Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bất ngờ “thần dược” làm trắng da của sơn nữ Dao Tiền

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chỉ với vài thang thuốc từ lá cây rừng, đun với nước sử dụng để tắm và uống có thể biến những người có nước da sạm, sần sùi, mụn nhọt trở nên trắng trẻo, trẻ ra vài tuổi.

(ĐSPL) - Trên đường đi công tác vùng núi tỉnh Hòa Bình, tôi bắt gặp những cô sơn nữ đi trên đường. Các cô lưng đeo gùi đang rảo bước trên những sườn dốc nét mặt vui tươi, nước da trắng ngần.
Tôi quay sang anh bạn đồng nghiệp làm báo địa phương thắc mắc thì được anh bạn dẫn đến gặp người giữ bí quyết làm trắng da. Đó là bà Tà Củ Thao (55 tuổi), trú tại xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi.
Bà Tà Củ Thao chia sẻ bí quyết làm trắng da từ cây cỏ.
Bật mí bí quyết làm trắng da
Nhà của bà Tà Củ Thao ở cuối xóm Hạ Sơn, xung quanh toàn đồi núi. Con đường vào nhà bà phơi rất nhiều cây thuốc. Bà Thao bảo: “Người Dao Tiền chúng tôi sống bao đời trên núi cao ở Hòa Bình, ngoài những bài thuốc gia truyền chữa bệnh, chúng tôi còn có cách làm đẹp riêng. Chỉ với vài thang thuốc từ lá cây rừng, đun với nước sử dụng để tắm và uống có thể biến những người có nước da sạm, sần sùi, mụn nhọt trở nên trắng trẻo, trẻ ra vài tuổi. Ở đây, con gái Dao Tiền làm gì có khái niệm tắm trắng, hay đắp mặt nạ, kể cả dầu gội đầu cũng ít khi sử dụng. Nhưng như các chú thấy đấy, con gái ở đây da dẻ ai cũng hồng hào, trắng ngần”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những bài thuốc của đồng bào nơi đây không phải để “quảng cáo” mà nó thực sự hiệu quả. Thế nhưng, không phải ai cũng tìm được và không phải ai cũng bốc được những bài thuốc này.
Bà Thao bảo: “Đây là bí quyết riêng của người Dao chúng tôi. Tôi được ông bà, bố mẹ truyền lại, thấy hiệu quả lắm. Gọi là bí quyết nhưng với nhà báo thì mình không giấu đâu. Chỉ tiếc, nhà báo không biết tìm cây thôi”.
Rồi bà chỉ cho chúng tôi về cách chữa mụn trên mặt, khá đơn giản: Dùng cây To tét (tên tiếng Mường), thường gọi là cây cỏ sữa. Rồi bà ra vườn nhổ cho tôi mấy cây. Cây này mang rửa sạch, đun nước, rửa mặt nhiều lần là khỏi. Cây này rất tốt cho những phụ nữ bị mất sữa. Rửa sạch, đun nước uống khoảng 4-5 ngày là sữa về nhiều lắm.
Với cách này, bao nhiêu năm nay, bà đã chữa cho những người quanh vùng. Còn với những thanh niên muốn trắng da, đẹp da thì dùng lá cây trên rừng. Bài thuốc này chủ yếu có hai loại cây, theo tiếng Dao gọi là Đen Chi Liếc và Oạp Tam Mây. Cây Đen Chi Liếc là cây thân gỗ, sống ở núi đá cao, nơi có không khí lạnh hơn. Cây có màu lá xanh đậm, da sần sùi, có mùi thơm và chỉ sống ở rừng già còn nguyên sinh. Cây Oạp Tam Mây là loại cây dây leo có màu trắng muốt, sống bám vào đá, không có mùi thơm.
Hai giống cây này sống gần nhau. Người Dao quan niệm, hai cây này là tượng trưng cho nếp và tẻ, âm và dương. Khi kết hợp làm vị thuốc tắm, có thể tẩy được những độc tố có trong da, khi dùng nước uống thì những chất độc có hại cho da thoát đi theo đường tiêu hóa. Nếu sử dụng chỉ tắm hoặc chỉ uống nước thì không có tác dụng mà phải kết hợp cả uống và tắm. Với nước tắm thì chỉ sử dụng tắm vào buổi tối bằng cách cho thuốc vào nước đun sôi để ấm rồi tắm.
Theo bà Thao, vào buổi tối, những chất không có lợi cho da phát triển mạnh nhất, gây hại cho cơ thể. Lúc này tắm thì lá thuốc có hiệu quả cao nhất. Chỉ sau 5-10 thang thì da phụ nữ giảm dần chất độc hại chuyển sang trắng mịn như da trẻ con. Bà Thao kể rằng, hai giống cây này rất khó gặp trên rừng. Nhiều lúc đi tìm mãi mà không thấy, có lúc không đi tìm thì bỗng dưng lại thấy. “Cách đây nửa tháng, khi đi lấy cây thuốc, tôi tìm thấy nó, lấy về một bao tải. Nghe nói tôi lấy được cây này, chị em quanh vùng tìm đến mua rất đông, chỉ một ngày sau đã bán hết. Tôi bán chủ yếu để bù vào công leo rừng thôi”, bà Thao nói.
Gặp sơn nữ dùng “cây thần” trị khuôn mặt “quỷ ám”
Nghe bà Thao nói vậy, nhưng để kiểm chứng “chất lượng thật” của bài thuốc này, chúng tôi tìm đến nhà sơn nữ Lý Thị Lan (19 tuổi, ở xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn). Theo một số người, trước đây, Lan có khuôn mặt “quỷ ám”. Thế nhưng, khi gặp thì chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước làn da như trắng và mịn như... da em bé của Lan.
