Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nét độc đáo của làng nghề sản xuất đũa từ cây cau “năng rưng”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đôi đũa cũng là một sản phẩm văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, đã từng được chọn làm “nhân vật” đưa lên tem bưu chính viễn thông.

(ĐSPL) - Đôi đũa cũng là một sản phẩm văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, đã từng được chọn làm “nhân vật” đưa lên tem bưu chính viễn thông. Trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam truyền thống, thông dụng nhất vẫn là đôi đũa tre rồi đến các loại đũa khác được làm từ gỗ, nhựa…Nhưng với người dân xóm 1, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), có một loại đũa đặc biệt mà không nơi nào có. Đũa được làm từ thân cây cau rừng, hay còn gọi là cây cau “năng rưng”.

Gặp người khai sáng ra nghề sản xuất đũa cau

Vượt qua chặng đường khá dài, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được đến xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi duy nhất sản xuất đũa từ cây cau rừng. Khi hỏi về người khai sáng ra làng nghề làm đũa từ cây cau “năng rưng”, một người dân địa phương đã dẫn chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Thanh, ở xóm 1.

Bà Thanh, người khai sáng ra nghề làm đũa cau “năng rưng”.

Bà Thanh được coi là người khai sáng ra nghề làm đũa cau rừng. Dù đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn có một sức khỏe tương đối dẻo dai và đôi bàn tay khéo léo. Khi hỏi về nghề làm đũa từ chất liệu đặc biệt “độc nhất vô nhị” ở nước ta, bà bồi hồi kể lại. Trước đây, gia đình ông bà nghèo lắm, ngoài làm ruộng, trồng vài cây sắn thì ông Chiên (chồng bà - PV) còn phải đi đốn củi đem bán. Quần quật quanh năm suốt tháng nhưng nhà vẫn không đủ ăn, cái đói cứ đeo bám dai dẳng. Rồi cái khó cũng ló cái khôn, một hôm tình cờ bà và chồng nghĩ đến việc thử lên rừng đốn ít cây cau “năng rưng” rồi vót thành đũa bán.

Nghĩ là làm, ông Chiên nghe lời vợ lên rừng tìm chặt cây cau “năng rưng” về vót đũa. Ông kể rằng: “Cây cau rừng này rất hữu ích, quả cũng là vị thuốc bắc, thân khi già sẽ cứng nhưng sợi bên trong lại thẳng hơn cây cau nhà nên ông bà chọn nó để làm đũa”. Hơn nữa, với kinh nghiệm đi rừng lâu năm của mình, ông Chiên cũng biết được cây cau “năng nưng” thuộc tính hiền nên không sợ việc sử dụng đũa từ loại cây này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Kết quả ngoài sức mong đợi, ông bà bán được 50 đôi đũa ngay ngày đầu tiên. Từ đó, nghề làm đũa cau “năng rưng” ra đời. Không ngờ, sản phẩm này rất được khách hàng ưa chuộng, nhờ đó mà ông bà nuôi được mấy người con ăn học thành đạt.

Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm, ông vót bằng dao nên đũa không được trơn và đều, rất hạn chế về số lượng. Hai vợ chồng ông Chiên và bà Thanh lại trăn trở với suy nghĩ làm sao để đũa được đều và trơn hơn, thu hút được nhiều người mua hơn. Sau nhiều đêm mất ngủ tìm cách giải quyết, ông đã dùng bào để thay thế cho việc vót bằng dao, nên sản phẩm ra đời đều hơn. Sau đó, đũa được mang đi chà với lá chuối khô để được mịn và trơn hơn. Việc dùng bào cũng nhanh hơn so với vót bằng dao, vì thế sản phẩm “xuất lò” cũng nhiều hơn. Khi thấy gia đình ông Chiên có nghề hay, lại cho thu nhập cao, một vài gia đình xung quanh đã sang học và được ông bà nhiệt tình truyền dạy cách làm giàu từ việc sản xuất đũa cau “năng rưng”. Bà Thanh bảo với mọi người trong xóm, làm nghề này sẽ có gạo ăn và kiếm được tiền nuôi sống gia đình, thế nên một số người đã tới xin được học nghề. Ban đầu thì vài nhà cạnh bên, khi thấy việc sản xuất thuận lợi, dần dà cả xóm cùng theo ông bà học nghề làm đũa.

“Đổi đời” nhờ cây cau rừng

Khi được hỏi về hướng đi cho loại đũa làm từ chất liệu đặc biệt này, chị Nguyễn Thị Liên, một người dân xóm 1 cho hay: “Có nhiều loại đũa hiện nay chúng ta đang dùng, không được sạch và rất độc hại, vì người sản xuất họ đã phun thuốc chống mốc và chống ẩm nên rất nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Nhưng với đũa cau rừng, chất liệu thiên nhiên, đẹp, lịch sự. Chị thấy đa phần họ toàn mua về để đi biếu, hoặc làm quà tặng người thân. Người dân nơi đây lâu lâu có dịp về quê cũng mua về làm quà cho bạn bè...Vì thế, đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi”.

