Đóng

Những hiểu lầm khiến người mắc đột quỵ mất đi thời gian vàng để cứu chữa

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lại chủ quan, bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị chỉ vì những hiểu lầm tai hại về căn bệnh này.

Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến về đột quỵ, có thể khiến người bệnh đánh mất cơ hội sống sót:

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người già

Theo Thanh Niên, đây là một trong những hiểu lầm phổ biến và nguy hiểm nhất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết 10% các ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 50 tuổi. Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng cao do lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều muối, chất béo cùng tình trạng béo phì, huyết áp cao và tiểu đường, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Đột quỵ không phân biệt tuổi tác. Ảnh minh hoạ.

Nghiên cứu đăng trên chuyên san Stroke Journal cho thấy tỷ lệ đột quỵ ở người từ 18-45 tuổi đã tăng đều đặn trong 2 thập kỷ qua. Đột quỵ không phân biệt tuổi tác. Vì nghĩ mình còn trẻ, khỏe mạnh nên nhiều người trẻ chủ quan khi gặp triệu chứng của đột quỵ như tê, yếu nửa người, nói lắp, đau đầu dữ dội, khiến bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị.

Chủ quan khi thấy bất thường

Một số triệu chứng ban đầu của đột quỵ có thể không rõ ràng hoặc bị nhầm với các vấn đề nhẹ như tụt huyết áp hay mỏi mệt. Hệ quả là người bệnh dù bất ổn nhưng vẫn trì hoãn đến bệnh viện, cố chờ xem triệu chứng có thuyên giảm không.

Do đó, khi thấy các triệu chứng như mặt bị méo một bên, khó nói hoặc nói lắp, tay chân yếu hoặc không thể nâng lên thì người mắc cần đến bệnh viện ngay. Việc chờ đợi hoặc tự chữa trị ở nhà như cạo gió, uống thuốc cảm, thoa dầu chỉ khiến tổn thương não lan rộng hơn. Mỗi phút trì hoãn điều trị đột quỵ, gần 2 triệu tế bào não sẽ chết đi.

Hết triệu chứng thì không đến bệnh viện 

Nhiều người sau khi bị méo miệng, nói ngọng hoặc tê tay chân trong vài phút rồi tự hết. Điều này khiến người bệnh và người thân dễ nghĩ rằng mọi chuyện không sao và không đi khám.

Trên thực tế, đây có thể là dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua, một loại đột quỵ nhẹ. Các thống kê cho thấy nếu không được điều trị dự phòng, khoảng 1/3 người từng bị thiếu máu não thoáng qua sẽ gặp đột quỵ thật sự trong vòng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, nếu can thiệp sớm thì sẽ giảm đến 80% nguy cơ xảy ra đột quỵ, theo Healthline.

Cách sơ cứu người bệnh đột quỵ tại nhà

Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Bùi Thị Thu Hà, giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đột quỵ có thể khiến người bệnh mất thăng bằng hoặc bất tỉnh, có thể té ngã. Nếu nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh đang bị đột quỵ, hãy làm theo các bước sau:

Nếu đang có các triệu chứng của đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp. Ảnh minh hoạ.

- Gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp: Nếu đang có các triệu chứng của đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.

Nếu đang chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo rằng người bệnh đang ở một vị trí an toàn, mặc quần áo thoáng, không gian thoải mái. 

Nếu bệnh nhân không tỉnh, nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng lên và đề phòng trường hợp bị nôn, sặc vào đường thở.

- Sơ cứu đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu: Kiểm tra nhịp thở của người bệnh. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo. Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng… để người bệnh dễ thở hơn.

Nếu người bệnh ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.

Tháo răng giả cho người bệnh (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ vật gì vào miệng người bệnh; Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh; Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh; 

Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh; Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.

- Cung cấp thông tin về tình trạng của người bệnh: Ghi nhớ nguyên nhân, biểu hiện, có hay không bị té ngã, đập đầu… của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế ngay khi được lực lượng cấp cứu hỗ trợ tiếp nhận.

Tin nổi bật