Vẫn giữ vẻ e thẹn của một sơn nữ vùng cao, sau hồi lâu nghe tôi thuyết phục, Lan vẫn không cho chụp ảnh khuôn mặt em. Nhìn khuôn mặt trắng trẻo, mịn màng ở cái tuổi 19, không ai nghĩ rằng, trước đây, em có khuôn mặt “quỷ ám”. Trước đó, thấy mặt em ngày càng mọc nhiều mụn, người dân trong xóm nghĩ rằng, em bị chứng nan y khó chữa, nên chẳng ai dám chơi, chẳng ai dám đến gần. Bà Lý Thị Yên (mẹ Lan) bảo: “Lúc đó tôi cũng thấy sợ mặt con gái mình. Thế rồi, nghe nhiều người trong xóm mách, tôi đưa cháu đến bà Tà Củ Thao. Bà Thao ra nương nhổ một ít cỏ bụi đưa cho, bảo về rửa sạch, đun lấy nước rồi rửa mặt hàng ngày. Càng rửa nhiều thì càng nhanh khỏi. Nó về làm đúng như cách của bà Thao bảo, chỉ sau bốn ngày, những vết mụn trên khuôn mặt dần lặn đi, một tuần sau thì mất hẳn”.
Thấy có hiệu quả, Lan lại đến nhà bà Thao xin thêm thuốc để làm da đẹp hơn. Bà Thao bảo: “Mày chờ mấy hôm nữa, tao lên rừng kiếm cho, giờ hết rồi”. Mấy hôm sau, bà Thao bảo Lan đến lấy thuốc. Thuốc lần này chỉ có hai vị: Một cây lá khô, một cây dây leo lấy trong rừng. Hai vị này đun với nước để ấm, một ít cho vào cốc uống, còn lại để tắm. Chưa dùng hết 6 thang, những vết nám trên cơ thể cũng lặn dần, màu da chuyển dần sang trắng, da Lan mịn màng và đầy sức sống. Lan bảo: “Em là người Dao, sinh ra lớn lên ở đây. Trước em chỉ nghe nói có bài thuốc đó, nhưng quả thực không tin lắm. Khi sử dụng rồi mới biết nó hiệu nghiệm như thế nào. Từ lần đó, em vẫn đến bà Thao lấy thuốc tắm. Hôm nào bận thì thôi, chứ rảnh rỗi là đun thuốc tắm”.
Ngoài người Dao Tiền, người Mường ở Hòa Bình cũng có bài thuốc riêng của mình để dưỡng da và dưỡng tóc. Bà Bùi Thị Mơ (ở xã Kim Truy) còn lưu giữ bài thuốc lấy lá cây Hăn (tiếng Mường) rửa sạch đun lấy nước để ấm, rồi tắm và gội đầu. Chỉ cần tắm vài ngày liên tục, thấy tóc trơn, da bóng mịn màng như dùng mỹ phẩm. Lá cây Hăn nhỏ như lá xấu hổ, dây leo thường mọc trên núi đá.
Chưa một lần dùng thử, nên tôi vẫn bán tín bán nghi. Thế nhưng, trên gương mặt trắng hồng của các sơn nữ và làn da trắng như trứng gà bóc mà tôi gặp trên đường đã phần nào xua tan ý nghĩ đó. Chẳng thế mà hồi đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, chúng đã tổ chức cả cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường”. Khi xuống Hà Nội đi thi, các bà, các chị đều phải ghen tị với làn da trắng, mái tóc đen mượt của các Hoa hậu Quách Thị Tẻo, Đinh Thị Nụ, Hoàng Thị Liên...
Chắc những thang thuốc làm đẹp của người dân tộc phải hữu ích, thì vẻ mặt, làn da của những sơn nữ vùng cao này mới làm nên một cuộc thi hoa hậu thời Pháp thuộc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị về mặt tôn vinh vẻ đẹp của các sơn nữ. Bên cạnh đó, những bí quyết làm đẹp được lưu truyền đến tận ngày nay mà bao thế hệ sơn nữ vùng cao Hòa Bình được thừa hưởng đang khiến không ít thiếu nữ miền xuôi tìm đến.       D.K
Nhận diện “cây thần” chữa trắng da
Cây cỏ sữa (cây To tét), lá nhỏ, có tên khoa học Euphorbia thymifolia Burm, thuộc họ thầu dầu, thường được dùng toàn cây làm thuốc. Cây mọc lan trên mặt đất, thân cành có màu tím đỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc thon dài, dài nhất khoảng 7mm, lá hơi khía tai bèo. Cỏ sữa thu hái về mùa hè, rửa sạch, phơi khô để dùng dần làm thuốc. Sở dĩ gọi là “cỏ sữa”, bởi vì khi bẻ ngang thân chỗ nào cũng tiết ra một chất nhựa mủ màu trắng đục như sữa. Theo Đông y, cỏ sữa có vị hơi đắng, chua, tính mát, hơi có độc, tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, giải độc, chống ngứa, thông sữa. Toàn cây đều được dùng làm thuốc. Người ta dùng lá cây cỏ sữa để cầm máu và điều trị các trường hợp rối loạn đường tiêu hóa, giúp hạ sốt và làm mát cơ thể. Cỏ sữa giúp làm mềm da và làm giảm kích ứng các màng nhầy trong cơ thể. Cỏ sữa còn có tác dụng xổ nhẹ. Một số bệnh có thể dùng cây cỏ sữa để điều trị như: Viêm da mẩn ngứa, nứt môi hoặc viêm lưỡi, viêm loét, mụn nhọt ngoài da và các bệnh nhiễm trùng da...

Tin nổi bật