Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 9/7, Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân bị ngưng tim khi đang ngủ. Trước đó, ngày 20/6, bệnh nhân L.H.N (44 tuổi, ngụ phường Tam Bình, TP.HCM) được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất động, không thở và mất ý thức khi đang ngủ.
Nhận thấy các dấu hiệu ngưng tim, người thân đã nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) tại chỗ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, tiếp tục hồi sức ổn định tình trạng rối loạn nhịp và huyết áp. Sau điều trị tình trạng ổn định, bệnh nhân tỉnh táo hơn và đã rút nội khí quản.
Đáng chú ý, đây là lần thứ hai bệnh nhân rơi vào tình trạng ngưng tim khi đang ngủ. Ở lần cấp cứu đầu, bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada nhưng chưa thể cấy máy phá rung tự động do khó khăn về kinh tế. Đáng chú ý, trước đó, anh trai của anh cũng đột tử qua đời vào ban đêm khi mới 30 tuổi.
Các bác sĩ tiến hành cấy máy khử rung tự động ICD cho người bệnh. Ảnh: VnExpress
Bác sĩ Nguyễn Phúc Nguyên (khoa Hồi sức Tim mạch) cho biết, dù đã có chỉ định đặt ICD ngay từ lần đầu nhập viện, nhưng bệnh nhân vẫn chưa thể thực hiện được. “Đến lần này, bệnh nhân lại rơi vào cơn ngưng tim và may mắn sống sót. Đây thực sự là một cơ hội hiếm có”, bác sĩ Nguyên nói.
Sau khi hồi phục, bệnh nhân được tiến hành cấy máy khử rung tự động ICD - thiết bị có khả năng phát hiện và xử lý các rối loạn nhịp nguy hiểm. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong 60 phút, bệnh nhân được xuất viện ngày 3/7 trong tình trạng ổn định.
Trong lần tái khám định kỳ, các bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không có dấu hiệu rối loạn nhịp tái phát. "Không phải ai cũng có cơ hội được cứu sống hai lần. Việc cấy ICD kịp thời đã bảo vệ sinh mạng bệnh nhân và mang lại cuộc sống an toàn hơn", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Theo thông tin trên VnExpress, máy khử rung tự động ICD là thiết bị điện tử nhỏ được cấy dưới da vùng ngực và kết nối với tim qua các dây điện cực, hoạt động 24/7 để theo dõi nhịp tim, đồng thời có khả năng phát hiện, điều trị và ngăn ngừa các cơn rối loạn nhịp thất nguy hiểm. Máy có tuổi thọ từ 7-10 năm và sẽ được thay mới khi hết pin.
Về hội chứng Brugada, đây là bệnh lý di truyền hiếm gặp, ước tính gặp ở khoảng từ 1 đến 5 người trên 10.000 dân (0,01% - 0,05%), tùy từng quần thể và quốc gia. Bệnh thường gặp ở người trẻ, có vẻ ngoài khỏe mạnh nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ rối loạn nhịp thất đột ngột, dẫn đến ngất xỉu, ngưng tim và tử vong, đặc biệt trong lúc ngủ.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh và gia đình cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố có thể kích hoạt rối loạn nhịp như sốt cao, một số loại thuốc ảnh hưởng đến dẫn truyền tim, rượu bia, chất kích thích, mất cân bằng điện giải và stress kéo dài.
Cùng với đó, tầm soát cho người thân trong gia đình để phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đột tử đáng tiếc có thể xảy ra.