Củ đậu còn gọi là sắn nước, có tên khoa học là Pachyrhizus erosus, thuộc họ Cánh bướm (danh pháp khoa học: Fabaceae). Theo Đông y, củ đậu vị ngọt, tính mát; rễ củ (củ đậu) được dùng làm thuốc chữa ngộ độc rượu, lở loét, ghẻ ngứa ngoài da... hoặc dùng để xào nấu, chăm sóc da, làm mờ vết thâm, tàn nhang, ăn sống như một loại trái cây…
Lợi ích sức khỏe của củ đậu
Theo y học hiện đại, củ đậu chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, vitamin C, kali và magiê... Củ đậu cũng là nguồn chất xơ tốt và ít calo, rất tốt cho những người muốn cải thiện sức khỏe đường ruột và giảm cân.
Dưới đây là một số lợi ích của củ đậu:
Tốt cho sức khỏe đường ruột: Một trong những lợi ích tốt nhất của củ đậu là hỗ trợ sức khỏe đường ruột do chứa nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường tiêu hóa. Ngoài ra, loại củ này còn chứa các hợp chất prebiotic có thể góp phần tạo nên môi trường vi khuẩn có lợi trong ruột và hỗ trợ thêm cho sức khỏe tiêu hóa.
Hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường: Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa sinh và Dinh dưỡng Lâm sàng, củ đậu rất giàu inulin, một chất xơ hòa tan có thể làm giảm lượng đường trong máu, tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Tác dụng chống oxy hóa: Củ đậu chứa một số chất chống oxy hóa, có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào như vitamin C. Trong 130g củ đậu chứa 26,3mg vitamin C, đáp ứng gần một phần ba nhu cầu cho nam giới trưởng thành và 35% cho phụ nữ. Ngoài ra, củ đậu cũng chứa các chất chống oxy hóa khác như vitamin E, selen và beta-carotene.
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào bằng cách chống lại các gốc tự do, các phân tử có hại gây ra stress oxy hóa.
Củ đậu tốt cho tim mạch: Củ đậu có lợi cho tim vì nó có hàm lượng nitrat cao giúp lưu thông máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, củ đậu có chứa hàm lượng chất xơ cao (trong 130 g củ đậu chứa 6,4 g chất xơ), chiếm khoảng 1/5 lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày cho người lớn. Chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ do làm giảm cholesterol "xấu" và huyết áp.
Tốt cho xương: Củ đậu chứa canxi và phốt pho nên có thể giúp duy trì mật độ khoáng chất của xương. Hơn nữa, inulin trong củ đậu có thể hỗ trợ sức khỏe xương bằng cách giữ lại khoáng chất trong xương, cải thiện sự hấp thụ canxi, giảm mất xương.
Giúp kiểm soát cân nặng: Củ đậu chứa nhiều chất xơ có thể giúp no lâu, giảm cảm giác thèm ăn. Không chỉ thế, loại củ này chứa ít calo nên trở thành lựa chọn tốt cho những người muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Cung cấp nước cho cơ thể: Mất nước có thể khiến da và tóc bị khô, đồng thời dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận. Với 90% là nước nên ăn củ đậu sẽ cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng nước này không thay thế được nước uống thông thường, vẫn cần duy trì cung cấp 1,5-2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi ăn củ đậu cần lưu ý những điểm sau, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe:
Không giảm cân bằng củ đậu
Củ đậu tốt cho những người thừa cân, béo phí. Nhưng không nên dùng loại thực phẩm này để ăn "trừ bữa" xem như một biện pháp giảm cân. Bởi củ đậu giàu chất xơ, vitamin, ít năng lượng nhưng không thể cung cấp hết tất cả các dưỡng chất mà bạn cần. Chính vì thế nếu chỉ ăn cũ đậu để giảm béo có thể khiến bạn thiếu chất dinh dưỡng, gây nên tình trạng uể oải, mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe...
Không nên ăn nhiều
Chính vì củ đậu chứa nhiều nước, khi ăn củ đậu quá nhiều, thậm chí đến mức no căng thì dạ dày sẽ ngày một dãn ra. Khi dạ dày đã giãn ra thì dịch dạ dày sẽ tiết nhiều hơn, dạ dày cũng rỗng hơn, nhu cầu thèm ăn cao hơn. Đặc biệt, ăn củ đậu quá nhiều sẽ không tốt cho những người bị đau dạ dày và làm cho cơ thể suy yếu. Mặc dù củ đậu nhiều chất xơ và giàu vitamin nhưng không thể cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Việc chỉ ăn củ đậu để giảm cân sẽ khiến cơ thể thiếu chất uể oải, mệt mỏi.
Không ăn lá và hạt
Ngoài phần củ ăn được, lá và hạt của cây củ đậu có thể dùng làm thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên, tuyệt đối không được ăn 2 bộ phận này bởi nó chứa chất tephrosin và rotenon. Chất này khi đi vào cơ thể có thể gây ngộ độc, thậm chí bị đau bụng dữ dội, co giật toàn thân, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp.
Phần hạt của cây củ đậu có chứa thành phần độc Rotenon không ăn được, dùng để sản xuất thuốc trừ sâu và chữa bệnh ngoài da (ghẻ, lở). Nếu ăn phải hạt của cây củ đậu bệnh nhân sẽ có biểu hiện ngộ độc từ phút thứ 5- 40. Triệu chứng có thể tiến triển nhanh và nặng có thể tử vong trong thời gian từ 2-5 giờ. Nếu được kiểm soát tốt, triệu chứng nặng nề nhất có thể hết sau 4 -7 giờ. Vì vậy, khi mua cả chùm củ đậu tươi về chế biến, tuyệt đối cắt bỏ dây lá.