Lễ cúng ông Công, ông Táo được tiến hành từ ngày 17 đến ngày 23 tháng Chạp. Đây là một ngày lễ rất quan trọng trước Tết Nguyên đán, một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc.
Vào ngày này hàng năm, các gia đình thường làm lễ cúng, tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian.
Dù có bận việc tới mấy, nhưng cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, gia đình Việt nào cũng sắm sửa chỉn chu ngày lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Ngày 23 là ngày Nguyệt kỵ, cũng được coi là ngày kết thúc vòng quay của một năm nên người dân thực hiện nghi lễ tiễn ông Táo về trời để thưa với Ngọc hoàng những chuyện nhỏ to, chuyện vui, chuyện buồn của gia đình mình trong cả năm qua.
Một trong những lễ vật không thể thiếu là cá chép. Nguời ta vẫn nói cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa thân thành rồng bay lên trời. Vào những ngày này, nhà nhà lại đi thả cá chép ra những vùng nước rộng. Nghi thức này đã trở thành ứng xử tập thể mà ở đó, những sinh linh nhỏ bé được trả lại sự sống. Nó mang lại ý nghĩa tâm linh khi sự sống được vun trồng, cũng là hành động gìn giữ môi trường, tạo ra nguồn thức ăn nuôi dưỡng môi trường.
Lễ vật cúng ông Táo truyền thống gồm có: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12h trưa 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12h trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.
Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, cơ bản với các món truyền thống như xôi, chè, bánh chưng, nem rán, gà luộc, giò lụa, canh miến nấu lòng gà, dưa hành, nộm...
Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc canh măng chay...
Ngoài ra, để Táo quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).
Những điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo năm 2025.
Tùy theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.
Những điều cấm kỵ khi cúng ông Công, ông Táo mà gia chủ cần lưu ý.
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ phải mặc trang phục lịch sự: quần dài, áo kín đáo, sáng màu, không hở hang…
Người thực hiện lễ cúng phải giữ thân thanh sạch, giữ tâm thái hoan hỉ để tạo ra năng lượng tích cực.
Ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công, ông Táo lên Trời để trình báo Ngọc Hoàng về tình hình gia đình trong suốt một năm qua. Đây là mốc thời gian quan trọng mà các gia chủ cần đặc biệt chú ý. Mặc dù vào những ngày cuối năm công việc bận rộn, nhưng bạn không nên tiến hành lễ cúng quá sớm. Đặc biệt, tuyệt đối không tổ chức cúng vào ngày Rằm tháng Chạp, vì đây không phải là ngày hợp lý để thực hiện nghi lễ này.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh cúng ông Táo quá muộn. Theo phong tục, từ 11 giờ đêm ngày 23 tháng Chạp trở đi là thời điểm bước sang ngày mới, và cúng sau giờ này sẽ bị coi là phạm phải lệ. Thời gian lý tưởng để thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo là vào ngày 21 hoặc 22 tháng Chạp, và tốt nhất là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Đây là thời điểm phù hợp để ông Táo có thể lên Trời, diện kiến Đức Vua Cha Ngọc Hoàng.
Tùy theo phong tục và quan niệm dân gian từng vùng, các gia đình thường bày biện mâm cúng ông Công ông Táo ở những nơi khác nhau. Vì nghĩ ông Táo là thần bếp nên một số gia đình chọn đặt mâm cỗ cúng ở dưới bếp.
Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy cho rằng, gia chủ chỉ nên đặt mâm cỗ trên ban thờ của gia đình. Đây là nơi kết nối tâm linh giữa hai thế giới âm dương, người trần với tổ tiên, thần linh.
Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ không nên đốt tiền âm phủ. Hành động này hoàn toàn sai về ý nghĩa. Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Cá chép được cúng vào dịp này để tiễn ông Công, ông Táo lên Trời, nhưng bạn cần thận trọng khi phóng sinh chúng. Việc thả cá không thể làm qua loa, bởi đây không chỉ là nghi thức mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Khi thả cá, hãy chọn những nơi có môi trường phù hợp để cá có thể sinh tồn, tránh thả ở những ao tù, nước đọng hoặc những khu vực ô nhiễm.
Bên cạnh đó, bạn nên thả cá ở những khu vực gần mặt nước, tránh đứng trên cầu hoặc từ những nơi cao để thả, vì có thể làm cá bị choáng hoặc chết. Đặc biệt, không được quăng cả bao ni lông xuống nước, điều này không chỉ mất thẩm mỹ mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều người theo thói quen thường cầu xin ông Công ông Táo cho làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc. Tuy nhiên, việc cầu xin như vậy không đúng với ý nghĩa của lễ cúng Táo quân.
Hằng năm, Táo quân lên thiên đình chỉ để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng. Thế nên, các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin ông Táo báo cáo điều tốt là được.
Khi chuẩn bị mâm cúng ông Công, ông Táo, gia chủ cần tránh một số món ăn được coi là không phù hợp với nghi lễ. Những món như thịt bò, thịt chó, thịt vịt, thịt ngan, hay thịt chim đều là những món ăn kiêng kỵ trong lễ cúng này.
Với các gia đình có trẻ nhỏ, nên chọn gà luộc làm lễ vật. Nếu có thể, hãy chọn một con gà cồ mới lớn, đang tập gáy. Đây là biểu tượng cầu xin ông Công, ông Táo ban phúc cho con cái ăn chóng lớn, khỏe mạnh cả về trí tuệ lẫn thể chất. Tùy vào điều kiện, bạn cũng có thể cúng ông Táo với mâm lễ chay hoặc mặn, miễn sao thể hiện lòng thành kính và sự tôn trọng đối với các Táo quân.
Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!