Theo Vnexpress, đột quỵ là tình trạng cấp cứu thần kinh gồm hai thể là đột quỵ thiếu máu (chiếm khoảng 80%) và đột quỵ chảy máu não. Nguyên nhân đột quỵ thường liên quan đến tăng huyết áp chưa được chẩn đoán, stress kéo dài, hút thuốc, rối loạn mỡ máu và dị dạng mạch máu bẩm sinh (phình mạch não, u hang mạch não, cavernoma...).
Các yếu tố nguy cơ đột quỵ não không thể thay đổi được gồm gia đình có tiền sử đột quỵ, chủng tộc, giới tính... Các yếu tố có thể kiểm soát được như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, béo phì và lối sống ít vận động. Trong đó, di truyền chỉ là một trong hơn 200 yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Tầm soát đột quỵ giúp phát hiện sớm các yếu tố bất thường và kiểm soát, điều trị hiệu quả các bệnh mạn tính liên quan, bởi đây là những nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Ảnh minh họa.
Theo các khuyến cáo hiện nay, người khỏe mạnh và không có yếu tố di truyền nên bắt đầu tầm soát từ tuổi 40 hoặc sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, người từng đột quỵ thì thuộc nhóm nguy cơ cao do tiền sử gia đình mắc bệnh, cần kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát sớm.
Bạn nên khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, kiểm tra các chỉ số như huyết áp, đường huyết, mỡ máu, chức năng gan - thận, nhịp tim và BMI. Nếu có bất thường, bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm mạch máu não, siêu âm động mạch cảnh, chụp MRI, đo điện tim hoặc Holter ECG...
Ai nên tầm soát đột quỵ?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ đột quỵ. Thậm chí, tai biến mạch máu não ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Trẻ em, thanh thiếu niên cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Do đó, tất cả mọi đối tượng đều nên chủ động sàng lọc hay tầm soát đột quỵ từ 1-2 lần mỗi năm.
Những người có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ bao gồm:
Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ.
Mắc các bệnh lý như các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đái tháo đường, đau nửa đầu Migraine, bệnh lý tim mạch, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,…
Cao huyết áp
Thừa cân, béo phì, hàm lượng cholesterol cao.
Lạm dụng thuốc tránh thai.Sử dụng hormone sau mãn kinh.
Ít vận động, luyện tập thể dục thể thao.
Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích, theo Sức khỏe & Đời sống.