Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Săn cá đổi đời ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

(DS&PL) -

Không ít người ví nơi thượng nguồn Nậm Nơn thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) giờ giống như “bầu sữa” vô tận đối với đồng bào hai bên sông.

Không ít người ví nơi thượng nguồn Nậm Nơn thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) giờ giống như “bầu sữa” vô tận đối với đồng bào hai bên sông. Chưa bao giờ tôm cá trên sông ở vùng núi này nhiều đến thế.

Đứng trên bến thuyền Thượng Lưu, thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, chỉ cần vứt nắm cơm hoặc nắm lá cây là lập tức từng đàn cá to, nhỏ chạy đến đua nhau đớp mồi. Dọc các con khe, suối nhỏ chúng tôi bắt gặp nhiều học sinh trường THCS Hữu Khuông (huyện Tương Dương) đang tranh thủ xuống lòng hồ đánh bắt cá để bán kiếm tiền học chữ.

“Vựa” cá ở thượng nguồn Nậm Nơn đã giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo

Điều đặc biệt, ở vùng núi này có nhiều loài cá khác nhau và đã trở thành đặc sản như: Cá lăng, cá ngạnh, cá mát, cá chạch, chạch sú... Nhiều người dân xã Hữu Không, Mai Sơn (huyện Tương Dương) và Mỹ Lý, Huồi Tụ, Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) chuyển hẳn sang nghề săn bắt các loài cá được mệnh danh là đặc sản của vùng núi rừng này.

Ngược vào lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ bằng chiếc thuyền máy nhỏ tròng trành, trọn cả ngày trời mới đến xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Nơi đây được xem là chốn “thâm sơn cùng cốc”, vì nằm tận thượng nguồn sông Nậm Nơn. Cuộc sống của người dân Mỹ Lý chủ yếu là người Thái, Mông và Khơ Mú từ xưa nổi tiếng khó khăn. Khoảng 3 năm trở lại đây, Mỹ Lý được đổi thay là nhờ “vựa cá” của lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ ban tặng. Càng ngược vào lòng hồ bao nhiêu, tôm cá nước ngọt càng nhiều bấy nhiêu.

Một chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý chỉ tay xuống bến đò của bản Xiềng Tắm cho biết, sáng nào nơi đây cũng đông đúc bà con khắp các vùng lân cận như: Mường Lống, Bắc Lý, Huồi Tụ, Phà Đánh và một số “nậu” ở thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), Hòa Bình (Tương Dương) vào tham gia mua bán cá để đưa về xuôi.

Người dân dùng thuyền nhỏ đánh bắt cá

Theo quan sát, để “săn” được các loài cá quý hiếm, người dân có nhiều cách. Chỉ cần chiếc thuyền nhỏ, kèm theo lưới vây bủa hoặc dùng câu chùm, câu đơn... là có thể hành nghề. Mỗi tối bà con đánh bắt được nhiều loại cá, nhưng hễ có các loài cá quý hiếm là các “nậu” tranh nhau mua với giá rất cao: Hơn 400.000 đồng/kg đối với cá lăng và cá lệch; 300.000 đồng đối với cá mát và 500.000 đồng đối với loài cá ngạnh...

Một cán bộ xã Mỹ Lý tiết lộ, trước đây, nơi này từng được xem là cái rốn của các đường dây tội phạm ma tuý từ nước bạn Lào về Việt Nam. Lợi dụng địa hình sông núi hiểm trở, các đối tượng qua đây để về Huồi Tụ, sau đó tập kết về đỉnh Pù Lôm (Tương Dương). Ngày nay, thay vì đi nương, đi rẫy, thậm chí xách thuê ma tuý... Bà con Mỹ Lý sống bằng nghề đánh cá trên sông. Điều đáng nói, dù là cá to hay cá nhỏ, hầu hết các loài cá nước ngọt sống ở vùng lòng hồ này đều rất ngon.

Anh Lô Văn Long, một người dân bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý cho biết, trước đây, gia đình anh lao động quần quật nhưng quanh năm vẫn thiếu đói. Nay, nhờ chuyển sang làm nghề “săn” các loài cá quý nên gia đình được đổi đời.

Để săn được những con cá lệch, cá lăng to bự, anh Long phải dùng lưỡi câu móc. Ban đầu chỉ mong bắt được cá để về ăn, nhưng sau đó thấy đánh bắt được nhiều nên vợ chồng anh mới bỏ nghề rừng chuyển sang nghề này. Mỗi buổi tối bình thường gia đình anh cũng thu nhập được từ 300.000 - 500.000 đồng, hôm nào may mắn thì được 1 - 2 triệu đồng. “Một nguồn thu mà trước đây dù nằm mơ cũng không thấy”, anh Long nói.

Ông Kha Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, trước đây Mỹ Lý là một trong những xã nghèo nhất huyện biên giới Kỳ Sơn, nay dòng Nậm Nơn thành “vựa” cá sinh sôi. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con vừa đánh bắt vừa phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản để chúng được sinh sôi, nảy nở lâu bền.

Tin nổi bật