này tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường.
Trước áp lực đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vận chuyển đã buộc phải thông báo tạm ngưng nhận đơn hàng đi xa để đảm bảo kịp tiến độ.
Trước áp lực đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vận chuyển đã buộc phải thông báo tạm ngưng nhận đơn hàng đi xa để đảm bảo kịp tiến độ. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Theo các cơ sở kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tình trạng "tắc, nghẽn" giao hàng thường diễn ra trong dịp cận Tết Nguyên đán. Càng giáp Tết, tình trạng quá tải càng nghiêm trọng, nhiều người bán hàng không dám nhận khách vì sợ không giao được hàng đúng dự kiến. "Những đơn hàng ship đi tỉnh xa hoặc quá sát ngày Tết sẽ bị từ chối, dù rất muốn bán được hàng nhưng việc giao vào ngày Tết không hề dễ dàng như ngày thường", chủ một gian hàng trên sàn thương mại điện tử nói.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu, cho hay thời điểm này nhiều nhân viên giao hàng cũng xin nghỉ về quê ăn Tết, khiến các công ty giao hàng thiếu nhân sự và phải cân đối lại thời gian phù hợp.
Theo ông, tình trạng không giao đúng ngày hoặc quá tải đơn chỉ ảnh hưởng mạnh tới các shop bán online nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp nhỏ do không ký kết dài hạn với đơn vị vận chuyển, còn với doanh nghiệp lớn thì hầu như không ảnh hưởng.
Không chỉ gặp khó khăn về nhân lực, nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông và chi phí vận chuyển tăng cao.
Một lãnh đạo Công ty Phúc Sinh - chuyên cung cấp quà tặng Tết như trà và cà phê - cho biết giá cước tăng 30%, nhà máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn không kịp tiến độ giao hàng.