Mâm lễ cúng ngày 23 tháng Chạp hàng năm được các gia đình Việt chuẩn bị tươm tất để tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Theo phong tục dân gian, đồ cúng ngày này không chỉ có hương hoa, vàng mã, mâm cỗ thịnh soạn mà còn có 3 con cá chép vàng - phương tiện đặc biệt để đưa các Táo về trời.
Theo đó, người xưa tin rằng, ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời để báo cáo việc gia chủ đã và chưa làm trong năm qua tới Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại nhân gian, tiếp tục trông coi bếp lửa trong gia đình.
Chọn cá chép cúng ông Công ông Táo không cần lấy cá quá to mà chỉ cần khỏe mạnh, vảy bóng, không trầy xước. Ảnh minh họa.
Cá chép cúng ngày ông Công ông Táo thường là cá chép đỏ và phải đủ 3 con, mang ý nghĩa "cá chép hóa rồng", đưa 3 vị Táo quân về trời. Vì thế, người ta không chọn cá chép đen hay cúng ít/nhiều hơn 3 con cá trong ngày này.
Người chọn cá chép cúng ông Công ông Táo không cần lấy cá quá to mà chỉ cần khỏe mạnh, vảy bóng, không trầy xước là được. Khi chọn, người mua có thể chạm nhẹ vào nước trong chậu đựng cá, nếu thấy cá di chuyển nhanh, quẫy mạnh tức là cá còn sung sức, dễ sống trong tự nhiên.
Ngoài ra, cá chép khỏe mạnh sẽ có mang màu đỏ tươi. Cá nào màu bợt, mang đỏ thẫm tức là đã yếu, có thể sẽ chết khi thả lại vào tự nhiên.
Khi mua cá về, các gia đình phải thả cá vào một bát nước sạch, có thể thả thêm cọng rêu xanh để cá có môi trường sống. Sau đó, bát cá cũng được đặt cạnh mâm lễ trên bàn thờ cúng ông Công ông Táo.
Đặc biệt, người dân từ xưa cũng có quan niệm phải cúng ông Công, ông Táo trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuyệt đối không thể cúng sau thời gian này vì lúc đó, các Táo đã lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng, không còn nhận được lễ vật nữa.
Việc thả cá chép không chỉ dừng lại ở mặt hình thức mà còn mang lại giá trị văn hóa sâu sắc, mọi người cần lưu ý những điều sau:
Cá chép cúng ngày ông Công ông Táo thường là cá chép đỏ và phải đủ 3 con, mang ý nghĩa "cá chép hóa rồng", đưa 3 vị Táo quân về trời. Ảnh minh họa.
- Trước khi thả, hãy đảm bảo cá chép được chọn phải là những con khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt. Tránh sử dụng cá đã yếu hoặc sắp chết. Nên chọn nơi có môi trường nước sạch như sông, hồ tự nhiên; tránh thả cá ở những nơi nguồn nước ô nhiễm, ít ôxy, làm ảnh hưởng đến sự sống của cá.
- Không nên ném cá từ trên cao xuống, điều này không chỉ gây tổn thương cho cá mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao hoặc đồ đựng xuống dưới mặt nước để cá có thể tự bơi ra. Tránh chạm tay vào cá vì việc này có thể làm mất lớp màng nhầy bảo vệ trên vảy cá, khiến cá dễ bị nhiễm trùng và chết.
Khi thả cá, bạn có thể đọc lời cầu nguyện, cầu chúc cho một năm mới tốt lành, bình an, hoặc đọc văn khấn thả cá chép. Sau khi thả cá, cần thu gom túi nylon và vứt đúng nơi quy định. Việc bỏ lại túi nylon hoặc xả rác bừa bãi vào môi trường nước, gây hại cho môi trường và đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp của nghi lễ.
*Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm