Đóng

Vụ đường dây lợn bệnh tuồn ra bán tại chợ, quán ăn ở Hà Nội: “Thịt ở quê tôi đắt hơn ở đây”

  • Mộc Trà - Nguyễn Hiếu
(DS&PL) -

Người dân quanh khu vực chợ Phùng Khoang cho biết, họ vẫn thường xuyên mua thịt tại chợ và giá thịt tại đây cũng rẻ hơn ở quê.

Thịt lợn phố rẻ hơn ở quê

Liên quan đến vụ triệt phá đường dây tuồn hàng tấn thịt lợn nhiễm bệnh bán tại chợ, quán ăn tại Hà Nội vừa qua, theo ghi nhận của PV Đời sống và Pháp luật ngày 9/7 tại chợ Phùng Khoang, khu vực bán thực phẩm sống, các hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khu bán thịt lợn chỉ có khoảng hơn 10 kiot mở sau khi vụ việc xảy ra.

Hầu như, các kiot bên trong khu vực đều đóng cửa nghỉ bán, lượng khách mua cũng không nhiều nhưng vẫn lác đác.

Hoạt động mua bán tại chợ vẫn diễn ra bình thường sau khi vụ án xảy ra

Vừa thấy khách đi qua, các tiểu thương đã nhanh chóng mời chào, vẫy gọi nhiệt tình để mong bán được hàng. Một tiểu thương tại đây khi bắt được nhu cầu của khách liền đưa đẩy: “Mua thịt cho chị đi em, hôm nay chị có đùi, vai giòn ngon lắm. Đùi thì 90.000kg, vai giòn chỉ 80.000kg thôi, mua ủng hộ chị”.

Hầu hết các kiot phía trong đều tạm đóng cửa nghỉ bán

Chỉ những kiot phía ngoài bày bán thịt lợn

Chỉ khoảng hơn 10 kiot vẫn diễn ra hoạt động mua bán bình thường, tuy nhiên lượng khách mua cũng chỉ lác đác

Chạy vội vào chợ mua 1kg thủ lợn và bó rau muống trong chợ về kịp nấu cơm trưa, anh Dương Văn Huỳnh (quê Thái Nguyên, lao động tự do sống gần khu chợ Phùng Khoang) cho biết, anh vừa mua thủ lợn với giá 80.000kg/kg về nấu bữa trưa cho đồng nghiệp ở cùng phòng.

Liên quan đến thông tin thịt lợn mắc bệnh bị thu giữ được bán tại chợ Phùng Khoang, anh Huỳnh chưa nắm được thông tin.

Người đàn ông cho biết, trước thực trạng vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, anh thừa nhận biết các loại thực phẩm ở chợ sẽ không an toàn, thế nhưng vì một phần giá cả cùng với mức thu nhập hiện nay của những người lao động tự do như anh, khó thể nào có phương án khả thi hơn.

Vì cuộc sống mưu sinh, dù biết thực phẩm không được như ý nhưng anh Huỳnh vẫn lựa chọn vì giá phù hợp.

“Biết là thịt thà, rau cỏ không đảm bảo an toàn, nhưng tính ra thịt ở đây rẻ hơn ở quê tôi rất nhiều lần. Nếu ở quê, phần đầu thủ phải có giá hơn 100.000/kg. Thêm nữa, cuộc sống mưu sinh, tiết kiệm được đồng nào mang về nuôi vợ con thì chúng tôi vẫn nhắm mắt ăn cho qua ngày”, anh Huỳnh nói.

Trần Tuấn Hùng (sinh viên năm 2 thuê trọ gần khu vực chợ Phùng Khoang) cho biết, Hùng thường xuyên mua thực phẩm tại chợ về nấu ăn. Mặc dù biết, chất lượng sẽ không như ý nhưng vì là sinh viên, tài chính eo hẹp nên Hùng vẫn phải mua vì “không còn lựa chọn nào khác”.

Chị Đặng Thị Hằng, người dân sinh sống tại phường Trung Văn, Hà Nội cho biết, là bà nội chợ, chị Hằng luôn kỹ tính lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi nhiều lúc sẽ mua phải sản phẩm kém chất lượng.

“Tôi cũng đã theo dõi thông tin thời gian qua, lúc trước tôi có mua thực phẩm tại chợ. Tuy nhiên, từ sau khi hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện nhiều, tôi đã nhờ người thân ở quê gửi đồ tự nuôi trồng ra để đảm bảo an toàn cho cả gia đình”, chị Hằng cho hay.

Hàng tấn lợn nhiễm bệnh bị phát hiện tại vụ án này

Thu mua lợn bệnh chỉ 20.000/kg

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Các đối tượng trong vụ án gồm Lê Văn Tươi (SN 1994) và Nguyễn Thị Thư (SN 1998, trú tại Thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (nay là xã Thường Tín), Đặng Văn Huy (trú tại: phường Tùng Thiện, TP.Hà Nội); Dư Đình Hợi (sinh ngày 26/01/1983, trú tại: xóm Lương Sơn, thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá, TP.Hà Nội, chủ kiot tại chợ Phùng Khoang); Nguyễn Viết Chiếm (sinh ngày 11/10/1987, trú tại: xóm 9, thôn Dư Xá, xã Hòa Xá, TP.Hà Nội, chủ kiot tại chợ Phùng Khoang).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư có 45 con lợn sống có biểu hiện nhiễm bệnh, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 4.300kg.

Tại chợ đầu mối Tân Mai phát hiện thu giữ tại 3 kiot đã mua 351,9kg thịt lợn bệnh của Tươi – Thư, bày bán cho người tiêu dùng

Tại Kiot của các đối tượng tại chợ Phùng Khoang: Kiot của Dư Đình Hợi: tổng khối lượng thịt 367kg; Kiot của Nguyễn Viết Chiếm tổng khối lượng thịt 426kg; Kiot của Trương Mạnh Kiên tổng khối lượng thịt 91kg; Kiot của Nguyễn Đình Thao tổng khối lượng thịt 93kg. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 977kg. Toàn bộ hàng không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Các đối tượng thu mua lợn mắc bệnh chỉ 20.000 đồng/kg về bán

Tại các lò mổ, các đối tượng khai nhận từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy - người thu mua lợn bệnh tại huyện Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội; tỉnh Vĩnh Phúc,… rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở.

Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg thịt. Cơ sở hoàn toàn không có giấy phép giết mổ, không thuộc hệ thống giết mổ được cấp phép của thành phố.

Đáng chú ý, các tiểu thương đến trực tiếp lò mổ của Tươi - Thư để chọn lợn; sau giết mổ, thịt được bán ngay cho các quầy tại các chợ đầu mối như Phía Nam, Minh Khai,… Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Với thủ đoạn thu mua lợn bệnh giá rẻ từ 35.000 - 40.000đ/kg hơi, sau đó giết mổ bán ra từ 55.000 - 60.000đ/kg, các đối tượng thu lợi bất chính hàng tháng khoảng 70 - 80 triệu đồng.

Tại chợ Phùng Khoang, các đối tượng khai nhận mua lợn chết của các đối tượng tại khu vực huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (cũ), TP.Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng.

Các đối tượng tiến hành mổ phanh và sử dụng ô tô tải vận chuyển lợn ra khu vực Kiot tại chợ Phùng Khoang để tiêu thụ.

Tại Kiot của các đối tượng tiến hành sơ chế lợn đã mổ thành từng bộ phận riêng (đầu, vai, đùi, bụng...) rồi trực tiếp bán cho khách hàng, trong đó chủ yếu bán cho những người có Kiot bán thịt lợn khác tại chợ Phùng Khoang với giá 40.000 đồng/kg, sau đó lại tiếp tục được bán 50.000 - 70.000 đồng/kg cho khách hàng cá nhân và các cửa hàng ăn, quán cơm bình dân, cơm văn phòng trên địa bàn TP.Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.

Các đối tượng thu lợi bất chính hàng tháng khoảng 70 - 80 triệu đồng.

Ăn phải lợn nhiễm dịch tả sẽ như thế nào?

Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, không hiếm tình huống người dân mua phải thịt lợn chết, lợn bệnh. Chúng thường mang nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng và virus. Khi con người ăn thịt từ động vật mang bệnh hoặc đã chết vì bệnh, nguy cơ ngộ độc cũng như nhiễm bệnh truyền nhiễm tăng cao.

"Tuy nhiên, trong trường hợp không may ăn phải con lợn nhiễm tả cũng không sao. Do lợn nhiễm bệnh tả Châu Phi khi thịt được nấu chín (luộc, xào, nướng…) ăn vẫn an toàn. Bệnh tả lợn Châu Phi không lây truyền bệnh sang người, khác với lở mồm long móng (gia súc) hoặc H5N của gà", BS Thiệu cho hay.

Bác sĩ Thiệu phân tích, trường hợp ăn thịt bị mắc bệnh tả Châu Phi sẽ nguy hiểm khi con lợn đã bị chết các vi sinh khác phát triển gây ra những độc tố. Do khi lợn đã chết sẽ phát sinh ra các loại vi khuẩn và bệnh khác không phải là tả lợn. Nếu ăn phải nhẹ có thể bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn tiêu hóa, nặng có thể ngộ độc.

Hoặc khi thịt lợn nhiễm các vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Listeria có thể gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao. Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Ký sinh trùng như giun xoắn, sán dây lợn dễ xâm nhập vào cơ thể người khi ăn thịt nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ, có thể gây tổn thương cơ, mắt, thần kinh trung ương. Một số virus như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi, liên cầu lợn không lây trực tiếp qua đường tiêu hóa nhưng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc nếu không đảm bảo vệ sinh khi chế biến.

Bác sĩ Thiệu nhận định thêm, độc tố từ xác lợn bệnh (histamine, endotoxin, mycotoxin) vẫn tồn tại ngay cả khi nấu ở 100 độ C, không bị phá hủy hoàn toàn. Ăn phải thịt chứa độc tố có thể gây ngộ độc cấp như nôn mửa dữ dội, đau bụng, tiêu chảy, sốt cao, tụt huyết áp. Trường hợp nặng, nguy cơ sốc nhiễm độc, đe dọa tính mạng.

Nếu tiếp xúc lâu dài với lượng nhỏ độc tố, cơ thể có thể bị tổn thương gan, thận, hệ miễn dịch, thậm chí tăng nguy cơ ung thư. Đáng lo ngại, thịt chứa độc tố có thể không thay đổi rõ rệt về màu sắc hay mùi vị, dễ khiến người tiêu dùng chủ quan, tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Chính vì thế bác sĩ Thiệu khuyến cáo, người dân nên chọn mua thịt ở nơi uy tín, có kiểm dịch. Tránh mua thịt tái nhợt, bầm tím, chảy nước, có mùi hôi tanh hoặc da nổi nhiều nốt xuất huyết. Thịt lợn cần nấu chín kỹ, không ăn tái như nem chua, tiết canh...

Thịt lợn tươi có dấu hiệu khô ráo, đỏ hồng hoặc đỏ đậm, mỡ chắc, mùi tự nhiên, khi sờ không dính tay hay để lại dấu vết. Sau khi luộc, thịt tươi cho nước dùng trong, thơm, lớp váng mỡ lớn trên bề mặt.

Khi chế biến, cần rửa tay kỹ, dùng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và chín để phòng lây nhiễm chéo. Tuyệt đối không mua thịt bất thường chỉ vì giá rẻ. Người tiêu dùng nên tỉnh táo trước thông tin mạng, biết chọn lọc và áp dụng kiến thức an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh thực phẩm bẩn còn nhiều rủi ro.

Tin nổi bật