Chị Liên cho biết thêm, đã hơn chục năm sống bằng nghề vót đũa ,đến bây giờ cả gia đình chị đã lấy nghề này làm kinh tế chủ đạo. Vợ chồng chị có thể nuôi được 5 đứa con ăn học, trong đó 4 đứa học đại học. Tất cả cũng nhờ vào đũa.

Ông Trần Văn Hành theo nghề làm đũa ngót nghét 10 năm trời. Khi ruộng lúa chỉ theo mùa vụ, thì đũa cau lại ổn định về kinh tế hơn nhiều. Bình quân mỗi tháng gia đình ông kiếm được khoảng 4 – 5 triệu đồng. “ Trước đây tui đi làm công nhân, thấy người ta làm đũa có lời, nên đã theo mọi người học nghề này. Giờ đây cuộc sống được cải thiện hơn nhiều chú ạ”, ông Hành hớn hở nói.

Chị Hà đang làm công đoạn vót đũa.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà mới bắt đầu làm đũa được gần 2 năm nay và chỉ tranh thủ những lúc nhàn rỗi để không bị lãng phí thời gian, nhưng cũng thu lại một khoản tiền không nhỏ. Hơn nữa chồng chị có thể tự đi lấy cau nên không tốn kém chi phí. “Thời gian rảnh thì nhiều mà ngồi chơi thì phí lắm. Tui học được nghề làm đũa này so với đi làm thuê mấy công khác thì nhàn hạ hơn nhiều mà thu nhập cũng khá”, chị Hà chia sẻ.

Được biết, cứ 100 đôi đũa cau “năng rưng” có giá 200 nghìn đồng, mỗi ngày công bình thường một người có thể làm ra khoảng 100 đôi đũa, trừ đi chi phí trung bình một ngày cũng có thu nhập hơn 100 nghìn đồng. Đũa cau không chỉ được người dân ưa thích mua về sử dụng mà nhiều người còn mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước. Với những dịp cuối năm. nhu cầu về đũa cau lại càng cao, khách hàng phải đến để đặt trước thì mới có được. Thậm chí, nhiều gia đình phải tranh thủ làm thêm cả ban đêm vẫn không đủ đũa cho khách hàng.

Còn nhiều khó khăn

Được biết hiện nay cả xã Phúc trạch có khoảng 30 hộ gia đình lấy việc sản xuất đũa cau “năng rưng” là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên việc thiếu nguyên liệu là khó khăn lớn nhất để phát triển nghề. Cây cau rừng để làm đũa được phải chọn lựa rất kỹ càng. Cau phải rất già trên 20 năm tuổi, có đường kính từ 20 - 30cm và cao trung bình 7m (bởi chỉ có 2m cau gốc mới sử dụng vót đũa được). Vì sự chọn lọc khá kỹ càng đó nên cau càng ngày càng hiếm. Bây giờ để đi lấy cau thì người dân phải đến các vùng rừng của Vũ Quang, Hương Sơn. Phải đi 3 ngày may ra mới được một chuyến khoảng 20 đoạn (mỗi đoạn 2m). Nói nghề làm đũa đơn giản và khá nhàn hạ nhưng nó cũng đòi hỏi không ít kỹ thuật, người làm phải thật khéo léo và có tính kiên trì. Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua các công đoạn: cắt – chẻ - đẽo – bào phả - bào trau – mít – chà - phơi, trong đó bào trau là công đoạn quyết định của sản phẩm. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều thì phải sấy đũa bằng than vì đũa khô thì mới không bị mốc.

Để phát triển lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ.

Ông Phan Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc trạch, huyện Hương Khê cho biết: “Để giúp người dân sản xuất lâu dài, chúng tôi đã có quy hoạch những vùng đất để trồng cau lấy nguyên liệu. Nhưng hiện vốn đầu tư chưa có, nên rất mong sự hỗ trợ của nhà nước để mở rộng mô hình sản xuất".

Ở cái tuổi xế chiều, bà Thanh vẫn miệt mài đi bán những bó đũa cau “năng rưng” trên mảnh đất quê hương mình. Công việc này đã gắn bó với bà cả đời người, khó mà từ bỏ được. Giờ đây bà Thanh cũng như bao người dân khác đều mong muốn những chuyến tàu khi qua ga Phúc Trạch sẽ mang đũa cau “năng rưng” đi đến nhiều nơi, hiện diện trên các bàn ăn lớn nhỏ của ba miền đất nước. Rồi một ngày không xa, những khó khăn hiện tại được giải quyết, sản phẩm của làng quê nghèo sẽ tạo được thương hiệu cho riêng mình.

Tin nổi bật